Mẹ&Con - Trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý thường không điều chỉnh được hành vi, không ý thức được về điều mình đang làm.

Chào bác sĩ !

Tôi có một cháu trai 5 tuổi, đang học mẫu giáo. Không biết có phải do nhà cưng chiều hay do cháu là con trai nên cháu nghịch ngợm một cách khủng khiếp. Hàng xóm rất sợ cháu qua chơi, vì cháu qua một lúc thôi là cái nhà người ta muốn thành cái bãi chiến trường. Gần như không bắt cháu ngồi yên được. Cháu nhảy múa, la hét, mó máy vào mọi thứ đồ vật và tò mò táy máy làm đủ mọi trò với các đồ vật ấy. Ở nhà, ngoại trừ bố có khả năng làm cháu sợ thì tất cả những người còn lại đều phải bó tay với cháu. Tôi thật sự rất lo lắng về sự nghịch ngợm, hiếu động này. Cô giáo trên trường có khi bực quá phải nhốt riêng cháu chứ không cho chơi chung với các bạn. Xin hỏi bác sĩ, việc này có bình thường không? Tôi tìm hiểu trên mạng, thấy rất nhiều bé bị tăng động giảm chú ý và có biểu hiện na ná như cháu, tức là quậy khủng khiếp, không lúc nào yên. Làm sao để tôi có thể biết chắc con mình hiếu động hay đang bị tăng động, thưa bác sĩ?

Lê Thị Thanh An (Quận 11)

 bác sĩ trả lời

Bạn có thể phân biệt trẻ hiếu động và trẻ bị tăng động giảm chú ý bằng cách kiểm tra lại các biểu hiện sau: trẻ hiếu động thì các hành động nghịch ngợm sẽ không liên tục và thường có chủ ý. Trong khi đó, trẻ mắc bệnh tăng động giảm chú ý thường không điều chỉnh được hành vi, không ý thức được mình đang làm điều đó để làm gì.

Ví dụ, một cháu bé hiếu động, nghịch ngợm có thể mày mò tháo tung một đồ vật ra chỉ để tìm hiểu xem đồ vật đó được cấu thành, vận động như thế nào. Cháu có nhận xét và có những khoảng “tĩnh lặng” để một mình tìm hiểu về đồ vật đó. Ngược lại, một cháu bé bị tăng động có thể phá tung một đồ vật nhưng cháu không hề thật sự biết mình muốn gì. Cháu có thể lặp đi lặp lại đúng một hành động, ví dụ như lấy 2 món đồ chơi đập mạnh vào nhau và làm thế hàng giờ liền mà không có mục đích, không ý thức được làm thế để làm gì.

Trẻ hiếu động cũng thường hay hỏi những câu hỏi thông minh, biết cách thức kết bạn, chơi cùng bạn. Trong khi đó trẻ tăng động thường không thích chơi với bạn mà chỉ thích chơi một mình, trẻ cũng chỉ la hét những điều vô nghĩa như một cách biểu hiện có gì đó “bức xúc” mà thôi. Trẻ tăng động cũng khó lòng nhớ được lâu chuyện gì, trong khi trẻ hiếu động vẫn có thể thuộc vanh vách các chuyện xảy ra lâu trước đó. Bạn cần biết rằng với trẻ bị tăng động, trẻ không rút được kinh nghiệm cho những sai lầm của mình, không thể lên kế hoạch, tổ chức việc gì và gặp khó khăn về việc chỉ có thể nhớ những thứ “ngắn hạn”.

Nếu vẫn không yên tâm với những nhận xét, đánh giá tại nhà của mình, bạn có thể đưa trẻ đến các bệnh viện nhi. Ở đó, các bác sĩ và chuyên viên tâm lý sẽ có thể xác định được cụ thể trẻ có vấn đề về tăng động giảm chú ý hay chỉ là sự hiếu động nhất thời ở độ tuổi này.

Bạn cũng có thể giúp con bớt “kích động” bằng cách giữ các màu sắc trong nhà (như màu sơn tường) nhẹ nhàng, thuộc gam màu thanh nhã. Cho con nghe chủ yếu các loại nhạc không lời, hòa tấu nhẹ nhàng, tập cho trẻ có những giờ phút “bình tĩnh” ở bên bạn, v.v..

Tags:

Bài viết liên quan