Bệnh trầm cảm ở trẻ em thường gây ra cảm giác buồn chán, tâm trạng tiêu cực ở trẻ. Thậm chí, trẻ còn có thể suy nghĩ, hành động một cách không kiểm soát, gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ.
Nguyên nhân nào gây nên bệnh trầm cảm ở trẻ em?
Hiện nay, chưa có một công bố chính thức nào về các nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối loạn sức khỏe tinh thần ở trẻ, khiến trẻ bị trầm cảm. Tuy nhiên, các bác sĩ và các nhà nghiên cứu cho rằng, bệnh trầm cảm ở trẻ em cũng như ở người lớn thường là do yếu tố di truyền cũng như các tác động từ môi trường bên ngoài gây ra tình trạng sự mất cân bằng sinh hóa não, đặc biệt là các chất serotonin, norepinephrine và dopamine.
Theo Bộ Y tế, trẻ mắc chứng trầm cảm thường trải qua các vấn đề gây căng thẳng kéo dài, áp lực học tập, gặp biến cố trong cuộc sống như bố mẹ ly hôn, bị đánh đập, bạo hành gia đình, gặp khó khăn trong học tập, không thể kết nối với bạn bè và thầy cô. Hơn nữa, trẻ bị bạo lực học đường, chấn thương sọ não, sinh non nhẹ cân, lạm dụng các chất kích thích gây nghiện (thuốc lá, rượu, ma túy,…) cũng có nguy cơ gặp tình trạng trầm cảm, rối loạn lo âu cao hơn.
Nếu không điều trị kịp thời, bệnh trầm cảm ở trẻ em có thể khiến trẻ sống trong hoảng loạn, làm những điều ngoài tầm kiểm soát, thậm chí có ý nghĩ và hành động tự sát, làm tổn thương những người xung quanh.
Các dạng bệnh trầm cảm ở trẻ em thường gặp
Trẻ em bị trầm cảm có thể rơi vào các trường hợp sau đây:
Rối loạn tâm trạng hỗn hợp
Đây là tình trạng trẻ gặp phải các rối loạn liên quan đến sự khó chịu, thường diễn ra trong giai đoạn 6-10 tuổi. Lúc này, trẻ thường xuyên có những cảm xúc tức giận, bực bội liên tục cũng như có các rối loạn khác đi kèm như rối loạn hành vi chống đối, hiếu động thái quá, tăng động giảm chú ý hoặc rối loạn lo âu.
Khi rơi vào trạng thái rối loạn tâm trạng hỗn hợp, trẻ dễ có cảm xúc giận dữ, cáu kỉnh, gây tổn thương những người xung quanh mình.
Rối loạn trầm cảm chủ yếu
Một dạng bệnh trầm cảm ở trẻ em khác chính là rối loạn trầm cảm chủ yếu. Đây là một dạng thường thấy nhất của bệnh trầm cảm, kéo dài liên tục trên 2 tuần và thường xảy ra ở trẻ sau tuổi dậy thì. Trẻ bị rối loạn trầm cảm chủ yếu sẽ gặp các tác động như mất ngủ, đau nửa đầu, tăng hoặc giảm cân bất thường, mệt mỏi, giảm khả năng suy nghĩ, luôn có những suy nghĩ về cái chết hoặc có ý định tự tử,…
Rối loạn khí sắc
Bạn có biết, bệnh trầm cảm ở trẻ em còn có thể dẫn đến rối loạn khí sắc? Thông thường, căn bệnh này có rất ít các biểu hiện bộc phát nên rất khó để phát hiện. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể kéo dài, khiến trẻ có cảm giác tuyệt vọng, bị ù tai, tức giận dai dẳng, dễ phụ thuộc vào một người nào đó dẫn đến tình trạng bị lạm dụng, xâm hại,…
Các dấu hiệu chẩn đoán bệnh trầm cảm ở trẻ em
Thông thường, dấu hiệu của bệnh trầm cảm ở trẻ em thường rất đa dạng, tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của trẻ. Những biểu hiện này đôi khi không quá rõ rệt khiến bố mẹ chủ quan, cho rằng con chỉ đang ngỗ nghịch, không vâng lời. Điều này đã khiến nhiều trẻ tuy bị bệnh nhưng không được phát hiện kịp thời, không được điều trị dẫn đến các trường hợp đau lòng xảy ra.
Trong quá trình chăm sóc, nuôi dạy con cái, bạn nên chú ý các thay đổi bất thường ở trẻ để có thể đưa trẻ đến gặp bác sĩ chẩn đoán. Một số biểu hiện của bệnh trầm cảm ở trẻ em gồm có:
- Trẻ không hào hứng với các sự kiện, hoạt động
- Cách ly xã hội, không gần gũi với bạn bè hoặc người thân
- Khó tập trung khi học hoặc tham gia các hoạt động khác
- Luôn tỏ ra mệt mỏi, uể oải
- Thường xuyên la hét, khóc lóc
- Có các phản ứng khó chịu, tức giận
- Cảm thấy kém cỏi, luôn đổ lỗi cho mọi người xung quanh
- Có xu hướng chống đối bố mẹ và mọi người
- Cảm thấy buồn bã và tội lỗi
- Thay đổi khẩu vị (đột ngột thèm ăn hoặc chán ăn)
- Có các phản ứng về thể chất như đau bụng, đau đầu, thường xuyên buồn nôn,…
- Giấc ngủ thất thường (ngủ quá nhiều hoặc quá ít, ngủ lệch múi giờ)
- Có suy nghĩ và hành động làm tổn thương bản thân, thậm chí muốn tự sát
Cần làm gì khi phát hiện dấu hiệu bệnh trầm cảm ở trẻ em?
Tại Việt Nam, có đến hơn 22% trẻ có các biểu hiện của bệnh trầm cảm và có đến 23.7% trẻ từng có ý định muốn tự tử. Đây là một con số rất lớn nhưng lại chưa được gia đình, nhà trường và xã hội quan tâm đúng cách. Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện bất thường, nên dành nhiều thời gian ở bên trẻ, tạo cho con cảm giác an toàn. Sau đó, nên nói chuyện với trẻ thường xuyên hơn để con có thể giãi bày các khúc mắc trong lòng, từ đó bố mẹ cũng có thể tìm hiểu được nguyên nhân vì sao trẻ lại rơi vào trạng thái tâm lý này.
Một số câu hỏi để bố mẹ bắt đầu cuộc trò chuyện với trẻ và có thể gần gũi với con hơn:
- Hôm nay con đi học thế nào, có vui không?
- Mẹ thấy hôm nay con ăn ít hơn, con không thích món ăn này à?
- Mẹ và con cùng chơi trò hỏi đáp nhé!
- Con biết không, mẹ có rất nhiều điều muốn tâm sự cùng con đấy.
- Ngày xưa mẹ cũng hay buồn lắm, nên có gì con có thể kể cho mẹ nghe nhé.
- Đây là bí mật giữa hai chúng ta mà thôi.
- Dù có thế nào thì bố mẹ vẫn yêu thương con.
Điều trị bệnh trầm cảm ở trẻ em
Bố mẹ cũng cần hiểu rằng, trầm cảm chính là một căn bệnh. Vì thế, song song với việc ở bên và chia sẻ cùng trẻ, bố mẹ cũng nên đưa con đến các cơ sở y tế, gặp các chuyên gia tâm lý để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, xác định hướng điều trị phù hợp nhất với trẻ.
Cũng tương tự như bệnh trầm cảm ở người lớn, bệnh trầm cảm ở trẻ em cần có biện pháp điều trị bằng thuốc cũng như các liệu pháp tâm lý. Bố mẹ nên thông báo với nhà trường và người thân xung quanh trẻ để có thể phối hợp hỗ trợ trẻ tốt nhất.
Đặc biệt, một vấn đề mà bố mẹ cần lưu ý chính là không tự ý cho trẻ uống các loại thuốc trầm cảm, điển hình như thuốc ngủ, thuốc an thần. Điều này có thể khiến tình trạng sức khỏe của trẻ tồi tệ hơn, thậm chí còn gây ảnh hưởng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Bệnh trầm cảm ở trẻ em có thể khiến trẻ gây ra những hành động ngoài ý muốn, tổn thương trẻ và những người xung quanh. Do đó, bố mẹ cần có cái nhìn chính xác hơn về căn bệnh này cũng như hướng xử lý sao cho phù hợp nhất nhé!