Trước hết, cương sữa sinh lý rất phổ biến ở các sản phụ. Cương sữa hay căng sữa làm mẹ cảm thấy căng tức, đau và nóng ngực. Đây là hiện tượng bình thường nhưng nếu nó gây nhiều bất tiện cũng như kéo dài không dứt thì cần có cách xử lý phù hợp.
Phân biệt cương sữa sinh lý sau sinh và tắc tia sữa
Cương sữa hay căng sữa sinh lý xuất hiện ở phụ nữ sau sinh. Cương sữa sinh lý thường xuất hiện 2-7 ngày sau sinh. Mẹ thấy ngực đau nhức, nóng ran, bầu ngực cương cứng và nếu hút thì sữa ra rất ít, có xuất hiện hạch ở nách.
Nguyên nhân chính là do hormone trong cơ thể. Quá trình tiết sữa từ bầu ngực xảy ra nhờ hai hormone chính là oxytocin và prolactin. Trong đó, oxytocin là hormone co bóp tuyến sữa, còn prolactin giúp tạo sữa. Tuy nhiên, lúc trẻ mới chào đời thì prolactin tiết ra ào ạt đổ sữa về các nang sữa nhưng oxytocin lại không đủ.
Hậu quả là tuyến sữa không co bóp đủ mạnh để giải phóng sữa trong các nang. Bầu ngực luôn trong tình trạng căng cứng khó chịu. Ngực bị cương sữa sẽ đau nhức kéo dài, gây ảnh hưởng tới sinh hoạt của mẹ.
Ngoài ra cũng còn một số nguyên nhân gây cương sữa sinh lý như:
- Bé ngậm núm vú nhưng không bú.
- Ngực của mẹ tạo ra nhiều sữa hơn cần thiết nên bé bú không hết được, sữa đọng lại gây căng tức.
- Bé bú không thường xuyên.
Tắc tia sữa
Trong khi đó, tắc tia sữa là tình trạng cơ thể mẹ sản xuất quá nhiều sữa. Nguyên nhân dẫn tới tắc tia sữa thì có thể là do không hút, vắt sạch sữa sau khi bú, cho bé bú muộn, do ống dẫn sữa nhỏ… Không giống như cương sữa sinh lý, tắc tia sữa hiếm khi xảy ra ngay sau sinh. Tắc tia sữa làm ngực đau và mức độ đau tăng dần, cảm giác có các cục cứng trong vú (sữa đọng lại).
Cương sữa sau sinh bao lâu thì hết?
Tình trạng căng sữa ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng sinh hoạt của mẹ. Thông thường căng sữa sau sinh sẽ thuyên giảm dần sau 2-3 ngày. Mẹ cho bé bú nhiều và bú đúng cách thì sẽ nhanh chóng giảm được căng tức sữa. Chậm nhất thì khoảng 2-3 tuần ngực cũng mềm và sữa tiết đều hơn.
Cương sữa sinh lý có nguy hiểm không?
Là tình trạng phổ biến nên nhìn chung căng sữa sinh lý không nguy hiểm. Căng sữa sẽ làm quầng vú, núm vú căng cứng, sưng to có thể làm bé khó bú, thậm chí không ngậm được núm vú. Mẹ chỉ cần thực hiện các biện pháp chữa cháy tạm thời để giúp bé bú được và theo dõi để kịp xử lý nếu tình trạng căng tức sữa chuyển nặng.
Nếu căng sữa kéo dài, không giảm mà còn kèm theo sốt cao thì mẹ nên đi khám để tránh tắc sữa, viêm, áp xe vú…
Cách xử lý khi mẹ bị cương sữa sinh lý sau sinh
Khi cho bé bú
Để giảm căng sữa thì mẹ cần làm giảm lượng sữa tích tụ trong các nang. Theo đó:
- Cho con bú ở nhiều tư thế: Bầu ngực của mẹ có thể có nhiều tia sữa khác nhau. Thay đổi các tư thế bú giúp mẹ và bé tìm ra tư thế thoải mái nhất cho cả hai mẹ con. Bé dễ bú sữa, giúp hạn chế nguy cơ ứ đọng sữa.
- Cho con bú đúng cách, đều đặn: Cho bé bú thường xuyên và đều đặn là cách nhanh chóng giúp hút sữa khỏi ngực. Mẹ có thể massage ngực nhẹ nhàng trước khi cho bú để giúp bé bú được nhiều hơn.
- Dùng máy vắt, hút sữa: Nếu sữa quá nhiều mà bé bú không xuể thì mẹ có thể dùng máy hút để giảm căng tức. Các máy hút, vắt sữa được thiết kế để vừa kích thích tuyến sữa vừa massage nhẹ nhàng cho bầu ngực mà không gây đau.
Các biện pháp vật lý
Các biện pháp này giúp giảm nhanh các cơn đau, giúp mẹ thấy dễ chịu hơn.
- Chườm lạnh: Dùng khăn mát chườm lạnh sẽ giảm sưng đau rất tốt, chườm trong vòng 5 phút vào giữa các lần cho bú hoặc hút sữa.
- Tắm nước ấm: Tắm nước ấm bằng vòi hoa sen giúp giãn mạch máu vùng ngực, da ngực mềm hơn và giảm đau nhờ ngực được tia nước massage nhẹ nhàng. Lưu ý nếu núm vú bị nứt thì mẹ không nên tắm quá lâu, sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Massage nhẹ nhàng: Xoa bóp nhẹ nhàng quanh ngực giúp kích thích tiết sữa đều đặn, giảm căng tức. Mẹ có thể dùng một tay nâng nhẹ bầu vú, một tay xoa bóp vùng dưới núm vú để đánh tan phần sữa bị tắc.
- Chọn áo ngực cho con bú phù hợp: Để giảm nguy cơ bị căng sữa sau sinh, mẹ nên chọn trang phục phù hợp. Áo ngực dành riêng cho phụ nữ cho con bú sẽ giúp giảm áp lực lên bầu ngực. Mặc đồ quá chật sẽ khiến ngực bị bí bách, căng cứng và làm mẹ đau hơn.
Dùng thuốc giảm đau
Trường hợp mẹ bị cương sữa sinh lý nặng, kéo dài mà các cơn đau quá nặng, vượt sức chịu đựng thì có thể được chỉ định dùng thuốc giảm đau liều thấp. Liều sử dụng phụ thuộc vào cơ địa, tình trạng sức khỏe từng người nên mẹ tuyệt đối không nên tự ý uống thuốc. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé nhé.
Có thể nói cương sữa sinh lý không nguy hiểm để mẹ phải lo lắng hoảng loạn nhưng sự khó chịu mà nó gây ra thì rất nhiều. Đồng thời nếu xử lý không đúng cách để tình trạng căng sữa nặng kéo dài thì vẫn có thể dẫn tới áp xe vú. Nhìn chung nếu đã áp dụng các biện pháp xử lý như trên mà vẫn không thuyên giảm thì mẹ nên đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn tốt nhất.