Thuốc lạ biến trái non thành chín
Vài năm trở lại đây, người tiêu dùng nơm nớp lo sợ vì rất nhiều loại trái cây đang bán trên thị trường bị ép chín bằng hóa chất lạ, trong khi các cơ quan chức năng chưa có giải pháp ngăn chặn, cảnh báo.
Giữa mùa mít, hàng trăm thương lái lùng sục khắp các vườn ở Đắk Lắk, Đắk Nông để gom mít trái về ép chín, bóc múi nhập cho đại lý thu mua kiếm lời. Cải trang là chủ một đại lý chuyên thu mua múi mít về sấy khô mới mở ở huyện xa, chúng tôi tiếp cận xưởng bóc tách múi mít của ông N.V.T ở xã Ea Đar, huyện Ea Kar.
Đập vào mắt là cảnh lò xưởng nhếch nhác, ngổn ngang chai lọ, bao bì đựng hóa chất. Những trái mít xanh vừa hái nằm lăn lóc giữa sân. Bên hiên nhà một đống mít khác phủ bạt cẩn thận. Trong nhà, công nhân tay trần cầm dao bổ mít, bóc tách múi ngay trên nền xi măng cáu bẩn. Vỏ, xơ và hột mít vung vãi la liệt khắp nền nhà. Mùi mít hỏng, thối xộc lên nồng nặc. Thùng các-tông đựng đầy chai thuốc phân bón lá, chín trái dán nhãn tiếng Trung Quốc để ngay góc nhà.
Khoét lỗ trên quả mít để đổ hóa chất (ảnh bên). Ảnh: Lê Hường
Chúng tôi đề nghị đặt mua 2 tạ múi mít/ngày, chủ cơ sở đồng ý không chút ngần ngại. Xong phần giao dịch, ông chủ cơ sở bật mí về công nghệ ép mít chín siêu tốc. “Mít xanh vừa hái trên cây xuống nếu để chín tự nhiên phải mất 10 ngày, nửa tháng, chúng tôi có bí kíp riêng là dùng thuốc thúc chín nhanh, ngày hôm sau mít chín đồng loạt mới có đủ hàng đều đặn cung cấp cho đại lý”.
Loại thuốc mà ông T. thường dùng là “Hoa quả thúc chín tố”. Mỗi gói thuốc có 20 ống, kích thước bằng ngón tay út, dài khoảng 2cm. Chỉ cần pha 6 lọ hóa chất với 500 ml nước, dùng que sắt dùi lỗ trên các quả mít rồi đổ hỗn hợp thuốc vào. Với cách ép trái chín này, mỗi ngày ông T. xuất xưởng 1 tạ múi mít.
Hằng ngày, nhân viên các cơ sở bóc tách múi chở sọt đi khắp tỉnh thu gom mít xanh, non tại vườn với giá 5.000 đồng – 7.000 đồng/kg mang về ép chín. Bóc tách hoàn thành, múi mít được đóng bao nhập cho các đại lý thu mua với giá 12.000 đồng/kg. Các đại lý sau đó nhập cho một số cơ sở chế biến mít sấy khô. Chuỗi mua bán khép kín này chuyển loại mít chín ép bằng hóa chất đến tận tay người tiêu thụ khắp nơi.
Làm liều
Ông Nguyễn Thế Ân, Trưởng phòng Thanh tra – Pháp chế, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho biết, các loại thuốc “Hoa quả thúc chín tố”, “Chín trái” và phân bón lá HPC – 97- HXN… đều nằm trong danh mục phân bón lá.
Tuy nhiên, phun ngoài bề mặt hay nhúng cuống thì thời gian để trái chín sẽ lâu hơn. Trong khi, chỉ cần khoét một lỗ nhỏ trên quả mít rồi đổ một lượng hóa chất vào thì trái sẽ chín sau 1 đêm, nên hầu hết cơ sở không pha loãng mà đổ hóa chất trực tiếp vào mít để thuốc thấm nhanh, chín đều.
Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Đắk Lắk, nói rằng, các cơ sở ép chín trái cây bằng cách đổ trực tiếp hóa chất vào trong trái sẽ rất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Các cơ sở sản xuất mít đang hoạt động không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mỗi ngày, bà L.T.C tại xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk cung cấp cho đại lý thu mua hàng tạ múi mít ép chín bằng hóa chất. Xưởng làm mít là bãi đất trống bên hông nhà, gần chuồng bò, quả mít đặt trên nền đất để bổ, múi mít đựng bằng những chiếc rổ nhựa cũ đen ngòm. Bà C. khẳng định: “Các cơ sở làm mít ở đây đều sử dụng các loại thuốc, phân bón thúc chín mới có lời. Các loại thuốc này chỉ cần ra quầy thuốc bảo vệ thực vật là có ngay”.
Tại hai huyện Krông Pắk và Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk có hàng trăm cơ sở tư nhân chuyên đi gom mít trong và ngoài tỉnh về bóc tách múi nhập cho các đại lý thu mua trên địa bàn sơ chế.
Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Đắk Lắk, cho biết: Các cơ sở ép chín trái cây bằng cách đổ trực tiếp hóa chất vào trong trái sẽ rất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Các cơ sở sản xuất mít đang hoạt động không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bởi, công nhân bóc mít không có đồ bảo hộ, mít đặt trực tiếp trên tấm bạt, nền cáu bẩn. Nơi làm mít không phải nhà xưởng mà là bãi đất trống, sân, vườn nơi dễ phát sinh mầm mống gây các bệnh về đường tiêu hóa, nhiễm khuẩn đường ruột. Mít chín bằng “công nghệ” đổ trực tiếp thuốc thường ít thơm, kém ngọt hơn so với chín tự nhiên.
Ngoài mít, các loại hóa chất trên còn được sử dụng ép sầu riêng, chuối để chín nhanh, đều, đẹp.