Bố mẹ ơi, đừng vội lo lắng! Bé mọc răng chậm không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe của con yêu và vẫn có cách xử lý đấy nhé. Cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu ngay.
Quá trình mọc răng ở trẻ nhỏ diễn ra như thế nào?
Nụ cười đầu tiên, tiếng khúc khích đầu tiên, tiếng gọi “mẹ” đầu tiên hay chiếc răng đầu tiên của con đều là những khoảnh khắc ngọt ngào và quý giá với những người làm bố, làm mẹ. Vì thế, trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh, bố mẹ sẽ rất hồi hộp chờ đợi khi nào những “hạt bắp” nhỏ, trắng tinh xuất hiện trên nướu răng của con.
Thông thường, bé sẽ bắt đầu mọc những chiếc răng đầu khi con từ 4-7 tháng tuổi và sẽ cơ bản mọc đầy đủ vào khoảng 2-2,5 tuổi. Tuy nhiên, tiến trình mọc răng ở mỗi trẻ là hoàn toàn khác nhau. Nếu sau 7 tháng nhưng bé vẫn chưa mọc răng thì vẫn chưa đủ điều kiện để xác định bé mọc răng chậm.
Thông thường, chỉ khi trẻ đã được 13-15 tháng tuổi nhưng vẫn chưa có bất kỳ chiếc răng sữa nào “lộ diện” thì mới được xem như bé mọc răng chậm.
Vì sao bé mọc răng chậm?
Khi chờ mãi nhưng vẫn không thấy con mọc răng, bố mẹ thường lo lắng không biết con có gặp các vấn đề về sức khỏe hay không, vì sao tiến trình mọc răng của con lại “đi sau” so với bạn bè đồng trang lứa… Theo đó, một số nguyên nhân khiến bé mọc răng chậm có thể kể đến như:
Yếu tố di truyền
Đầu tiên, cần xác định rằng di truyền chính là nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng mọc răng chậm ở trẻ. Nếu gia đình từng có người mọc răng chậm (thường là bố, mẹ, anh chị em cùng huyết thống,…) thì trẻ cũng sẽ dễ gặp tình trạng những chiếc răng đầu tiên xuất hiện chậm hơn mong đợi một chút.
Chế độ dinh dưỡng kém, thiếu hụt dưỡng chất
Một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng bé mọc răng chậm chính là do chưa được bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết đối với sự phát triển của bé trong độ tuổi này.
-
Thiếu canxi
Sữa mẹ thường có chứa nguồn canxi dồi dào để có thể giúp xương và răng của trẻ được phát triển tốt hơn. Do đó, tình trạng bé chậm mọc răng thường xảy ra ở trẻ không được bú đủ sữa mẹ, thiếu hụt nguồn canxi cần thiết.
Ngoài ra, nếu trẻ sử dụng sữa công thức không phù hợp và không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng, không bổ sung canxi, photpho và các loại vitamin khác thì răng của bé vẫn có thể mọc chậm hơn so với bạn bè đồng trang lứa.
-
Thiếu vitamin D
Thiếu hụt vitamin D cũng là một lý do khiến bé mọc răng chậm mà bố mẹ không nên xem thường. Khi cơ thể không có đủ lượng vitamin D cần thiết, cơ thể sẽ không thể hấp thụ canxi để giúp thúc đẩy quá trình mọc răng của bé.
-
Thiếu chất MK7
MK7 là còn gọi là vitamin K2 đóng vai trò hỗ trợ đưa canxi vào máu để xương và răng của trẻ được phát triển tốt hơn, chắc khỏe hơn. Khi thiếu MK7 thì tốc độ mọc răng của bé cũng chỉ đạt ở mức 30% so với thông thường, từ đó khiến bé mọc răng chậm hơn.
Hấp thụ quá nhiều photpho
Dư thừa photpho cũng là một yếu tố tác động đến quá trình mọc những chiếc răng đầu tiên của bé yêu bởi photpho sẽ ngăn cản quá trình cơ thể hấp thụ canxi. Do đó, khi cơ thể quá dư thừa photpho thì lượng canxi sẽ bị thiếu hụt và làm cho bé mọc răng chậm.
Suy giáp
Một trong những nguyên nhân thường thấy dẫn đến tình trạng bé mọc răng chậm chính là do bé bị suy giáp hay còn gọi là nhược giáp, giảm chức năng tuyến giáp. Đây là một dạng một dạng bệnh nội tiết, rối loạn chức năng tuyến giáp khiến cho tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormone tuyến giáp cần thiết để cơ thể có thể hoạt động bình thường. Tình trạng suy giáp có thể ảnh hưởng đến các cột mốc phát triển của trẻ. Cụ thể, bị suy giáp không những khiến bé chậm mọc răng mà còn khiến bé chậm biết nói, biết đi,…
Nhiễm khuẩn khoang miệng
Bé mọc răng chậm có thể xuất phát từ nguyên nhân bé bị viêm lợi, nhiễm khuẩn khoang miệng hoặc mắc các bệnh lý nha chu. Lúc này, vi khuẩn và nấm ngứa sẽ sinh sôi và phát triển trong khoang miệng của bé, làm tổn thương nướu và lợi khiến cho răng không thể mọc được.
Thông thường, tình trạng nhiễm khuẩn khoang miệng sẽ khiến trẻ dễ quấy khóc, miệng có mùi hôi giúp mẹ dễ dàng nhận biết được.
Trẻ sinh non
Trẻ sinh non, thiếu tháng có nguy cơ mọc răng chậm cao hơn so với trẻ sơ sinh được sinh đủ tháng, đòi hỏi bố mẹ phải có chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng đặc biệt hơn.
Trẻ mắc các bệnh lý
Bé mọc răng chậm có thể là do các bệnh lý như bất thường về tuyến yên, mắc hội chứng down,…
Bé mọc răng chậm có nguy hiểm hay không?
Nhiều bố mẹ thường cảm thấy lo lắng khi thấy con yêu mãi nhưng vẫn chẳng có chiếc răng sữa nào mọc lên. Tuy nhiên, đây là một vấn đề hoàn toàn bình thường và không gây nguy hiểm cho trẻ nên bố mẹ có thể yên tâm. Nếu bé mọc răng chậm hơn một chút thì bố mẹ vẫn hãy cứ bình tĩnh và chăm sóc con như bình thường.
Tuy nhiên, nếu sau khi trẻ đạt cột mốc 13 tháng tuổi nhưng vẫn không mọc răng thì bố mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được kiểm tra, chẩn đoán và can thiệp bởi việc bé mọc răng chậm quá mức có thể gây nên một số ảnh hưởng như:
- Răng sữa mọc chậm khiến răng vĩnh viễn bị lệch
- Răng vĩnh viễn và răng sữa mọc cùng lúc, tạo nên tình trạng “hàm răng đôi”, hai hàm răng cùng tồn tại song song làm ảnh hưởng đến việc ăn uống, thao tác nhai của bé
- Vì bé mọc răng chậm nên răng sẽ nằm dưới bề mặt nướu dẫn đến tình trạng viêm quanh thân răng
- Bé có nguy cơ bị sâu răng do răng ở dưới nướu, bị vi khuẩn ở nướu răng tác động
Cần xử trí như thế nào nếu bé mọc răng chậm?
Khi mãi mà chẳng thấy những “hạt bắp” li ti mọc lên, bố mẹ có thể xử lý bằng cách:
- Xây dựng thực đơn dinh dưỡng với các thực phẩm bổ sung canxi cho trẻ, chẳng hạn như quả hạch, đậu nành, cá,…
- Tắm nắng cho bé, cho con thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để hấp thụ lượng vitamin D cần thiết
- Thêm 1-2 muỗng cà phê dầu ăn vào trong mỗi phần ăn để tăng cường khả năng hấp thụ canxi và vitamin D
- Cố gắng để bé có thể bú sữa mẹ nhiều hơn
- Trong trường hợp bé đang dùng sữa công thức, chỉ nên pha sữa bằng nước lọc, tuyệt đối không sử dụng nước bột, nước cháo, nước khoáng hoặc nước rau củ vì điều này sẽ làm giảm khả năng hấp thụ dưỡng chất
- Với bé chậm mọc răng, bố mẹ cũng nên bổ sung thêm các vi khoáng chất thiết yếu như kẽm, vitamin B1, selen… để hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường khả năng hấp thụ các dưỡng chất khác
- Cho trẻ vận động nhẹ nhàng, ngủ đủ giấc cũng làm tăng cảm giác thèm ăn ở trẻ, giúp trẻ ăn ngon miệng hơn và hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn
- Nếu trẻ biếng ăn dẫn đến thiếu hụt dưỡng chất và khiến bé chậm mọc răng, nên thay đổi thực đơn thường xuyên, chọn thực phẩm nhiều màu sắc để kích thích vị giác của bé
- Vệ sinh khoang miệng của bé, dùng gạc ẩm có thấm dung dịch NaCl 0,9% hoặc nước đun sôi để nguội để làm sạch khoang miệng, hạn chế tình trạng nhiễm trùng có thể xảy ra
- Nếu tình trạng bé mọc răng chậm kéo dài và không có tiến triển, cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và có cách xử trí phù hợp
Bé mọc răng chậm tuy không quá nguy hiểm nhưng có thể để lại những biến chứng xấu về sau. Do đó, nếu những chiếc răng của bé yêu mãi chẳng “xuất đầu lộ diện”, hãy điều chỉnh thực đơn dinh dưỡng hằng ngày, cố gắng bổ sung thêm nhiều món ăn phù hợp cho bé yêu. Chắc chắn khoảnh khắc khi thấy chiếc răng đầu tiên của con sẽ đến nhanh thôi. Bố mẹ cùng chờ nhé!