Khám sức khỏe trước khi mang thai
Không nên bỏ qua phần này, vì cần đối diện với một thực tế rằng những rủi ro dễ xảy ra với bạn hơn các thai phụ mang thai lần đầu dưới tuổi 30 rất nhiều lần.
Bạn cần:
– Thực hiện việc khám tổng quát (xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm vùng bụng, kiểm tra gan, thận…, các vấn đề về huyết áp, tim mạch…)
– Trao đổi với bác sĩ khi có kết quả khám, xét nghiệm tổng quát, để bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe thực tế của bạn hiện tại và cho bạn biết bạn có nên mang thai, có khả năng có một thai kỳ ổn định hay không.
– Trong trường hợp bạn có một số vấn đề về sức khỏe như có bệnh mạn tính, có một số chỉ số xét nghiệm không tốt, cần tìm hiểu rõ tình trạng của mình. Nhờ bác sĩ tư vấn xem có cách để điều trị dứt điểm trước khi bạn mang thai không? Nên thay đổi, điều chỉnh thói quen sinh hoạt, ăn uống như thế nào? Tình trạng bệnh của bạn có diễn tiến tăng nặng nếu bạn mang thai không?
– Khám riêng về phụ khoa và nên thu xếp khám hiếm muộn cùng chồng. Vợ chồng bạn cần tư vấn của bác sĩ, để biết có khả năng mang thai bình thường không, có cần đến những biện pháp hỗ trợ không và lên kế hoạch cụ thể cho việc này.
Theo dõi sát sao trong 8 tuần đầu của thai kỳ
May mắn có thai (dù có thai tự nhiên hay bằng những phương pháp hỗ trợ), bạn cũng cần bắt đầu thai kỳ với sự tỉ mỉ và cẩn trọng hơn nhiều so với các bà bầu bình thường.
Bạn cần:
– Giảm tối đa áp lực công việc, tránh làm việc nặng, tránh di chuyển nhiều, tăng cường nghỉ ngơi.
– Khám thai thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ, thực hiện đầy đủ các xét nghiệm để đo lượng đường trong máu, lượng protein trong nước tiểu, huyết áp… nhằm phòng tránh các nguy cơ thường xảy ra như huyết áp cao, tiền sản giật, tiểu đường…
– Bổ sung axit folic đầy đủ (tốt nhất nên bổ sung từ 3 tháng trước khi mang thai) nhằm phòng tránh các bệnh có liên quan đến dị tật ống thần kinh cho thai nhi, như thoát vị não, màng não, tật cột sống chẻ đôi, não úng thủy… Lượng axit folic cần bổ sung là 400 microgram mỗi ngày, suốt từ trước khi mang thai 3 tháng đến trong 9 tháng thai kỳ.
Tăng cân thông minh
Khi mang thai lần đầu ở độ tuổi 35, việc tăng cân trong thai kỳ trở thành vấn đề cần được theo dõi và điều chỉnh cho hợp lý. Bởi lẽ, nếu bạn tăng cân quá mức, nguy cơ bệnh tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường, huyết khối tĩnh mạch sâu, nguy cơ gây thuyên tắc phổi khi sinh hoặc mổ, nhiễm trùng… cũng sẽ tăng theo.
Bạn cần:
– Chỉ nên tăng trung bình 12kg trong suốt quá trình mang thai. Trong trường hợp nếu trước khi mang thai bạn quá gầy hoặc thừa cân thì việc tăng cân này sẽ theo đó điều chỉnh nhiều hơn hoặc ít hơn.
– Mức tăng cân bạn có thể tham khảo trong chín tháng thai kỳ: Trong 3 tháng đầu không tăng cân hoặc tăng 1kg, 3 tháng giữa tăng 4-5kg, 3 tháng cuối tăng 5-6kg.
– Nếu tăng quá số cân này thì trong những tháng cuối, bạn nên điều chỉnh khẩu phần ăn hàng ngày cho hợp lý để hạn chế tăng quá nhiều. Ngoài ra, cũng nên để ý đến cân nặng của thai nhi, để xem mức tăng cân của bé có tỉ lệ với mẹ hay không.
Thực hiện đầy đủ các xét nghiệm khi mang thai
Việc khám thai và thực hiện xét nghiệm trong suốt thai kỳ đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ là vô cùng quan trọng.
Bạn cần:
– Làm một số các xét nghiệm như: Tầm soát tiểu đường trong thai kỳ, viêm gan, giang mai, công thức máu (tầm soát thiếu máu, đặc biệt thiếu máu di truyền), nhóm máu, tổng phân tích nước tiểu.
– Thực hiện tầm soát dị tật bẩm sinh cho thai nhi như: Double test, tripple test, siêu âm đo độ mờ da gáy, siêu âm 4D khảo sát hình thái học thai nhi, sinh thiết gai nhau, chọc ối (nếu cần thiết).