Chậm trễ trong việc phát hiện và điều trị bệnh động kinh ở trẻ nhỏ sẽ làm lỡ cơ hội điều trị sớm và điều trị đúng cho con.
Vì thế, những bậc phụ huynh nên bổ sung thêm kiến thức để sớm nhận biết những dấu hiệu của bệnh, biết cách xử trí kịp thời trong những trường hợp nguy hiểm, hỗ trợ con yêu có thể phát triển ổn định, duy trì sức khỏe và tự tin hơn trong cuộc sống.
Nguyên nhân gây bệnh động kinh ở trẻ
Các bác sĩ ở Trung tâm Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, khoảng hơn 50% số bệnh nhi đến khám tại phòng khám chuyên khoa thần kinh nhi đều khám bệnh động kinh. Đây là một bệnh lý thần kinh phổ biến ở trẻ nhỏ, được hiểu là sự rối loạn chức năng của hệ thần kinh trung ương. Bệnh động kinh ở trẻ có thể xuất hiên ở bất kỳ nhóm tuổi nào, thường gặp nhất là khi trẻ trước 1 tuổi hoặc 3 tuổi.
Động kinh được xem là bệnh mạn tính với các biểu hiện lâm sàng đa dạng. Cơn động kinh ở trẻ sẽ thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu từ trẻ lên cơn co giật, có thể là giật một phần cơ thể hoặc giật toàn thân, co giật mất hoặc không mất ý thức… Và chúng thường lặp đi lặp lại, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt của trẻ cũng như của cả gia đình.
Bệnh động kinh ở trẻ nhỏ là một nhóm bệnh phức tạp và có nhiều nguyên nhân gây ra, tuy nhiên có một số nguyên nhân thường gặp như:
- Dị tật bẩm sinh của hệ thống thần kinh trung ương từ khi mẹ mang thai.
- Bệnh động kinh ở trẻ nhỏ cũng có thể xuất hiện ở trẻ bị sốt cao nhiều lần và với một tỉ lệ nhất định.
- Trẻ gặp nhiều biến cố trong quá trình sinh nở, có thể do con bị ngạt và gây thiếu oxy, suy hô hấp phải thở máy sau sinh.
- Phát cơn động kinh sau khi bị chấn thương thần kinh hay ở các bệnh lý khác như xuất huyết não, u não,…
- Trẻ gặp các vấn đề về nhiễm trùng thần kinh như viêm màng não ở trẻ , nhiễm khuẩn, trẻ bị nhiễm kí sinh trùng ở não,…
Chẩn đoán bệnh động kinh ở trẻ
Chẩn đoán bệnh động kinh ở trẻ từ những lần tiên có thể là một khó khăn với cha mẹ. Những cơn co giật sẽ kết thúc nhanh đến nỗi bác sĩ đôi khi cũng không thể chứng kiến được toàn bộ quá trình như thế nào. Vì thế, lúc này các bác sĩ sẽ giúp bạn loại trừ đi những tình trạng khác, ví dụ như co giật không nhiễm trùng.
Động kinh có thể giống như các cơn co giật, nhưng chúng thường bị tác động bởi các yếu tố khác như giảm đường huyết, huyết áp thấp, rối loạn nhịp tim, rối loạn lo âu…
Bên cạnh đó, những hành động mô tả của cha mẹ hoặc người giám hộ về cơn bệnh động kinh ở trẻ cũng rất quan trọng vì chúng có thể giúp bác sĩ chuẩn đoán chính xác hơn. Cha mẹ hãy hỏi thêm thông tin từ các thành viên trong gia đình vì họ có thể từng chứng kiến những biểu hiện khác của bé trong lúc bạn không chú ý hoặc không có mặt lúc đó.
Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng điện thoại quay lại những lúc con phát bệnh. Tuy nhiên không phải cha mẹ nào cũng có thể làm được điều này, vì lúc xảy ra sự viện họ đều rất lo lắng và rối bời để tìm cách xử lý, giảm nhẹ tình trạng của con nên không thể đứng quay phim được. Nhưng những đoạn phim này có thể sẽ giúp ích được cho bác sĩ rất nhiều trong quá trình chẩn đoán bệnh lý của trẻ.
Có nhiều loại động kinh khác nhau, như động kinh vắng ý thức rất khó nhận diện vì có thể nhầm lẫn với tình trạng mơ màng. Nhiều người lớn còn phát lờ bệnh tình này của trẻ trong nhiều năm vì cho rằng đó là biểu hiện bình thường.
Không những thế, còn một cơn động kinh dữ dội hơn bao gồm cả các hành vi co giật người, co cứng toàn thân hoặc tứ chi rất dễ nhận ra vì chúng sẽ biểu hiện rõ ràng.
Các bác sĩ thường khuyên bạn không cần quá lo lắng mỗi khi trẻ nhỏ nhìn chằm chằm vào tivi hoặc một chỗ nào đó quá lâu. Hầu hết trẻ nhỏ đều trông như đang mơ màng nhưng thật sự chúng đang bị chìm đắm trong thế giới tưởng tượng của riêng mình.
Thay vì quá lo lắng, cha mẹ hãy theo dõi sát sao những biểu hiện của con xuất hiện vào những thời điểm không phù hợp, ví dụ nhưng trẻ đang nói hoặc đang làm gì đó bỗng dưng dừng lại.
Có thể bác sĩ sẽ cho bé làm một vài bài kiểm tra thể chất, xét nghiệm máu kèm theo các phương án khác như điện não đồ nhằm kiểm tra hoạt động điện trong não của trẻ.
Những hệ lụy của động kinh
Bệnh động kinh ở trẻ nhỏ có nhiều mức độ khác nhau. Nếu con bạn đang ở mức độ bệnh nhẹ và trẻ chỉ lên vài cơn động kinh, khi được chẩn đoán và điều trị đúng cách và đầy đủ bằng các loại thức chống động kinh, căn bệnh này có thể biến mất hoàn toàn và không tái phát nữa.
Tuy nhiên, nếu như mức độ bệnh nặng, cơn co giật xuất hiện nhiều kèm theo các bệnh khác như bại não, trẻ bị chậm phát triển và được chẩn đoán cần điều trị kéo dài, thậm chí phải phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc, một số trẻ còn mắc phải chứng động kinh kháng thuốc do bệnh không đáp ứng được với thuốc.
Do đó, nếu như không được phát hiện và can thiệp điều trị sớm, bệnh sẽ phát triển ra rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bình thường cũng như cuộc sống sinh hoạt sau này của con yêu. Chẳng hạn như trong lúc sinh hoạt, trẻ bỗng dưng lên cơn co giật sẽ dẫn đến nhiều tai nạn, đuối nước, bỏng người…
Những cơn co giật này nếu không được xử lý đúng và kịp thời có thể dẫn đến suy hô hấp, thiếu oxy não, thậm chí tử vong.
Bệnh động kinh ở trẻ nhỏ còn ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và vận động của con. Trẻ sẽ học tập sa sút, không theo kịp bạn bè, kiểm soát hành động kém, hạn chế trong giao tiếp xã hội… Điều này có thể làm cho con gặp nhiều khó khăn trong học tập và các mối quan hệ bạn bè.
Cha mẹ nên làm gì khi con lên cơn động kinh?
Cơn động kinh thường xảy ra một cách đột ngột và khó lường trước được, con có thể vô thức tự cắn vào lưỡi, bị sặc hoặc ngạt thở, tai nạn, chấn thương… thậm chí là hôn mê hoặc nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, người chăm sóc trẻ cần học một vài thao tác xử trí đơn giản, nhưng phải vận dụng đúng cách và kịp thời để nhanh chóng giúp con được an toàn.
Trước hết, những người xung quanh cần giữ bình tĩnh, không nên quá ồn ào hoảng loạn, lo lắng quá mức. Cố gắng tạo cho trẻ không gian thoáng mát, tiến hành nới lỏng quần áo của con và đặt trẻ nằm nghiêng ở một nơi an toàn, không nên cố gắng khống chế cử động hay kìm giữ con, không nên cho trẻ ăn uống khi con chưa thực sự tỉnh táo hoàn toàn.
Trong một vài trường hợp, bạn có thể đặt một vật mềm vào giữa hai hàm răng của trẻ để giúp con không cắn vào lưỡi, nhưng không chọn vật quá cứng hoặc nhỏ tránh để trẻ nuốt vào.
Đồng thời, các bác sĩ cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh cũng hết sức lưu ý, đối với những cơn động kinh ngắn có thể sẽ tự hết trong vài phút sau đó. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh động kinh ở trẻ, nếu trẻ lên cơn động kinh kéo dài, cơn co giật xảy ra ngay sau khi cơn đầu vừa dứt, hoặc các cơn động kinh cũng có thể làm suy hô hấp của trẻ.
Cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu và cắt các cơn co giật do động kinh gây ra càng sớm càng tốt.