Mẹ và Con - Bạn cần khám sức khỏe đi làm nhưng chưa biết quy trình ra sao? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây để chuẩn bị chu đáo và có một khởi đầu thuận lợi cho công việc mới nhé!

Khi nộp hồ sơ xin việc hoặc khi đã được nhận, bạn luôn được yêu cầu phải khám sức khỏe đi làm. Vật nên khám sức khỏe đi làm ở đâu? Cần chuẩn bị những gì khi đi khám?

Bài viết sau sẽ giúp bạn tìm hiểu tất tần tật những điều cần lưu ý khi khám sức khỏe đi làm để bạn không gặp nhiều trở ngại trong quá trình này.

Khái niệm và mục đích của quá trình khám sức khỏe đi làm

Như thế nào là khám sức khỏe đi làm?

Khám sức khỏe đi làm (khám sức khỏe xin việc) là một hình thức thăm khám tổng quát dựa theo các danh mục mà giấy khám sức khỏe đi làm đề ra. Trong đó, người khám có thể tham khảo nhiều gói khám khác nhau và chọn lựa những gói phù hợp.

mục đích của việc khám sức khỏe đi làm

Quy trình khám sức khỏe xin việc hiện nay bao gồm các gói khám cơ bản và chuyên sâu tùy theo nhu cầu của khách hàng. Khi đi khám, bạn sẽ được bệnh viện hoặc trung tâm y tế đăng ký khám phát cho một tờ giấy khám sức khỏe đi làm.

Do đó, bạn không cần phải chuẩn bị trước. Lưu ý là bạn không nên sử dụng mẫu đơn khám sức khỏe đi làm mua ở ngoài vì có thể sẽ không đúng với yêu cầu của nơi thăm khám.

Khám sức khỏe đi làm nhằm mục đích gì?

Việc khám sức khỏe đi làm là bắt buộc đối với các đối tượng lao động vì những lý do sau:

  • Thăm khám sức khỏe trước khi đi làm sẽ biết được bản thân có đang mắc bệnh lý nào hay không. Từ đó, có thể sớm tiến hành chữa trị để đảm bảo sức khỏe cho công việc sau này.
  • Giấy khám sức khỏe đi làm hợp lệ là giấy tờ mà người lao động dùng để xác nhận với đơn vị tuyển dụng rằng bản thân hoàn toàn khỏe mạnh để đáp ứng nhu cầu công việc.
  • Từ kết quả trên giấy khám sức khỏe, doanh nghiệp hoặc nhà tuyển dụng sẽ đánh giá thể trạng ứng viên xin việc để bố trí, phân công công việc phù hợp nhằm đảm bảo đạt năng suất làm việc ở mức cao nhất.

Thời hạn có hiệu lực của giấy khám sức khỏe đi làm

Thông thường, chúng ta sẽ được cấp một bản giấy khám sức khỏe đi làm sau khi hoàn thành hết quá trình thăm khám. Trong trường hợp cần cấp nhiều bản một lúc thì trước khi đóng dấu, có thể in ra các bản giấy khám sức khỏe dựa theo số lượng yêu cầu.

Sau đó, thực hiện dán ảnh thẻ lên mỗi bản giấy và đóng dấu giáp lai theo quy định. Theo quy định tại Điều 8, Thông tư 14/2013/TT-BYT, giấy khám sức khỏe đi làm có hiệu lực trong vòng 6 tháng tình từ ngày bác sĩ ký kết luận.

Tuy nhiên, mỗi đơn vị ứng tuyển cũng có thể có những yêu cầu khác nhau về thời hạn sử dụng của loại giấy này. Vì thế, bạn hãy tìm hiểu rõ những quy định về mục khám sức khỏe đi làm của doanh nghiệp mình ứng tuyển để đảm bảo không bị sai sót.

Bạn phải chuẩn bị những gì cho quá trình khám sức khỏe đi làm?

Do có nhiều nội dung phải hoàn tất,  thông thường việc khám sức khỏe đi làm hoặc khám sức khỏe xin việc có thể mất nhiều thời gian. Để không làm quá trình trở nên phức tạp, sau đây là những gì bạn cần chuẩn bị và ghi nhớ khi đi khám sức khỏe:

  • Chuẩn bị trước và đầy đủ những giấy tờ tùy thân, một vài ảnh thẻ 4×6, hồ sơ khám bệnh lần gần nhất với thời điểm cần khám sức khỏe đi làm (nếu có).
  • Nên nắm rõ tiền sử bệnh lý của các thành viên trong gia đình, gồm ba, mẹ, anh chị em ruột.
  • Nói rõ bệnh lý đang điều trị với bác sĩ (nếu có) và mang theo toa thuốc điều trị để bác sĩ kiểm tra.
  • Nên đi khám sớm sẽ đảm bảo có thời gian đủ để hoàn thành quá trình khám sức khỏe đi làm.
  • Nên nhịn ăn từ 4 – 6 tiếng trước khi khám để kết quả nội soi và xét nghiệm chính xác hơn.
  • Trước khi khám, không sử dụng những chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá,…
  • Để quá trình khám thuận tiện, bạn không nên dùng kính áp tròng và tránh mặc quần áo quá chật chội, không thoải mái.
  • Luôn kiểm tra xem bác sĩ đã ký đầy đủ ở tất cả các hạng mục của giấy khám sức khỏe đi làm và đã đóng dấu giáp lai ảnh chưa. Nếu không thì giấy khám sức khỏe đó sẽ không có hiệu lực.

Khi khám sức khỏe đi làm, cần khám những gì?

Bạn có thể chọn gói khám sức khỏe đi làm cơ bản hoặc chuyên sâu. Nhưng dù lựa chọn gói nào thì một quy trình khám sức khỏe đi làm theo quy định sẽ bao gồm những mục sau:

  • Khám lâm sàng: Là quá trình bắt buộc phải tiến hành đầu tiên. Bác sĩ sẽ đo huyết áp, cân nặng, chiều cao, tính chỉ số BMI cho bạn. Sau đó, bạn sẽ được kiểm tra thị lực, tai mũi họng, răng hàm mặt, da liễu, tim phổi, xương khớp, khám phụ khoa đối với nữ giới, tâm lý thần kinh,…
  • Khám cận lâm sàng: Đây là lúc bạn được chỉ định thực hiện các xét nghiệm như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu,… Tiếp theo là siêu âm tổng quát, chụp X – quang tim phổi để chẩn đoán hình ảnh nhằm phát hiện bệnh lý nếu có. Khám cận lâm sàng sẽ giúp bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe của bạn.

khám sức khỏe đi làm bao gồm xét nghiệm máu

Như vậy, chúng ta có thể thấy việc khám sức khỏe đi làm là rất cần thiết không chỉ vì tính bắt buộc mà còn vì nó giúp chúng ta phát hiện sớm những bệnh lý tiềm ẩn bên trong cơ thể (nếu có). Vì thế, việc tìm hiểu chi phí và địa chỉ khám sức khỏe đi làm uy tín là tương đối quan trọng.

Chi phí của quá trình khám sức khỏe đi làm

Tổng chi phí khám sức khỏe đi làm sẽ khác nhau tùy theo nhóm tuổi, giới tính, gói khám, nơi đăng ký khám. Bệnh viện công, bệnh viện tư nhân hay bệnh viện quốc tế cũng sẽ có những mức phí riêng.

Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 04/BYT năm 2012, chi phí cho một làm khám sức khỏe là 85.000 đồng. Bệnh viện sẽ tính thêm phí hồ sơ từ 4.000 – 6.000 đồng cho mỗi phiếu khám sức khỏe.

Vậy tổng mức phí cho dịch vụ khám sức khỏe đi làm tại bệnh viện công là từ 100.000 – 120.000 đồng tùy theo số lượng phiếu khám. Còn đối với những bệnh viện tư nhân, chi phí có thể nằm trong khoảng 200.000 – 300.000 đồng.

chi phí khám sức khỏe đi làm

Khám sức khỏe đi làm ở đâu an toàn và uy tín?

Bạn có thể chọn khám sức khỏe đi làm ở những bệnh viện hoặc những cơ sở y tế có cung cấp dịch vụ này. Sau đây là một vài địa chỉ khám sức khỏe đi làm uy tín dành cho bạn:

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể khám ở:

  • Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM – Cơ sở 1: Số 215 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TP.HCM.
  • Bệnh viện Nhân dân 115: Số 527 Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10, TP.HCM.
  • Trung tâm Y khoa Medic Hòa Hảo: Số 254 Hòa Hảo, Phường 4, Quận 10, TP.HCM.

Tại Hà Nội, bạn có thể khám ở:

  • Bệnh viện Bạch Mai: Số 78 Giải Phóng, P. Phương Mai, Q. Đống Đa, Hà Nội.
  • Bệnh viện Trung ương Quân đội 108: Số 01 Trần Hưng Đạo, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội.
  • Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Tầng 1, tòa nhà A2, số 1 Tôn Thất Tùng, P. Trung Tự, Q. Đống Đa, Hà Nội.
  • Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc: Số 55 Yên Ninh, P. Trúc Bạch, Q. Ba Đình, Hà Nội.

Trên đây là tất cả những thông tin quan trọng về quy trình khám sức khỏe đi làm dành cho đối tượng lao động. Hy vọng các thông tin này sẽ có thể giúp bạn hiểu rõ hơn những gì mình cần thực hiện để quá trình khám sức khỏe được diễn ra một cách thuận lợi và nhanh chóng.

Bài viết liên quan