Sắm cái cân ngay khi lập gia đình
Sẽ có ích cho bạn lắm đấy. Hãy tập thói quen để một cuốn sổ nhỏ có chia sẵn 3 cột (ghi ngày tháng, cân nặng trong lần cân đó, ghi chú) cố định bên cạnh chiếc cân.
Bạn cần biết rõ tình trạng sức khỏe của mình bằng cách xác định cân nặng mỗi tháng 1 lần, xem xét và theo dõi chỉ số BMI (Body Mass Index) của bản thân.
BMI = Trọng lượng cơ thể (tính bằng kg) / chiều cao bình phương (tính bằng m)
Ví dụ: Bạn nặng 42 kg, chiều cao 1.5m à BMI = 42 / (1.5)2 = 18.66
Có 3 cột mốc số mà bạn cần nhớ nè!
- Nếu BIM < 18.5, bạn có nhiều khả năng sẽ sinh em bé thiếu cân. Vì vậy, nếu thấy chỉ số của mình mấp mé ở con số này thì quên ngay những từ “ăn kiêng”, “giữ eo” đi nhé. Bạn cần tăng cường chất dinh dưỡng để cơ thể sẵn sàng với vai trò làm mẹ một cách tốt nhất.
- Chỉ số BMI lý tưởng nhất là ở trong khoảng 18.5 đến 25. Ngược lại, nếu bạn có kết quả BMI từ 25 đến 30: đó là dấu hiệu thừa cân và cần thay đổi chế độ ăn uống theo hướng giảm béo, tăng cường tập luyện thể dục. Vì mẹ thừa cân khi mang thai cũng nguy hại không kém gì mẹ bị thiếu cân. Nếu chỉ số BMI từ 30 – 40 (hoặc thậm chí cao hơn), bạn nên lên kế hoạch giảm cân “triệt để” ngay, vì bạn bị béo phì rồi đấy.
- Bạn cũng cần lưu ý thêm một chút là nếu ngoại hình thuộc dạng “thấp bé” (dù chỉ số BMI lý tưởng), bạn nên tăng cường các bài tập thể dục thể thao, báo trước với bác sĩ để được tư vấn tốt hơn trước khi mang thai. Nguyên nhân là vì chiều cao quá khiêm tốn (dưới 1.42m) có thể dẫn đến khung chậu hẹp, từ đó dẫn đến tai biến khi sinh nở cũng gia tăng.
Thiết lập chế độ “dinh dưỡng tiền mang thai lý tưởng
Tùy theo thể trạng ban đầu, bạn sẽ lên kế hoạch tăng hoặc giảm cân phù hợp. Một cách tổng quát nhất, bạn nên chú ý đến những lời khuyên sau đây của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng:
Tăng cường nhiều rau xanh, hoa quả:
Các loại rau củ quả sẽ cung cấp cho bạn nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ một cách tự nhiên nhất. Nên đặc biệt chú ý ăn nhiều một số loại rau quả như cà rốt, xúp lơ xanh, bắp cải, đu đủ, gấc, dưa hấu, v.v. vì những loại rau củ này chứa nhiều vitamin A (nếu người mẹ trong giai đoạn tiền mang thai và mang thai thiếu vitamin A, thai nhi dễ có xu hướng bị còi xương, chậm phát triển).
Tăng cường chất đạm từ thịt bò và cá:
Không cần đợi đến lúc mang thai mới bổ sung chất đạm, bạn có thể tập cho mình thói quen ăn nhiều cá, thịt bò ngay từ lúc này. Thịt bò chứa nhiều chất sắt, protein, vitamin B rất cần cho sự phát triển thể chất của thai nhi ngay từ những ngày đầu khi bạn mang thai. Cá ít chất béo, cung cấp protein lý tưởng cho cơ thể và tim của bạn, giúp bạn sẵn sàng với vai trò làm mẹ. Bạn nên ăn tối thiểu 3 bữa cá/tuần.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý tránh các loại cá chứa nhiều thủy ngân như cá hồi, cá ngừ, v.v.. Chúng không tốt cho sức khỏe của bạn cũng như thai nhi. Bạn cũng cần “né” hẳn thói quen ăn gỏi cá sống, các món sushi của Nhật. Vì đó là con đường “lý tưởng” nhất để… nạp giun sán vào người. Bạn có thể hình dung được thai nhi sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu trong người bạn có khá nhiều giun sán rồi đấy.
Bên cạnh thịt, cá, sữa và trứng cũng là hai món phải thêm vào thực đơn của bạn ngay từ bây giờ. Một số bạn gái không thích “đụng” đến sữa (do không có men lactose dẫn đến dễ bị sôi bụng, đi ngoài khi uống sữa). Trong trường hợp đó, bạn hãy kiên nhẫn thử từng ít một hoặc thay đổi các loại sữa, chế phẩm khác từ sữa. Ví dụ ăn yaourt, phô mai thay sữa, uống sữa đậu nành thay vì sữa bò tươi.
Sữa là nguồn vitamin, khoáng chất dồi dào, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển xương và chiều cao của em bé cũng như bổ sung canxi cho chính bạn. Ngoài ra, trứng cũng là một trong số các thực phẩm bạn cần tăng cường. Song, cũng không cần thiết ăn quá nhiều trứng (không nên ăn quá 2 quả trứng/ngày, không nên ăn quá 5 quả trứng/tuần).
“Chia tay” hẳn cà phê, thuốc lá, rượu bia:
Đừng đợi đến lúc biết mình mang thai bạn mới lật đật bỏ những thứ không hay này. Chúng là những chất độc hại có khả năng ảnh hưởng lâu dài đến bạn. Vì thế, không bao giờ là “sớm” với việc từ bỏ chúng cả.
Ban đầu, bạn thấy việc phải bỏ một ly cà phê là điều cực kỳ vất vả. Nhưng chắc chắn nếu làm được từ bây giờ và trở thành một phụ nữ hoàn toàn “lành mạnh” trước thời điểm mang thai tối thiểu 3 tháng, bạn đã góp phần không nhỏ để tạo nên một thiên thần kháu khỉnh và khỏe mạnh sau này.
Là một bà mẹ tương lai rất “xì-po”, tại sao không?
Rất nhiều bạn gái hoàn toàn… không tập luyện thể dục, không chơi bất kỳ môn thể thao nào suốt giai đoạn trước khi có thai. Nhiều người còn cho rằng: Bao giờ có bầu mới cần tập thể dục cho dễ sinh chứ bây giờ thì… tập làm gì! Nhiều người khác, điều kiện công việc khá bận rộn nên thường “đổ thừa” rằng không có thời gian.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, đây là một quan niệm hết sức sai lầm. Vì sức khỏe của bạn không phải chỉ “tính” từ thời điểm mang thai mà giai đoạn tiền mang thai cũng sẽ ảnh hưởng. Nếu bạn không chuẩn bị ngay từ bây giờ một sức khỏe, sức đề kháng tốt, sự dẻo dai, tinh thần thoải mái, tránh xa những cơn stress, v.v. thì chắc chắn khi mang thai, bạn đừng mơ làm được chuyện “quay ngược tình thế 180 độ”.
Hai môn tốt cho sức khỏe của bạn nhất và có thể tập kéo dài từ bây giờ đến suốt quá trình mang thai là bơi và yoga. Ngoài ra, bạn có thể hình thành thói quen mỗi buổi sáng thức dậy đi bộ vài vòng công viên. Các bài tập không cần theo kiểu “nhanh, mạnh” mà chỉ cần nhẹ nhàng, uyển chuyển, hình thành nên sự dẻo dai cần thiết.