Trẻ sơ sinh một ngày bú bao nhiêu cữ là tốt, là đủ no luôn là điều mà các bậc phụ huynh quan tâm. Hãy cùng Mẹ và Con tìm hiểu xem với cữ ăn của trẻ sơ sinh thì bé cần bao nhiêu cữ ăn, lượng sữa bao nhiêu để có thể phát triển tốt nhất trong những năm tháng đầu đời bạn nhé!

Trẻ sơ sinh nên bú mẹ trong 6 tháng đầu

Trong 6 tháng đầu tiên sau khi chào đời, trẻ sơ sinh cần được bú sữa mẹ hoàn toàn do thành phần sữa mẹ có chứa các dưỡng chất cần thiết đối với sự phát triển của trẻ, bao gồm muối khoáng, năng lượng, vitamin, đạm, đường, mỡ,…

Các chất dinh dưỡng này được “bố trí” và cân bằng theo một tỷ lệ phù hợp với sự phát triển của trẻ sơ sinh, giúp trẻ có thể phát triển tốt nhất về cả thể chất lẫn trí não và tăng cường sức đề kháng để hạn chế mắc các bệnh lý như bệnh tiểu đường, huyết áp, tim mạch, hô hấp,…

bú sữa mẹ

Phụ nữ sau sinh cho con bú còn phục hồi sức khỏe nhanh hơn, hạn chế tối đa nguy cơ băng huyết, thiếu máu và các vấn đề khác như ung thư vú, ung thư tử cung,… Trong giai đoạn cho con bú hoàn toàn ở 6 tháng đầu tiên thì khả năng mang thai trở lại của người mẹ thấp hơn, mẹ có thể tránh thai tự nhiên hiệu quả hơn.

Cữ ăn của trẻ sơ sinh theo tuần tuổi

Dù cho trẻ sơ sinh bú mẹ hay bú sữa bình thì việc bú đủ lượng sữa cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, ở mỗi cột mốc khác nhau thì lượng sữa và cữ ăn sữa của con cũng dần có sự thay đổi.

Lượng sữa cho bé trong 24 giờ đầu tiên sau sinh

Lúc này, hệ tiêu hóa của trẻ còn rất non yếu nhưng các cơ quan trong cơ thể con đã bắt đầu hoạt động và cần được cung cấp năng lượng. Do đó, bạn sẽ thấy con bú rất nhiều lần, mỗi lần như vậy con sẽ bú từ 7-15ml sữa. Cách 1-3 giờ con lại bú 1 lần và trong 1 ngày con có thể đi ngoài đến 3 lần.

Cữ ăn của trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu liên tục sẽ giúp trẻ luyện tập bú và nuốt tốt hơn cũng như giúp mẹ tăng sản xuất sữa tốt hơn. Các bác sĩ khuyên mẹ nên cho bé bú ngay trong khoảng 1-2 giờ đầu tiên sau sinh. Lúc này, sữa mẹ cho bé bú chính là sữa non, một loại sữa cực kỳ tốt với rất nhiều dưỡng chất và calo.

Mẹ chỉ cần cho bé bú một ít là đã đủ năng lượng cho con nên mẹ không cần phải quá lo lắng nếu cơ thể chưa sản xuất ra nhiều sữa.

cữ ăn của trẻ sơ sinh 0-6 tháng tuổi

Cữ ăn của trẻ sơ sinh 0 – 1 tháng tuổi

Trong 1 tháng đầu tiên, cữ ăn của trẻ sơ sinh sẽ là 8-12 cữ mỗi ngày, cách nhau 2-3 giờ/cữ. Thậm chí, có trẻ bú đến 15 cữ trong 1 ngày, mỗi cữ cách nhau 1,5 giờ.

Có những trẻ không tự thức dậy và đòi bú thì mẹ có thể canh theo cữ ăn của trẻ sơ sinh này để đánh thức bé và cho bé bú để tạo thói quen cho con. Tùy theo việc bé mút sữa thành thạo hay không, có mân mê bầu ngực mẹ dẫn đến lười bú hay không mà lượng sữa bé bú mỗi cữ sẽ khác nhau. Mẹ có thể chú ý mỗi ngày bé đi tè ướt tã trên 4 lần và con vẫn tăng cân đều là được.

Cữ ăn của trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi

Bé 2 tháng tuổi bú bao nhiêu cữ 1 ngày? Theo đó, bé sẽ bú 6 – 8 cữ/ngày với mỗi cữ cách nhau 2-3 giờ. Trung bình, trong mỗi cữ bú bé có thể bú được từ khoảng 118 đến 148ml sữa.

cho con bú

Cữ ăn của trẻ sơ sinh 3 – 5 tháng tuổi

Cữ ăn của trẻ sơ sinh trong giai đoạn 3-5 tháng tuổi có sự thay đổi rõ rệt khi bé bắt đầu bú ít hơn, chỉ khoảng 5-6 cữ/ngày với thời gian mỗi cữ cách nhau từ 3-4 giờ. Mỗi lần bú, bé có thể bú từ 120-210ml. Cụ thể, ở cột mốc 3 tháng, trong mỗi cữ ăn của trẻ sơ sinh, con có thể bú khoảng 120ml sữa còn 4 tháng, con bú khoảng  177ml và 5 tháng, lượng sữa tiêu thụ ở mỗi lần bú là 236ml.

Cữ ăn của trẻ sơ sinh 6 – 12 tháng tuổi

Lúc này, trẻ đã có thể bắt đầu ăn dặm kết hợp với việc bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức. Số cữ bú sẽ giảm xuống còn 4-5 cữ trong 1 ngày với mỗi cữ trẻ sẽ uống được khoảng 210 – 240ml sữa, xen kẽ 2-3 cữ ăn dặm.

Cữ ăn của trẻ sơ sinh thay đổi thế nào nếu bé dùng sữa công thức?

Nếu không thể nuôi con bằng sữa mẹ mà chọn sữa công thức thì bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm được loại sữa phù hợp với con. Ngoài ra, cữ ăn của trẻ sơ sinh khi sử dụng sữa công thức có thể được áp dụng như sau:

  • Trẻ từ 0-1 tháng tuổi: Cho trẻ làm quen bằng 8-10 cữ/ngày, mỗi cữ khoảng 60ml sữa
  • Trẻ từ 1-2 tháng tuổi: Trẻ có thể bú 7-10 cữ/ngày, 90ml sữa cho mỗi cữ
  • Trẻ từ 2-4 tháng tuổi: Trẻ có thể dùng 6-10 cữ/ngày, tăng lượng sữa mỗi cữ lên 120ml
  • Trẻ từ 4-6 tháng tuổi: Cho bé bú từ 6-8 cữ/ngày với 150-170ml sữa cho mỗi cữ bú

sữa công thức

Dấu hiệu nhận biết bé chưa ăn đủ hoặc đã bú đủ

Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh còn đói

Dù mẹ đã tìm hiểu cữ ăn của trẻ sơ sinh và cho trẻ ăn đủ cữ nhưng trẻ vẫn quấy khóc thì có thể là do con bú chưa đủ ở mỗi cữ nên vẫn còn đói. Tuy nhiên, lúc này do chưa thể nào nói được nên trẻ sẽ phát tín hiệu với bố mẹ và người lớn bằng một số cách như:

  • Quấy khóc sau khi cho ăn xong
  • Có xu hướng muốn đi ngủ hơn bú mẹ
  • Màu nước tiểu cam hoặc sẫm hơn
  • Ít đi ngoài hơn
  • Thường xuyên di chuyển môi
  • Tạo âm thanh gây chú ý
  • Thè lưỡi, mút tay
  • Nghiêng đầu về phía ngực mẹ khi được ôm
  • Lắc đầu, lắc chân, đưa chân lên

trẻ sơ sinh

Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh đã bú đủ

Khi đã bú đủ, mẹ sẽ thấy trẻ có những biểu hiện như:

  • Đẩy bầu ngực của mẹ hoặc bình sữa ra xa
  • Mím môi, ngậm miệng lại, lắc đầu
  • Mẹ thay tã nhiều hơn
  • Cân nặng luôn tăng ổn định
  • Ngủ thiếp đi khi đang bú
  • Trẻ năng động, lanh lợi và vui vẻ hơn

cữ ăn của trẻ sơ sinh 0-6 tháng

Tuy bạn đã được biết và cữ ăn của trẻ sơ sinh nhưng nếu đã đến giờ bú mà trẻ có những dấu hiệu trên tức là con đang còn no thì không nên bắt ép, nhồi nhét con quá mức mà có thể chờ thêm 30 phút – 1 tiếng rồi mới cho con bú nhé! Đừng cố gắng ép con theo giờ bú đã định sẵn mà hãy để con được phát triển một cách tự nhiên, tránh tạo áp lực cho bé để khiến con cảm thấy chán, không muốn bú.

Cữ ăn của trẻ sơ sinh trên cũng chỉ là gợi ý để bạn có thể tham khảo trong hành trình nuôi dạy con của mình. Tuu nhiên ở mỗi bé thì sẽ có sự phát triển khác nhau dẫn đến cữ ăn, lượng sữa cũng thay đổi khác nhau. Tốt nhất hãy quan sát dấu hiệu no, đói của con để cho con bú hợp với thể trạng của con cũng như cho con đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để bác sĩ dinh dưỡng và bác sĩ nhi khoa có thể tư vấn những lời khuyên chăm sóc con tốt nhất!

Bài viết liên quan