Khi nào nên nghĩ đến viêm màng não?
Viêm màng não có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi và thời điểm nào. Tuy nhiên bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi vào mùa nắng nóng hay lúc chuyển mùa vì đây là lúc nhiều trẻ mắc bệnh đường hô hấp và là thời điểm thuận lợi để một số vi trùng, siêu vi trùng xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương gây viêm màng não.
Mẹ nên cẩn trọng và nghĩ đến viêm màng não khi thấy trẻ xuất hiện những biểu hiện:
– Sốt cao đột ngột.
– Nôn ói, bỏ ăn.
– Sau 1-2 ngày, trẻ ngủ rất nhiều, sợ ánh sáng, cổ cứng.
– Trẻ than đau đầu, đau sau gáy và nằm lừ đừ.
– Trẻ dưới 3 tháng bỏ bú, quấy khóc, khóc thét hoặc ngủ li bì, co giật, hôn mê.
Đưa trẻ vào bệnh viện ngay, nếu trẻ:
– Ói nhiều, không kiểm soát được tình trạng ói.
– Đau đầu dữ dội.
– Sốt cao quá 39,5 độ C.
– Yếu hoặc tê tứ chi.
– Khó nói, khó nuốt.
– Lơ mơ hoặc ngủ nhiều quá mức.
Đối với trẻ sơ sinh
Các dấu hiệu ban đầu thường rất khó phân biệt, vì trẻ quá nhỏ. Thậm chí trẻ không sốt cao, chỉ quấy khóc, bỏ bú hoặc ngủ li bì. Do đó, nếu thấy trẻ sơ sinh có những biểu hiện bất thường, dù có vẻ như không quá “nghiêm trọng”, mẹ cũng cần chú ý sớm đưa trẻ đến bác sĩ để khám, kiểm tra, tránh những hậu quả đáng tiếc. Đặc biệt lưu ý, khi trẻ sơ sinh bị sốt và thóp khum xuống là dấu hiệu báo động.
Phòng bệnh bằng cách nào?
Để phòng ngừa bệnh viêm màng não, mẹ nên chăm sóc tốt trẻ những lúc thời tiết thay đổi. Hạn chế để trẻ ra ngoài nắng nóng, tránh làm thay đổi nhiệt độ đột ngột ở trẻ (ví dụ trẻ từ ngoài trời vào không nên mở ngay máy lạnh quá lạnh, mở quạt thổi trực tiếp vào trẻ). Việc này nhằm giúp trẻ tránh được viêm hô hấp.
Khi trẻ cảm ho, viêm amidan, viêm họng mủ cần phải điều trị tích cực và đầy đủ dưới sự theo dõi của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý uống thuốc kháng sinh hoặc tự ý bỏ thuốc. Cần chú ý cho trẻ ăn uống đảm bảo vệ sinh, tránh gây bệnh lý đường ruột.
Chủng ngừa cho trẻ đầy đủ với các bệnh đã có thể chủng ngừa từ ban đầu như viêm màng não mủ do vi khuẩn HIB và viêm màng não do não mô cầu.
Tăng cường sức đề kháng cho trẻ lớn bằng chế độ tập luyện thể dục, ăn uống đủ chất, bổ sung nước ép trái cây giàu vitamin C và A cho trẻ trong những ngày hè.
Ngăn lây lan viêm màng não ở trẻ sơ sinh
– Người lớn (nhất là khi đang mắc bệnh hô hấp) tuyệt đối tránh tiếp xúc, hôn trẻ, ho hay hắt hơi trong phòng trẻ. Lúc này, cần cách ly người bệnh ra khỏi không gian sống của trẻ.
– Không để trẻ bú chung bình sữa hay ngậm đồ chơi của trẻ khác, đặc biệt khi trẻ khác có dấu hiệu đang bệnh.
– Giữ không gian sống của trẻ thật thoáng đãng, sạch sẽ. Phòng của trẻ cần được mở rộng cửa vào một số thời điểm trong ngày để trao đổi không khí. Vệ sinh phòng ốc thường xuyên.