Do bất cẩn, tôi để con bị bỏng nước sôi khá nặng ở phần chân. Giờ nhìn con tôi xót quá bác sĩ ơi. Làm sao để trị được vết bỏng tốt nhất cho bé, khiến bé bớt đau đớn và mau liền da, ít để lại sẹo? Kính mong bác sĩ tư vấn giúp.
Trần Thanh Thủy
(Quận 3)
Bỏng da ở trẻ em là tình trạng tổn thương da và mô mềm do tiếp cận với chất cháy, nước sôi… So với người lớn, bỏng trẻ em thường lâu lành và dễ đưa đến co rút, biến dạng sau khi lành, gây di chứng trầm trọng kéo dài. Đáng tiếc là do người lớn có phần bất cẩn cũng như trẻ nhỏ thường hiếu động, chưa lường hết được những mối nguy hiểm quanh mình nên năm nào, các tai nạn bỏng cũng xảy ra với tỷ lệ khá cao.
Thêm một điều cần lưu ý: Nhiều trường hợp bỏng nhẹ nhưng do xử trí ban đầu, chăm sóc tại nhà không đúng làm vết bỏng sâu hơn, trở thành nặng hơn, biến chứng nhiễm trùng nặng và đôi khi đe dọa đến tính mạng. Chính vì vậy, bạn buộc phải trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, để chăm sóc trẻ đúng cách nếu có tai nạn gây bỏng cho trẻ xảy ra.
Để chăm sóc trẻ bị bỏng đúng cách, bạn tuyệt đối không tự bôi kem đánh răng, nước mắm, dầu hôi hay bất kỳ chất gì không rõ nguồn gốc lên vết bỏng của trẻ. Ngay khi trẻ bị bỏng, cần lập tức làm mát vùng da bị bỏng bằng cách đặt vết bỏng dưới vòi nước hoặc dội nhiều nước sạch lên vết bỏng trong mười phút. Cởi hay cắt bỏ quần áo gần khu vực bị bỏng, trừ khi quần áo bị dính chặt vào vết bỏng (nếu quần áo bị dính chặt vào vết bỏng thì cần để nhân viên y tế xử trí). Khi trẻ đã bớt đau đớn, có thể bôi phủ lên vết bỏng một lớp thuốc mỡ đặc trị bỏng theo hướng dẫn của dược sĩ hoặc bác sĩ nhưng tuyệt đối không trực tiếp chạm tay vào vết bỏng.
Nên băng vết bỏng lại bằng gạc sạch để tránh tối đa bị nhiễm trùng thêm. Sau đó, đưa trẻ đến bệnh viện hoặc phòng khám của bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn cụ thể cách chăm sóc hoặc cho bé nhập viện. Đặc biệt nếu trẻ bị bỏng ở những vùng liên quan đến thẩm mỹ hoặc bộ phận sinh dục thì bắt buộc phải được điều trị, theo dõi tại bệnh viện nếu không muốn để lại những di chứng khiến trẻ mặc cảm sau này.
Với vết bỏng chăm sóc tại nhà, bạn chỉ nên giữ vết thương sạch và khô. Không được lấy kim châm bóng nước mà phải giữ nguyên. Thay băng, bôi thuốc đặc trị bỏng mỗi 24 giờ, rửa vết thương nhẹ nhàng. Nếu trong quá trình chăm sóc trẻ bị bỏng, thấy vùng da bỏng bị đỏ lên, vết bỏng có mùi hôi, trẻ đau nhức hơn ban đầu, trẻ sốt… cần đưa trẻ đến bác sĩ ngay vì rất có thể trẻ bị nhiễm trùng.
Khi vết bỏng đã lành, vẫn nên “che chắn” (ví dụ cho trẻ mặc áo dài tay, quần dài…) suốt thời gian khoảng 6 tháng. Bằng cách này thì da có thể hồi phục hoàn toàn, không gây mất thẩm mỹ sau này. Về dinh dưỡng trong giai đoạn điều trị trẻ bỏng, bạn nên cho trẻ uống nhiều nước mát, nước trái cây, nước có chất khoáng. Bạn cũng nên động viên, an ủi, giải thích cho con về vết thương nếu trẻ đã có thể hiểu, để trẻ không “táy máy” bóc các lớp vảy khi vết thương chưa kịp lành.