Ngoài chất béo, trẻ cần…
Tất nhiên chất béo không thì… chưa đủ! Để giúp bé yêu của mình thông minh, minh mẫn, học đâu nhớ đó, linh hoạt và luôn có những “sáng tạo” khiến bạn bất ngờ thì chế độ dinh dưỡng của bé cần thêm nhiều “món” nữa. Kết thúc giai đoạn 6 tháng đầu đời phụ thuộc hoàn toàn vào sữa mẹ hoặc sữa công thức, bước sang giai đoạn ăn dặm, trẻ cần được cung cấp chất đạm, chất sắt, qua nguồn thức ăn động vật như: thịt, cá, trứng, sữa, ăn muối mắm có bổ sung i-ốt. Trẻ cũng cần các axit béo không no từ dầu, dầu gan cá, cá biển, các loại vitamin và muối khoáng khác từ nguồn rau xanh và quả chín, uống các loại sữa có bổ sung DHA, ARA, i-ốt, sắt, taurin và các vi chất dinh dưỡng khác.
Cụ thể, không được để trẻ thiếu đạm vì đây là chất dinh dưỡng quan trọng nhất đối với sự phát triển của cơ thể trẻ em, trong đó có não bộ. Protein là vật liệu xây dựng lên các tế bào mô, cơ quan, cung cấp các nguyên liệu cần thiết cho sự hình thành các dịch tiêu hóa, các nội tiết tố, các men và các vitamin. Khi thiếu chất đạm sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể nói chung và não bộ nói riêng.
Không được để trẻ thiếu i-ốt vì i-ốt là thành phần cấu tạo của hormone tuyến giáp trạng giữ vai trò chuyển hóa quan trọng. Chế độ dinh dưỡng thiếu i-ốt có thể làm suy giảm sự phát triển não bộ và dẫn đến bệnh đần độn do thiểu năng tuyến giáp. Cũng không được để trẻ thiếu sắt vì thiếu sắt là loại thiếu dinh dưỡng phổ biến nhất dẫn đến thiếu máu. Sắt vận chuyển oxy và giữ vai trò quan trọng trong hô hấp tế bào. Nhiều nghiên cứu chứng minh thiếu sắt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển não bộ trong thời thơ ấu. Trẻ bị thiếu máu thiếu sắt có chỉ số phát triển tâm thần và vận động thấp hơn trẻ cùng trang lứa, cùng môi trường sống. Khi trẻ đã lớn, thiếu máu do thiếu sắt cũng ảnh hưởng đến sự phát triển trí nhớ và ảnh hưởng đến kết quả học tập, khiến trẻ hay ngủ gật trong giờ học và thiếu oxy não.
Một số vitamin cũng sẽ góp phần giúp con bạn tăng cường khả năng tập trung, nhớ lâu, phản xạ nhanh nhẹn, chẳng hạn như vitamin B. Bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ để cho trẻ uống bổ sung vitamin B9 (acid folic) nếu cần. Ngoài ra, có thể bổ sung vitamin B qua con đường dinh dưỡng tự nhiên như cho trẻ ăn nhiều rau xà lách xoong, lòng đỏ trứng gà, các loại hạt ngũ cốc. Một số bữa ăn sáng của trẻ, nên cho trẻ thêm một ly bột ngũ cốc sẽ có tác dụng cải thiện trí thông minh, trí nhớ, sự sáng suốt minh mẫn đáng kể.
Cuối cùng, mách nhỏ thêm với mẹ rằng dinh dưỡng cũng chỉ chiếm một phần “trách nhiệm” trong việc giúp bé thông minh hơn. Ngoài chế độ ăn uống hàng ngày của bé, bạn cần chú ý đến môi trường sống, tránh để trẻ sống trong môi trường ô nhiễm. Cần đảm bảo cho trẻ một môi trường không bụi bặm, không tiếng ồn, không mùi hôi. Không gian nhà cửa cũng cần thoáng mát, gọn gàng để trẻ có thể ăn ngon miệng, ngủ ngon giấc mỗi ngày.
Giấc ngủ ngon cũng là yếu tố quan trọng giúp phát triển trí não. Bạn cần đảm bảo trẻ ngủ tối thiểu 8 tiếng mỗi ngày. Trong đó, việc trẻ lên giường vào khoảng 9 giờ tối rất quan trọng vì điều này nghĩa là trẻ có thể ngủ say vào khoảng 12 giờ đêm, khoảng thời gian cơ thể hồi phục và phát triển tốt nhất.
Đừng quên thể dục
Việc vận động, tập thể dục sẽ giúp máu huyết lưu thông, rất có ích cho trí não của trẻ. Cứ sau mỗi tiếng đồng hồ trẻ ngồi học, bạn nên nhắc trẻ bước ra ngoài ban công khoảng 5-10 phút, hít thở khí trời, thực hiện các động tác vươn thở, vặn mình. Mỗi ngày nên duy trì cho trẻ tối thiểu 30 phút buổi sáng hoặc tối tập thể dục, chơi đùa ngoài trời.
Nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của trẻ ở độ tuổi tiểu học
Tên thực phẩm | Trẻ 6 – 9 tuổi | Trẻ 10 – 12 tuổi |
Gạo | 220 – 250g | 300- 350g |
Thịt | 50g | 70g |
Cá (tôm) | 100g | 150g |
Đậu phụ | 100g | 150g |
Trứng | 1/2 quả | 1 quả |
Dầu (mỡ) | 20g | 25g |
Sữa | 400 – 500ml | 400 – 500ml |
Đường | 10 – 15g | 15 – 20g |
Rau xanh | 250 – 300g | 300 – 500g |
Quả chín | 150 – 200g | 200 – 300g |
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thành