Mẹ&Con – Đối với những đứa trẻ thuộc thế hệ từ 9x trở về sau, được sinh ra ở thành phố, trong mô hình gia đình hiện đại chỉ gồm bố mẹ và con thì sự gần gũi với ông bà hầu như rất ít, thậm chí là không có.

“Không, con muốn đi công viên! Con không thích về nhà ông bà nội đâu. Nhà ông bà nội chán phèo, toàn là kiến với lại muỗi. Dơ ơi là dơ nữa chứ…!”. Sáng Chủ nhật, mặc kệ bố mẹ vừa năn nỉ vừa “dọa dẫm”, chú nhóc 7 tuổi vẫn nhất định vùng vằng, không chịu ra xe, lắc đầu nguầy nguậy. Với anh Hưng – chị Giao, cảnh này đã thành “bình thường như cái giường”. Anh thở dài, chia sẻ với chuyên gia tâm lý: “Tôi rất muốn dạy cho con gần gũi, hiếu thảo với ông bà. Nhưng sao khó quá! Cháu ở thành phố, tất cả mọi nề nếp, suy nghĩ đều khác biệt. Càng ngày, nó càng xem ông bà không khác người dưng!”

dạy con biết yêu ông bà

(Ảnh minh hoạ)

Con xa lạ với ông bà

Với thế hệ trước, khi nhắc đến hai từ “ông bà”, hầu như trong đầu ai cũng hiện lên những hình ảnh thật gần gũi, thân quen. Những gia đình tam đại đồng đường, thậm chí tứ đại đồng đường, ba, bốn thế hệ cùng chung sống vốn rất quen thuộc ở thời điểm ấy. Ông bà có khi còn gần gũi hơn bố mẹ, bởi bố mẹ tất bật đi làm, đi kiếm sống trong những năm gian khổ sau chiến tranh, thì ông bà chính là người chịu trách nhiệm chính để chăm sóc, nuôi dạy cháu.

Tình cảm ông bà và cháu cứ thế lớn lên. Tuổi thơ của cháu gắn liền với từng bữa cơm bà nấu, với từng câu đồng dao ông dạy. Nhớ đến ông bà, ai cũng tủm tỉm cười nhớ đến từng chiếc kẹo bà để dành cho sau những buổi chợ phiên, nhớ đến những con tò he, từng câu chuyện cổ tích được kể đêm đêm. Thế nhưng, với những em bé chào đời giai đoạn “mới” này, mọi chuyện đều khác hẳn. Ông bà trở thành cụm từ xa lạ. Những nàng dâu, chàng rể thế hệ 7x, 8x trở về sau hầu như đều có xu hướng tranh thủ tách gia đình ở càng xa cha mẹ càng tốt ngay khi có thể. Thế nên, chẳng có gì khó hiểu khi nhiều đứa cháu sinh ra, lớn lên, chỉ xem ông bà như người cả tháng mới về thăm một lần, chơi cùng một vài buổi, có gì mà “gắn bó”!

Năm thì mười họa, ông bà lên thăm hoặc ở cùng dăm ba tháng, trẻ lại thấy “khó chịu” với chuyện ông bà quá khác biệt so với mình. Thấy ông bà xa lạ với LCD, iPad, thiết bị điều khiển, máy lạnh, máy giặt, lò viba hay các thiết bị mà nhiều bé hiện giờ đã rất “rành”, bé lại có tâm lý coi thường, thậm chí bực bội khi ông bà “làm sai”. Chị Hoàng Thùy Dung (quận 7) tìm đến trung tâm tư vấn vào một buổi trưa cuối tháng 3. Chị băn khoăn: “Tôi từ quê vào Sài Gòn lập nghiệp, may mắn lập gia đình và có cuộc sống đầy đủ, khá giả. Thế nhưng, vì tất bật với công việc, quê lại xa tít tận ngoài Bắc nên cũng ít cho cháu về thăm ông bà ngoại. Có lẽ vì thế mà cháu xa lạ lắm. Giờ, thấy bà ngoại vào thăm, cháu cư xử cứ xa cách và thậm chí là khó chịu, cứ như thể bà là người quê mùa, lạc hậu, gì cũng không biết vậy. Thậm chí, một ít quà quê bà lặn lội đường xa mang vào cho, bé cũng nhất định không ăn, còn vùng vằng với tôi là dơ lắm, con ăn vào sẽ đau bụng. Tôi sượng trân trước mặt mẹ ruột của mình, biết bà buồn nhưng không biết làm sao để ngăn kiểu cư xử đó của con!”

Với trường hợp của anh Minh Tùng (quận 2), mọi thứ lại khác. Lập gia đình xong, anh vẫn sống cùng bố mẹ. Cháu Tùng Anh (5 tuổi) lớn lên trong nếp nhà “tam đại đồng đường” như anh vẫn hằng mơ ước. Thế nhưng, vấn đề nảy sinh ở chỗ vợ anh lại không thể thuận hòa được với nhà chồng, đặc biệt là mẹ chồng. Chị và bà nội bé gần như việc gì cũng bằng mặt mà không bằng lòng, dăm bữa lại “chí chóe” với nhau chuyện gì đấy. Bé Tùng Anh ra đời, mâu thuẫn này càng lớn. Từng cách chăm sóc, nuôi dạy bé đều gặp trở ngại giữa một bên là mẹ, một bên là bà nội. Anh chia sẻ với vẻ mặt rất buồn: “Thằng bé 5 tuổi mà đã bắt đầu học cách xem bà nội như kẻ thù, cái gì bà nói nó cũng cãi xoen xoét. Cái khó khăn của tôi là vợ tôi lại ngấm ngầm ủng hộ nó, cảm thấy rất hả hê với những thái độ của con. Thay vì uốn nắn một câu nói hỗn của con, có khi vợ tôi lại tủm tỉm cười, la cho có lệ. Tôi nhận thấy rõ con bị ảnh hưởng. Nhưng dạy lại con thì tôi thật không biết làm sao!”

Làm sao để bé yêu ông bà?

Chắc hẳn, bậc phụ huynh nào cũng từng nghe cách ví von: Trẻ con như tờ giấy trắng, muốn trẻ thế nào cứ viết lên thế ấy. Muốn trẻ yêu thương ông bà, nhất thiết cha mẹ phải là người “làm gương”. Bởi tất nhiên, trẻ làm thế nào có thể yêu thương, gần gũi với ông bà được khi mà ngày ngày đều phải thấy cảnh bố mẹ nhăn nhó, cãi cọ, thậm chí tỏ thái độ bực dọc, khó chịu với ông bà?

Tình thương yêu không tự nhiên mà có. Trẻ không thể thương yêu ông bà nếu như mẹ cha không vun vén, xây đắp cho mối quan hệ thiêng liêng ấy. Nhiều bậc phụ huynh cả tuần, cả tháng, thậm chí cả năm mới về thăm quê một lần. Thăm hỏi qua điện thoại cũng thưa thớt. Ngày giỗ chạp, ngày sinh nhật ông bà, cháu con chẳng nhớ. Thế thì thử hỏi làm sao để trẻ có thể yêu ông bà cho được?

Bạn bảo rằng tại quá xa quê, tại đường xá đi lại khó khăn, tại công ăn việc làm bận rộn. Thực tế là tất cả những điều ấy đều có thể giải quyết “ngon lành” nếu như bạn có long. Chẳng hạn như chuyện ở xa. Không thể về thăm nhưng bạn vẫn có thể xây dựng cho trẻ tình yêu thương bằng cách nhắc cho trẻ nhớ về ông bà, kể chuyện về ông bà, cho trẻ gọi điện nói chuyện với ông bà, cho trẻ viết thư thăm ông bà, v.v.. Chị Thu Minh (quận 10) chia sẻ kinh nghiệm: “Dẫn con đi siêu thị, tôi cũng nói với con bà thích loại trái cây này, ông thích ăn món kia. Đến nỗi bé Tony mới 4 tuổi nhưng đã có thể thuộc làu và luôn để dành lại những món ngon cho ông bà. Trong tâm trí của bé, ông bà luôn thật gần gũi qua những bức ảnh, những đoạn phim, những cuộc điện thoại đường dài. Bố mẹ tôi ở tận Mỹ kia, nên có khi phải 1 – 2 năm mới về Việt Nam thăm con cháu được một lần. Thế nhưng, con trai tôi vẫn gần gũi và vẫn háo hức mỗi dịp ông bà về chơi. Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất là bố mẹ cư xử với ông bà thế nào, nhắc nhở cho bé mỗi ngày ra sao. Điều đó sẽ vun đắp nên được tình cảm trong lòng con trẻ, bất chấp cả khoảng cách không gian”.

Đặc biệt, cần để ý đến mối quan hệ của cháu với bà nội. Thông thường, giữa mẹ chồng nàng dâu dễ có những mâu thuẫn, xích mích ngấm ngầm. Tâm lý người Việt Nam, các bà lại rất quý “cháu đích tôn”. Hai thế hệ khác nhau về tư tưởng, cách sống, kinh nghiệm, lối suy nghĩ, dễ dẫn đến việc nảy sinh nhiều mâu thuẫn trong quá trình chăm sóc, nuôi dạy cháu. Điều này cần được quan tâm, vì nếu không, mâu thuẫn từ nàng dâu sẽ lây cả luôn sang các bé, khiến cho trẻ có tư tưởng đối nghịch, ghét ông bà, thích làm trái ý ông bà.

“Đừng lấy trẻ con ra làm vũ khí để chống đối nhau. Thực tế, ngoại trừ cha mẹ thì ông bà chính là người thương yêu con bạn nhất. Trẻ con có được tình yêu thương của ông bà sẽ phát triển tâm lý tốt hơn. Cũng đừng quên rằng trẻ sẽ học được ở mối quan hệ ấy lòng hiếu thảo. Cách cha mẹ đối xử với ông bà thế nào cũng sẽ là cách trẻ đối xử với cha mẹ mai sau thế ấy. Tôi không thích những người mẹ tỏ vẻ hả hê khi con mình cãi ông bà nội. Bởi lẽ, nếu nghĩ sâu xa, điều đó ảnh hưởng đến tâm lý và quá trình hình thành nhân cách ở trẻ rất nhiều. Làm sao bạn có thể đòi hỏi trẻ hiếu thảo với bố mẹ nếu như suốt tuổi ấu thơ, trẻ toàn thấy mẹ dạy cho mình cãi lời bà”, lời chia sẻ của chị Hồng Mai (quận 5) quả thật rất đáng để bạn suy nghĩ.

> Bố mẹ nên tập cho bé ngủ riêng hay ngủ cùng anh chị?

> Nuôi dạy con đúng cách thời 4.0, bố mẹ “hiện đại” phải làm gì?

Tags:

Bài viết liên quan