Mẹ và Con - Khi nuôi con bằng sữa mẹ, mẹ đã từng gặp phải tình trạng sữa căng tức dẫn đến mệt mỏi, thậm chí là sốt cao. Tuy nhiên, với áp xe vú thì tình trạng còn tệ hơn rất nhiều…

Áp xe vú là một trong những trục trặc thường gặp khi bạn nuôi con bằng sữa mẹ. Đừng lo lắng nhé. Tạp chí Mẹ và Con mách mẹ cách nhận biết và dự phòng hiệu quả dưới đây:

Áp xe vú là gì?

Chiếm 10-30% trường hợp, áp xe vú là tình trạng bệnh lý phổ biến ở phụ nữ cho con bú do các nang vú bi vi khuẩn tấn công. Lúc này, cơ thể người mẹ sẽ sản sinh ra kháng thể chống lại tình trạng viêm nhiễm. Kết quả là các nang vú thay vì chứa sữa thì chứa đầy mủ và bị bao quanh bởi các mô viêm.

Nguyên nhân gây áp xe vú

Thực tế có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng áp xe vú. Tuy nhiên, nhìn chung thì có những nguyên nhân phổ biến sau đây:

Hẹp ống dẫn sữa

Sau khi được tạo ra từ các nang, sữa mẹ sẽ theo ống dẫn về tích tụ trong khoang chứa sữa. Khoang này ngay phía sau quầng vú. Cùng với động tác mút sữa của trẻ, sữa sẽ chảy ra ngoài để trẻ bú. Tuy nhiên, vì một số lý do như bị chèn ép, tắc trong lồng ống khiến cho dòng chảy của sữa bị chặn lại.

Lâu dần, sữa sẽ bị đông kết thành cục. Lúc này, sữa mới vẫn tiếp tục được tạo ra và đổ về đây làm cho chỗ tắc sữa bị giãn ra và chèn ép các ống dẫn sữa lân cận. Tình trạng này như một chuỗi liên hoàn làm cho các vị trí khác cũng có nguy cơ bị tắc sữa do bị chèn ép.

Vệ sinh núm vú kém

Rất nhiều bà mẹ mắc lỗi không vệ sinh đầu vú thật sạch trước và sau khi cho con bú. Điều này tạo cơ hội cho vi khuẩn có dịp xâm nhập vào các mô vú, thông qua ống dẫn sữa làm tắt sữa. Phổ biến nhất chính là vi khuẩn Streptococcus và tụ cầu vàng Staphylococcus aureus.

Streptococcus là liên cầu khuẩn thuộc chi vi khuẩn gram dương, hình cầu, thuộc ngành Firmicutes và nhóm vi khuẩn axít lactic. Staphylococcus aureus là một loại tụ cầu khuẩn gram dương kỵ khí tùy nghi. Chúng thường lưu trú trên da và còn có thể là ở mũi.

Các số liệu thống kê cho thấy, tụ cầu khuẩn Staphylococcus aureus có mặt lâu dài trên cơ thể của khoảng 20% dân số trên thế giới. Ngoài ra, các loại vi khuẩn kỵ khác hay trực khuẩn thương hàn cũng góp phần vào nguy cơ khiến mẹ bị tắt sữa, một trong những yếu tố ban đầu gây nên tình trạng áp xe vú.

áp xe vú là gì

Mẹ bị virus tấn công

Các loại bệnh cảm cúm ở bà bầu thông thường, nhiễm lạnh khiến mẹ mệt mỏi cũng là nguyên nhân làm cho sữa bị tắc. Ngoài ra, tinh thần mẹ căng thẳng, dinh dưỡng kém điều độ cũng có thể khiến cho sữa không được dồi dào, không lưu thông tốt, gây ứ đọng cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng áp xe vú.

Ngoài ra, áp xe vú còn có thể hình thành một cách gián tiếp khi mẹ bị bệnh, các vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể mẹ và tấn công cả tuyến sữa bằng đường máu hoặc đường bạch huyết.

Chăm sóc ngực không đúng cách

Trong quá trình mang thai, cơ thể người mẹ thay đổi rất nhiều để phục vụ cho quá trình chăm sóc con nhỏ. Tuy nhiên, có mẹ vì thiếu kiến thức, cũng có mẹ vì tin vào những lời đồn thổi trong dân gian về việc “hư ngực” khi cho bú nên hạn chế chăm sóc hay tác động vào ngực.

Cụ thể ở đây là việc khơi thông dòng sữa mẹ bằng cách xoa bóp ngực hay vắt cạn sữa sau khi cho bé bú… khiến cho các ống dẫn sữa không được thông thoáng, làm viêm tắc tia sữa.

Hậu quả của tình trạng vú bị áp xe

Các hậu quả trước mắt dễ nhận thấy nhất của áp xe vú là quá trình nuôi con bằng sữa mẹ bị ảnh hưởng, trẻ sẽ mất nguồn dinh dưỡng quan trọng trong những năm đầu đời do mẹ không duy trì được nguồn sữa hoặc mẹ phải điều trị bằng kháng sinh.

Bên cạnh đó, áp xe vú nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách sẽ gây nên nhiều biến chứng như viêm xơ tuyến vú mạn tính, viêm tấy tuyến vú… Vùng ngực thường xuyên bị viêm nhiễm, không còn chức năng cung cấp sữa để nuôi bé nữa.

Nếu chẳng may vùng bị viêm khuếch tán rộng, bệnh nhân sẽ bị tụt huyết áp, toàn thân mệt mỏi, hạch bạch huyết sưng đau, ổ áp xe bị hoại tử lan sang các vùng da khác gây nên hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng, suy thận, nhiễm trùng huyết. Thậm chí là có thể dẫn đến tử vong.

Xem thêm: Cách ngủ nhanh để không mệt mỏi

Hậu quả của tình trạng áp xe vú

Biểu hiện của áp xe vú

  • Vú sưng nóng, đỏ, đau sâu trong tuyến vú, đau cả khi cử động cánh tay hay vai
  • Bệnh nhân phát sốt trên 40 độ, rét run, đau đầu, mệt mỏi, mất ngủ
  • Hạch bạch huyết cùng phía với vú bị áp xe sưng to và đau
  • Khi nắn ngực bằng tay sẽ thấy có nhân mềm, cảm giác có ổ chứa dịch ấn lõm
  • Vắt sữa ra ngoài sẽ thấy có màu vàng vì sữa đã có lẫn mủ

Qua siêu âm và xét nghiệm máu, kết quả sẽ cho thấy vùng ngực có nhiều ổ chứa dịch, lượng bạch cầu trung tính tăng, định lượng protein phản ứng C dương tính

Cách chữa áp xe vú

Chữa nội khoa

Một ổ áp xe thường trải qua hai giai đoạn là viêm và tạo thành áp xe, sau đó là hoại thư vú. Vì thế, các bác sĩ sẽ tiến hành phối hợp thuốc kháng sinh và kháng viêm để hỗ trợ bạch cầu tiêu diệt vi khuẩn đang có trong cơ thể và tuyến vú.

Bên cạnh đó, bác sĩ còn dùng thuốc giảm đau như Paracetamol để mẹ cảm thấy dễ chịu hơn với liều lượng không quá 3 gam/ngày và thuốc diệt nấm cho cả mẹ và con.

Song song đó, các chuyên gia về vật lý trị liệu sẽ thực hiện xoa bóp, chườm nóng để làm cho các nang sữa giãn nở, ống dẫn sữa thông thoáng giúp cho tình trạng căng tức giảm bớt.

Cách chữa áp xe vú

Can thiệp bằng thủ thuật

Bác sĩ sẽ tiến hành xác định và rạch bầu ngực để thoát mủ ra ngoài. Tuy nhiên, cũng tùy theo vị trí và kích thước của ổ áp xe mà việc can thiệp được tiến hành như sau:

– Với áp xe nông, nằm ở vùng gần quầng vú: Các kỹ thuật viên sẽ thực hiện chích nhọt như ở các vị trí thông thường.

– Với áp xe thể tuyến dưới: Bệnh nhân sẽ được gây mê hoặc gây tê rồi rạch bầu ngực theo đường nan hoa có chiều dài khoảng 7-10cm, nhưng không chạm vào bầu vú. Sau đó, kỹ thuật viên sẽ đặt ống cao su hoặc độn gạc để dẫn lưu mủ ra ngoài. Hàng ngày, bệnh nhân được thay băng và bơm rửa ổ áp xe bằng thuốc sát trùng cho đến khi hết mủ.

– Với áp xe ở sau tuyến: Các kỹ thuật viên sẽ rạch đường tháo mủ hình vòng cung ở bờ dưới ngoài tuyến vú. Sau khi tháo mủ xong cũng đặt ống hoặc độn gạc tiện cho tiếp cận ổ áp xe để chăm sóc và vệ sinh hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn, giúp vết thương nhanh được xử lý triệt để hơn.

5 biện pháp phòng tránh áp xe vú 

Như bạn đã biết ở trên, áp xe vú là nỗi ám ảnh của các bà mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ, với rất nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu bạn chú ý 5 lời khuyên sau đây, áp xe vú chắc chắn sẽ không thể nào “quấy rầy” bạn được:

-Chú ý đến việc làm thông tia sữa bằng các liệu pháp tự nhiên như: day ép bằng tay (Dùng một lực vừa đủ ép lên bầu ngực, day từ từ theo vòng tròn tăng dần, thực hiện 20-30 lần/đợt và nhiều đợt trong ngày); chườm nóng,

– Cho bé bú cạn một bên vú trong mỗi lần bú hoặc hút cạn sữa mẹ bằng máy sau khi bé bú để sữa mới dễ dàng được tạo ra hơn, đồng thời không tích tụ lại gây tắc tia sữa.

– Vệ sinh thân thể, nhất là ngực trước và sau khi cho bé bú để tránh hai loại vi khuẩn tồn tại trên da xâm nhập vào cơ thể mẹ.

phòng tránh áp xe vú

– Khi cho bé bú nên chú ý tư thế bú chuẩn để bé không cắn vú hay làm tổn thương núm vú của mẹ, dẫn đường cho vi khuẩn xâm nhập.

– Hỗ trợ người mẹ nghỉ ngơi, tăng cường dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe và tinh thần thoải mái trong quá trình nuôi con, phòng bệnh cho mẹ. Khi nhận thấy bầu ngực có vấn đề, hãy nhanh chóng kiểm tra ở các cơ sở y tế để được giúp đỡ tốt nhất.

Áp xe vú không phải là quá phức tạp để dự phòng, đúng không bạn? Chúc bạn áp dụng thành công và trải qua hành trình nuôi con bằng sữa mẹ thật đáng nhớ nhé!  

Bài viết liên quan