Mẹ&Con - Mang thai, có con, những chuyện ấy nên để tự nhiên hay… tính trước nhỉ? Nhiều người bảo: Ngày xưa, các bà các mẹ có ai biết cách “tính toán” gì đâu. Mọi thứ cứ để tự nhiên. Thế mà người nào cũng sinh được năm bảy đứa con. Thậm chí, không hiếm gia đình lên đến mười, mười mấy người con đấy thì sao…! 6 điều vợ chồng nên làm nếu muốn có con Bị u xơ tử cung có thể có con không? Chu kỳ không đều nên khó có con

Thế nhưng, sẽ tốt hơn nếu bạn… biết “tính”!

Thật vậy đấy! Khoa học chứng minh rằng việc chuẩn bị chu đáo cho một quá trình mang thai, “tính toán” một số thứ để đảm bảo thai khỏe, tránh những biến chứng thai nghén là cực kỳ cần thiết.

Các bác sĩ khuyên rằng bạn nên “tính toán” với những việc sau đây:

– Nên “tính toán” thời điểm nào bạn có con là tốt nhất. Trước khi có con, cần cân nhắc tất cả những yếu tố như: Kinh tế gia đình, những sắp xếp cho tương lai của con (như chỗ ở, công việc làm của vợ chồng, lương bổng thu nhập…). Nếu chưa thật sự sẵn sàng, bạn hoàn toàn có thể “tính” để tạm hoãn ước mơ làm mẹ lại, thay vì cứ “xả láng sáng về sớm” cho đến lúc ngớ người ra vì… có thai mà không tính trước. Về cơ bản, bạn nên ưu tiên cho việc có con trước tuổi 30. Tuy nhiên, nên xem xét thật kỹ điều kiện kinh tế gia đình, vì nếu bé chào đời trong tình trạng vợ chồng đều chưa có công ăn việc làm, nợ nần, khó khăn chồng chất thì sẽ dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn, cũng như không thể chăm sóc cho bé tốt như mong muốn.

– Nên “tính toán” sức khỏe bản thân với việc có thai và sinh bé. Sinh con là một “biến động” lớn lao với sức khỏe người phụ nữ. Do đó, bạn đừng vội mang thai nếu như đang mắc các bệnh trong quá trình điều trị như cường giáp, suy giáp, viêm gan cấp, suy thận… Nên “tính toán” về việc bổ sung đủ chất ngay khi bạn dự định có em bé. Việc bạn giữ được cân nặng lý tưởng, thường xuyên vận động, ăn uống điều độ, sống thanh thản, bổ sung đầy đủ sắt, axit folic… trước khi có thai giúp thai nhi rất nhiều sau này. Con sẽ ít bị đau ốm vặt, phát triển toàn diện hơn nếu bạn chuẩn bị cho con một nền tảng thật tốt ngay khi còn chưa có bé! Ngoài ra, bạn cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ trong việc tìm hiểu bệnh sử, di truyền… của hai bên gia đình vợ chồng, “tính toán” điều trị dứt điểm một số bệnh có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Xem kỹ lại những thuốc đang dùng để đảm bảo rằng bạn không uống bất cứ thứ thuốc gì ảnh hưởng đến việc thụ thai cũng như chín tháng thai kỳ.

– Nên “tính toán” để bỏ thuốc lá, rượu, thói quen uống cà phê trước khi bạn nảy sinh ý định có con. Đặc biệt, tuyệt đối tránh xa các chất kích thích nhé! Vì tất cả những chất này đều có nguy cơ tăng sảy thai, làm cho thai bị thiếu oxy cũng như thiếu chất dinh dưỡng, dễ bị ngộ độc thai nghén…

co-con-tinh-hay-khong-tinhMẹ nên tính toán ngày rụng trứng

– Nên “tính toán” ngày rụng trứng để việc thụ thai tốt hơn. Ví dụ trong giai đoạn “cao điểm”, những ngày gần rụng trứng, “anh xã” cần kiêng cữ rượu bia, tránh tối đa chuyện gần gũi trong khi đang say mèm vì nếu có thai trong trường hợp này thì đứa trẻ sinh ra rất dễ ảnh hưởng sức khỏe, trí thông minh, thậm chí dễ bị dị tật bẩm sinh. Tương tự vậy, bạn cần giữ cho tâm trạng của mình thoải mái, nhẹ nhàng; giấc ngủ sâu và êm, chế độ dinh dưỡng hợp lý. Nếu làm được vậy, chắc chắn bé sẽ “khỏe” ngay khi vừa được “nên dạng nên hình” một mầm sống trong bụng mẹ.

– Nên “tính toán” chu kỳ hàng tháng của mình. Thậm chí, bạn cần có một cuốn sổ nhỏ để ghi chép ngày bắt đầu, ngày kết thúc, những bất thường trong chu kỳ hàng tháng. Đừng quên rằng kinh nguyệt là một trong những tấm gương phản ánh chính xác nhất về sức khỏe của bạn. Khi có sự “tính toán” và phát hiện ra bất kỳ dấu hiệu không ổn nào, bạn sẽ sớm có sự can thiệp của bác sĩ. Nhiều phụ nữ chủ quan không bao giờ quan tâm đến yếu tố này, đến nỗi rất lâu sau khi lập gia đình, không có con, mới để ý đến chuyện mình bị thất thường chu kỳ, đi khám thì có khi đã muộn.

Nhưng đừng “tính” với những việc…

Ngược lại, có những chuyện không nên “tính” thì nhiều bà mẹ lại… tính rất kỹ! Việc “tính” không đúng chỗ này khiến bé yêu của bạn chịu nhiều thiệt thòi đấy.

Bạn đừng nên “tính toán” với những việc như:

– Không nên “tính toán” sinh con theo năm tốt, theo giờ “hoàng đạo” hay bất cứ cái gì tương tự thế. Đã có không ít bà mẹ, cố có con cho bằng được vào “năm tốt”, bất chấp điều kiện kinh tế chưa đâu vào đâu, sức khỏe chưa ổn, chưa có sự chuẩn bị chu đáo đón bé chào đời. Không ít bà mẹ khác, bất chấp cả sự nguy hiểm của mình và con, đòi… sinh mổ, “ép” con ra cho đúng giờ “lành”. Tất cả những việc làm phi tự nhiên này đều có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thiệt thòi lớn cho đứa trẻ. Nên nhớ việc sinh mổ luôn là chẳng đặng đừng, và chỉ sinh mổ khi có chỉ định của bác sĩ, nhằm bảo đảm an toàn cho thai phụ lẫn thai nhi (trong những trường hợp thai nghén bất thường, không thể sinh một cách bình thường). Việc sinh mổ để được ngày, được giờ luôn là điều cấm kỵ trong y khoa, dễ dẫn đến những nguy hại khôn lường cho bé yêu của bạn.

co-con-tinh-ha-khong-tinh

– Không nên “tính toán” phải bằng cách này cách kia sinh cho được con trai hay con gái theo ý muốn. Thực tế, các bác sĩ đã không ít lần “đau đầu” trước những trường hợp sảy thai chỉ vì người mẹ quá mong có con mang giới tính mong muốn và uống đủ thứ loại thuốc bắc, thuốc nam, bùa chú… không kiểm soát. Một số người còn ráng “tính” phải sử dụng “tư thế” này, “tư thế” kia. Nếu cặp vợ chồng đang trong giai đoạn khó có thai thì tất cả những điều này có thể gây ảnh hưởng tâm lý nặng nề, lúc nào cũng áp lực và căng thẳng với chuyện có con. Nhiều cặp vợ chồng, vì quá mong con trai, tốn kém không biết bao nhiêu tiền của cho những việc “sinh con theo ý muốn”.

– Không nên “tính toán” dùng các loại thuốc bôi trơn để trợ giúp chuyển động của tinh trùng. Một số người cho rằng chất bôi trơn có thể giúp tinh trùng chuyển động nhanh hơn nhưng thực tế thì việc đó lại gây trở ngại cho những cố gắng thụ thai. Nhiều loại có thể làm thay đổi độ cân bằng pH trong âm đạo và giảm sự năng động của tinh trùng. Hãy tin rằng để “tự nhiên” trong trường hợp này sẽ tốt hơn hẳn việc bạn đòi “can thiệp sâu” vào quá trình tinh trùng tìm đến trứng.

– Và cuối cùng, không nên “tính toán” xếp việc có con như một “mục tiêu” và chỉ thực hiện sau khi nhiều “mục tiêu” khác về sự nghiệp, học hành, công việc… hoàn tất. Thực tế, bạn chỉ nên cân nhắc nếu điều kiện kinh tế gia đình còn ở mức quá khó khăn, chưa cho phép. Chứ còn lại, trong bất kỳ trường hợp nào, bác sĩ đều khuyên sau khi lập gia đình nên cố gắng có con sớm ở độ tuổi 20-30. Nếu bạn quá “tính toán” ưu tiên cho “sự nghiệp” của mình, thì đến khi vượt qua tuổi 30, nguy cơ hiếm muộn của bạn sẽ tăng lên dần đấy! 

Bác sĩ Trần Thanh Thủy
(Chuyên khoa Sản – BV Đa khoa Mỹ Đức) 

Tags:

Bài viết liên quan