Nước mắt giúp bôi trơn, làm sạch và bảo vệ mắt khỏi các tác nhân gây hại. Bạn không chỉ chảy nước mắt khi khóc, khi cười quá nhiều mà gần như mắt lúc nào cũng sẽ có nước mắt để duy trì trạng thái ẩm ướt. Tuy nhiên, nếu nước mắt chảy nhiều và không thoát được khỏi mắt thì sẽ được xem là bị chảy nước mắt sống.
Đây là một hiện tượng khá phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và gây ra nhiều phiền toái cũng như có nguy cơ chuyển biến nặng. Vậy chảy nước mắt sống là gì, nguyên nhân, điều trị và cách phòng bệnh như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Chảy nước mắt sống là gì?
Thông thường, nước mắt sẽ được dẫn vào một đường “ống thoát nước” gọi là lệ đạo để thoát xuống mũi, miệng, không chảy ra ngoài. Bị chảy nước mắt sống là tình trạng nước mắt tiết ra quá nhiều, liên tục và trào ra từ mắt.
Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới những vấn đề khác như viêm nhiễm. Chảy nước mắt sống có thể xảy ra bất kỳ độ tuổi nào. Tình trạng này có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên mắt. Chảy nước mắt sống làm cho bệnh nhân có cảm giác rất khó chịu và cần được điều trị sớm để tránh biến chứng.
Nguyên nhân chảy nước mắt sống
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, cả từ môi trường lẫn bệnh lý. Việc xác định chính xác nguyên nhân rất quan trọng.
Tắc lệ đạo
Tắc lệ đạo là nguyên nhân phổ biến nhất. Nếu bạn soi gương và vạch mí dưới phía góc mắt trong sẽ thấy một lỗ nhỏ xíu được gọi là lệ đạo.
Lệ đạo là ống thoát nước mắt dẫn từ góc trong của mi mắt dưới đến khe mũi dưới, gồm lỗ lệ, lệ quản, túi lệ, ống lệ mũi. Nước mắt sau khi hoàn thành nhiệm vụ bôi trơn và làm sạch bề mặt nhãn cầu sẽ được dồn về góc trong mắt rồi được dẫn vào đường ống này.
Đây cũng là lý do khi khóc, nước mắt tiết ra quá nhanh sẽ gây nghẹt mũi hoặc chảy tràn ra mũi. Tắc lệ đạo có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào, nhưng vị trí thường bị tắc nhất là ống lệ mũi.
Nguyên nhân gây tắc cũng đa dạng: Các chấn thương vùng mắt, xoang; viêm nhiễm mạn tính ở mắt như bệnh mắt hột, viêm kết mạc… có thể làm chít hẹp lệ đạo và gây tắc không hoàn toàn. Thực tế, hầu hết các trường hợp tắc lệ đạo đều không rõ nguyên nhân, phụ nữ bị chảy nước mắt sống do tắc lệ đạo nhiều hơn nam giới.
Nhiễm trùng mắt
Một trong số những phản ứng của cơ thể khi mắt bị nhiễm trùng đó là chảy nước mắt. Đây là phản ứng của cơ thể để cố giữ mắt ẩm và rửa trôi vi khuẩn.
Viêm kết mạc và viêm bờ mi là hai bệnh lý nhiễm trùng phổ biến hàng đầu ở mắt. Triệu chứng bệnh bao gồm đau mắt, nhìn mờ, đỏ mắt, cảm giác có sạn trong mắt, chảy nước mắt, hình thành rỉ mắt vào ban đêm cùng với việc tăng tiết nước mắt.
Dị ứng
Phản ứng dị ứng có thể kích thích dẫn đến chảy nước mắt, nóng rát và ngứa ngáy ở mắt. Các tác nhân gây dị ứng có thể là phấn hoa, bụi, mỹ phẩm, thuốc nhỏ mắt, thú cưng, nấm mốc, khói, chất tẩy rửa… Khi tiếp xúc với các tác nhân này, cơ thể sẽ tăng tiết nước mắt đột ngột.
Khô mắt
Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng khô mắt cũng có thể là một nguyên nhân gây chảy nước mắt sống. Khi mắt bị khô, cơ thể sẽ cố gắng bù đắp bằng cách tăng tiết nước mắt.
Tuy nhiên, nước mắt không bám được lâu mà sẽ chảy tràn ra ngoài. Khô mắt có thể do nhiều nguyên nhân, như lão hóa, sử dụng máy tính, điều hòa, thuốc, bệnh lý mắt…
Kính áp tròng kém vệ sinh
Một trường hợp dễ gây chảy nước mắt sống khác là do chất lượng vệ sinh kính áp tròng. Acanthamoeba là loại ký sinh trùng thường gặp trên các tròng kính áp tròng cũ, bẩn. Chúng sẽ ăn mòn giác mạc, sinh sôi nảy nở trong mắt và gây chảy nước mắt sống.
Nguyên nhân khác
Ngoài ra cũng còn nhiều nguyên nhân khác có thể gây chảy nước mắt sống. Ví dụ:
- Bệnh lý về mắt như viêm bờ mi, lông mi quặm (mọc ngược vào trong mắt), rụng mi…
- Các bệnh lý về nhãn cầu như viêm túi lệ, viêm giác mạc, bệnh mắt cá…
- Do vấn đề thần kinh, nhánh thần kinh VII chịu trách nhiệm quản lý lệ đạo. Khi dây thần kinh số 7 này gặp vấn đề sẽ dẫn tới chảy nước mắt sống và những triệu chứng lâm sàng khác.
Cách chữa chảy nước mắt sống
Phương pháp điều trị bệnh phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Các biện pháp điều trị cho một số nguyên nhân phổ biến là:
- Tắc tuyến lệ: Phẫu thuật để đặt ống silicon dẫn nước mắt xuống mũi.
- Nhiễm trùng, khô mắt: Dùng thuốc kháng sinh và chống viêm theo chỉ định của bác sĩ.
- Dị tật ở mi, hở mi: Điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật tùy theo mức độ nặng nhẹ.
Với các nguyên nhân khác, bác sĩ sẽ kiểm tra và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân. Người bệnh cần tuân thủ các chỉ định thì sẽ sớm điều trị dứt điểm được tình trạng bị chảy nước mắt sống này.
Cách phòng ngừa bị chảy nước mắt sống
- Bổ sung axit béo omega 3: Omega-3 tăng cường thị lực, bảo vệ màng lệ và cải thiện khô mắt. Bạn có thể bổ sung axit béo omega 3 qua các loại thực phẩm như cá hồi, cá ngừ, hạt chia, hạt lanh, hạnh nhân, óc chó…
- Chườm ấm thư giãn cho mắt: Cách này giúp làm giãn nở các ống lệ đạo, giảm sưng viêm và tắc nghẽn, giúp nước mắt thoát ra dễ dàng hơn.
- Bảo vệ mắt: Cần đeo kính bảo vệ khi làm việc ở môi trường nhiều dị vật nhỏ có thể bắn vào mắt (cưa gỗ, mài kim loại…) cũng như khi đi đường nhiều cát, bụi. Massage thư giãn cũng như cho mắt có đủ thời gian nghỉ ngơi.
- Giữ vệ sinh: Hạn chế dụi mắt, thường xuyên kiểm tra kính áp tròng, tránh để tay bẩn lên mặt.
Tóm lại, không nên chủ quan vì mắt là cơ quan cực kỳ quan trọng mà lại dễ bị tổn thương. Ngay khi có các dấu hiệu như chảy nước mắt sống, ngứa, sưng, viêm mắt, khô mắt… thì bạn cần đi khám ngay để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.