Mẹ&Con – Tặng quà là một nghệ thuật thể hiện tình cảm, lòng biết ơn, tri ân đối với người được tặng. Dạy trẻ cách tặng quà sao cho vừa ý nghĩa vừa tiết kiệm cũng là một cách giúp trẻ nuôi dưỡng nhân cách, biết thương yêu và quan tâm đến mọi người.
 Ý nghĩa của quà tặng
Trẻ con như tờ giấy trắng, trong quá trình hình thành nhân cách đa số chịu ảnh hưởng bởi người lớn, bởi sự giáo dục của cha mẹ. Thế nên, điều quan trọng, khi gợi ý, hướng dẫn cho trẻ chọn lựa quà tặng, bạn hãy giúp trẻ hiểu về ý nghĩa của hành động đó. Tại sao con lại tặng quà sinh nhật cho bạn? Tại sao con nên tặng thiệp cho bạn trong dịp lễ Giáng sinh? Tuy nhiên, việc giải thích cho trẻ cũng không nên quá giáo điều và ép buộc. Bạn có thể năng trò chuyện với trẻ về bạn bè, trường lớp, về ông bà, cô chú… để hiểu được con bạn có tình cảm với mọi người như thế nào.

 

Dạy con cách tặng quà

 Ảnh minh họa

Bạn có thể nhắc trẻ về những ngày lễ hoặc những dịp đặc biệt của gia đình. Khi cần thiết chủ động đề nghị trẻ cùng nghĩ ra một món quà để tặng. Điều quan trọng, chính bạn cũng phải là người dạy cho trẻ biết trân trân trọng ý nghĩa của quà tặng thông qua hành động của bạn với món quà nhận được hoặc mua quà cho bạn bè người thân vào dịp đặc biệt.

Đôi khi, tặng quà không dừng ở chỗ thể hiện sự quý mến, biết ơn, mà nó còn là hành động sẻ chia xuất phát từ tình thương của bản thân. Bạn có thể trò chuyện với trẻ về những cảnh đời bạn nhỏ cơ cực, thiếu ăn thiếu mặc, đói rách trong những ngày mưa lũ, đồng thời bạn gợi ý với trẻ rằng những vật dụng không dùng tới, chiếc áo mặc chật, cái bút, quyển tập mua dư hay những con gấu bông cũ cũng có thể là một món quà mang đến niềm vui cho người khác. Đó là những món quà mang tính chất từ thiện và vô cùng ý nghĩa, mang đậm tình người và tính nhân văn, rất hữu ích cho việc nuôi dưỡng cảm xúc ở trẻ, giúp trẻ có lòng yêu thương và nhân hậu.

Dạy trẻ tặng quà

Khi con bạn thật sự biết rõ ý nghĩa của quà tặng, cũng là lúc trẻ sẽ có nhiều sáng kiến cho món quà của mình. Hãy cùng trẻ tạo nên những món quà ý nghĩa, tiết kiệm và đặc biệt là phải hướng trẻ có sự đóng góp vào món quà đó. Nếu trẻ còn nhỏ, độ tuổi mẫu giáo, bạn có thể bày cho trẻ vẽ tranh, thể hiện những gì trẻ muốn qua bức tranh, tô màu đẹp và đem tặng ông bà, cha mẹ, thầy cô… Bạn có thể ngồi chuốt chì màu, thi thoảng khen trẻ vài câu, thi thoảng góp ý vài chỗ, và nhiệt tình giúp trẻ tìm mua một khung ảnh để lộng tranh vào hoặc tìm những vật liệu cần thiết để trẻ hoàn thành món quà của mình.

Với trẻ lớn hơn, độ tuổi Tiểu học, hãy dạy trẻ cách bỏ ống tiết kiệm tiền để mua một món quà nào đó dành tặng cho bạn bè hoặc người thân. Nếu trẻ muốn tặng quà sinh nhật cho một bạn học cùng lớp, bạn có thể hỏi xem trẻ đã có ý muốn tặng món quà gì. Nếu cảm thấy món quà đắt giá và không cần thiết, bạn nên là một người hướng dẫn, góp ý trên tinh thần tôn trọng ý kiến của trẻ, phân tích cho trẻ vì sao nên lựa chọn con gấu bông nhỏ xinh xắn này hơn là một con gấu bông to tướng, cồng kềnh và đắt tiền.

Bạn có thể tìm hiểu giá cả giúp trẻ, giúp trẻ tính toán xem mỗi ngày sẽ để dành bao nhiêu tiền và trong bao lâu có thể mua được món quà đó. Sau khi mua được món quà, hãy cùng trẻ chọn vài tờ giấy gói thật đẹp, cùng trổ tài khéo tay để tăng thêm ý nghĩa cho món quà. Hẳn trẻ sẽ tự hào về chuyện tự tay mình có thể mua được món quà cho bạn và cũng tự tay gói món quà thật đẹp. Điều quan trọng hơn là thông qua điều này, bạn sẽ giúp con mình thấy được ý nghĩa của món quà khi tự tay mua bằng chính đồng tiền tiết kiệm, và hơn thế nữa, bạn cũng giúp trẻ hình dung được ý nghĩa của đồng tiền, tránh tiêu xài quá tay, hoang phí vào những món quà đắt đỏ, vượt khả năng.

Với quà tặng mang tính chất từ thiện, bạn nên nhắc nhở và bày cho trẻ thu dọn, chọn lọc những món mình không cần dùng tới nữa, cùng trẻ làm sạch chiếc áo cũ, đồ chơi cũ, gói ghém tươm tất để tặng cho trẻ em nghèo hoặc ủng hộ các bạn nhỏ ở vùng sâu vùng xa, vùng bị thiên tai. Bạn có thể cùng trẻ đến những tổ chức thiện nguyện để chính tay trẻ quyên góp vật dụng của mình, giúp trẻ cảm nhận được ý nghĩa của việc mình làm. Việc gói ghém hay tân trang các vật dụng cũ trước khi đem tặng, cũng là một bước bạn tập cho trẻ tôn trọng người được tặng thông cách chăm chút cho món quà của mình.

“Của cho không bằng cách cho”, bày cho trẻ món quà và tạo ra món quà để tặng vẫn chưa đủ, bạn còn phải là người bày cho trẻ cách tặng quà sao cho thể hiện sự lễ phép, lịch sự và tôn trọng của mình với người được tặng. Song song đó, với những quà tặng nhân dịp kỷ niệm, chúc mừng, bạn cũng nên giúp trẻ chuẩn bị một vài câu chúc hay, ý nghĩa dành cho người được tặng.

Bằng sự quan tâm và gần gũi với trẻ thông qua việc dạy trẻ tặng quà, bạn có thể giúp trẻ hình thành tình thương và sự chia sẻ, hiểu được ý nghĩa thật sự của việc tặng quà và làm điều đó với một thái độ tự nguyện và vui vẻ. Bạn nên tránh sự gò ép trẻ theo ý kiến chủ quan của người lớn và đặc biệt, nên hạn chế việc đề cao giá trị về mặt vật chất của món quà để tránh cho trẻ hiểu rằng, tặng quà là một cách mua chuộc, trao đổi vì mục đích riêng tư cá nhân. Hãy giúp trẻ nuôi dưỡng cảm xúc và hình thành nhân cách tốt, điều đơn giản nhất không ở đâu xa, mà chính trong hành động của bạn mỗi ngày.

Nếu đang muốn tặng một người bạn món quà sinh nhật, thay vì nhờ tiệm gói sẵn, bạn hãy mang về nhà, tranh thủ buổi tối, vừa trò chuyện, dạy trẻ học, vừa gói lại món quà bạn định đem tặng.

THANH LÊ

Trẻ học được gì từ việc tặng quà?

  • Phát triển kỹ năng: Trẻ có thể tặng quà bằng “sở trường” của mình như hát, múa cho ông bà xem, hoặc quét sân, trồng cây… Niềm vui khi thấy việc làm của mình được khen ngợi sẽ giúp trẻ yêu lao động hơn.
  • Sống tinh tế: Trẻ sẽ cảm thấy tự hào, người lớn hơn rất nhiều nếu như món quà của mình làm người nhận thích thú. Từ đó, trẻ sẽ quan tâm người khác và đặc biệt, để ý bạn bè thích gì nhiều hơn.
  • Tình thương yêu: Quan tâm đến người khác là biểu hiện của lòng nhân ái. Khi trẻ mang những đồng tiền bỏ ống của mình tặng cho một bạn nhỏ mồ côi, hoặc một người già neo đơn, chúng sẽ thấy những đồng tiền ấy tuy nhỏ nhưng có giá trị tinh thần rất lớn.
  • Biết quản lý “ngân quỹ”: Với cách gợi ý trẻ tự tiết kiệm để mua quà cho bạn, trẻ sẽ dần biết quan tâm đến số tiền mẹ cho, từ đó trẻ thấy giá trị và ý nghĩa của tiền bạc theo hướng tích cực.

HỎI ĐÁP NHANH:

Cháu nhà tôi năm nay lên 5 tuổi. Bé đi sinh nhật bạn rất nhiều nhưng thường là do mẹ chủ động mua quà. Bữa nào mẹ quên mua, bé cũng “quên” luôn, không nghĩ đến việc tặng quà cho bạn trong dịp sinh nhật. Một lần, tôi gợi ý để bé nghĩ ra món quà trong dịp sinh nhật bạn thân của bé. Bé suy nghĩ một lát rồi thốt lên: “Tặng KFC nha mẹ, bạn ấy thích ăn KFC lắm đó!”. Tôi phải làm sao để cháu biết giá trị của món quà mà cháu sẽ tặng mà chắc chắn không phải là đồ ăn thức uống?

Thanh Mai (Q.3)

Rất hoan nghênh vì chị đã khuyến khích con đi mừng sinh nhật bạn! Càng hoan nghênh hơn vì chị đã chủ động mua quà cho cháu tặng bạn! Như vậy là rất tốt để cháu phát triển tình cảm bྡn bè. Sẽ càng tốt hơn nữa nếu chị hướng dẫn để cháu chủ động tự tặng quà cho bạn! Dĩ nhiên, ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” của cháu thì cháu rất cần sự hướng dẫn tỉ mỉ của mẹ. Rất mừng vì cháu đã biết chọn quà mà bạn cần! Ta cần phân tích thêm cho cháu hiểu món quà chẳng những bạn cần mà còn phải giữ được lâu bền để bạn có thể nhìn ngắm và sử dụng hàng ngày nữa.

Nếu chị chịu khó phân tích cặn kẽ và phù hợp với nhận thức của cháu thì cháu sẽ nhanh chóng nhận ra đâu là món quà ý nghĩa nhất mà cháu có thể dành cho bạn một cách thân thiện nhất. Chúc chị thành công và sớm hãnh diện vì sự trưởng thành của con.

Tags:

Bài viết liên quan