Mẹ&Con – Thay vì xem chốn phòng the là nơi giúp gắn bó, yêu thương với nhau hơn, không ít đôi vợ chồng lại trưng dụng đây làm nơi “ăn thua đủ”. Giận chồng? Thế thì cấm vận! Bực bội vợ không chu đáo việc nhà? Thế thì đến cả chuyện gối chăn cũng nhuốm vẻ… “đằng đằng sát khí”! Đây là điều vô cùng tai hại. Tiếc là, đến nay chuyện này đã không còn hiếm nữa, chỉ khác nhau ở mức độ và “chiêu thức” mà thôi.

Lấy chuyện gối chăn làm… “hình phạt”!

Không ít lần, phòng khám nam khoa tiếp nhận các quý ông tìm đến đây… kể khổ. Tình tiết cãi vã, gây hấn trong mỗi gia đình thì khác nhau nhưng rốt cuộc, các nàng vợ trẻ đều thường xuyên trưng dụng đến một “chiêu” trị chồng mà quý ông rất sợ: Chiêu cấm vận chuyện… “kia”!

Nhẹ nhẹ thì vài ba ngày, nặng hơn thì vài tuần, vài tháng. Tức chồng đủ chuyện trên trời dưới đất, ban ngày làm mặt lạnh, đến đêm vợ cũng tiếp tục… lạnh theo. Chồng quay sang ôm một cái, cũng có ý muốn giảm bớt căng thẳng nhưng đáp lại chỉ là những cái hất tay: “Em mệt!”. Nhiều khi muốn lấy chuyện gối chăn để làm hòa những cuộc chiến tranh nóng hay chiến tranh lạnh, nhưng gặp phải “đòn đau” lấy chuyện cấm vận tình dục làm hình phạt này, các quý ông cũng đành ngậm ngùi mang tâm sự đến thở vắn than dài cùng bác sĩ.

Tuy nhiên, cấm vận thực tế chỉ mới là “chiêu” nhẹ nhất trong số các hình phạt ở… chiến trường chăn chiếu. Chiêu này chủ yếu cũng chỉ phụ nữ mới hay tìm đến. Ngược lại, về phía các quý ông, đừng tưởng hễ vào đến chốn phòng the thì trở nên “chín bỏ làm mười”. Không cấm vận như phụ nữ, vẫn tìm đến tình dục khi có nhu cầu, nhưng không ít đức ông chồng lại quay ra đối xử thô bạo với vợ ngay ở chốn chiếu chăn, xem đây như là một cách trả đũa, hay tệ hơn, như một ngón “đòn thù” nấp sau khoái cảm.

Cũng phải mở ngoặc để nói trước là trong một số trường hợp đặc biệt, hiện tượng này được thực hiện một cách không chủ ý và là một dạng “bệnh lý” liên quan đến tâm thần. Các bác sĩ từng định danh nó bằng những cái tên như: khổ dâm, bạo dâm – tức chỉ đạt được khoái cảm chăn chiếu khi được “bạo hành” người khác hoặc chính mình được người khác “bạo hành”. Bệnh viện từng tiếp nhận những ca chấn thương vùng kín nặng do bản thân tự gây ra hoặc đối tác (vợ hoặc chồng) là người rơi vào trường hợp bệnh lý này gây ra.

Tuy nhiên, chỉ có một tỷ lệ rất ít thật sự là “bệnh”, tức có vấn đề về tâm thần, tâm lý, từng chịu những ám ảnh bất thường và cần thiết đến sự can thiệp của bác sĩ nhằm giúp cứu vãn hạnh phúc gia đình. Tỷ lệ còn lại đều là “bệnh… giả”, tức là thực chất bình thường, nhưng vì ở những thời điểm nhất định, có những bực tức hằn học chuyện gia đình, chuyện ghen tuông… và mang hết chừng đó oán giận lên giường để trút vào chiếu chăn.

Điều này đặc biệt nghiêm trọng và cần hiểu rõ nguy cơ. Bởi về mặt y khoa, các bác sĩ đã không ít lần tiếp nhận trường hợp bạo hành chốn phòng the, dẫn đến bên “bị” chịu những di chứng đáng sợ như mất khả năng làm vợ, làm mẹ. Thêm vào đó, về mặt tâm lý, ngón “đòn đau” chốn chiếu chăn này có khả năng gây nên những ám ảnh lâu dài, khiến “bị đơn” trở nên lãnh cảm, luôn sợ hãi và né tránh chuyện “gối đượm chăn nồng”.

Bạo hành tình dục

Trút giận vào gối chăn: Mất nhiều hơn được!

Một đức lang quân tìm đến bác sĩ, lúng túng thừa nhận rằng dạo này anh thường xuyên gặp phải tình cảnh “trên bảo dưới không nghe”, cứ vào trận là trở nên… im như thóc trước vợ mình. “Kẹt” cái là với đối tượng khác (một cô nhân viên cùng công ty) thì mọi thứ đều ổn cả!!! Truy ra nguyên cớ, mới biết khi vào cuộc, vợ cứ hay chê bai, hay bảo những câu như cứa vào thịt da kiểu như: “Không được thì thôi đừng… cố!”.

Không bàn đến khía cạnh đạo đức, tình cảm ở đây, chỉ xét riêng ở góc độ tình dục học mà thôi, rõ ràng người vợ vô tình đã dùng đến một thứ “đòn đau” trên giường mà không biết. Nghĩa là, bạo hành tình dục không phải chỉ đơn thuần là thô bạo, dữ dội, gây ảnh hưởng đến thể xác. Bạo hành ở đây còn nằm cả ở chỗ không cần “động thủ”: Một lời chê bai, mạ lị, một câu xúc phạm, một sự chì chiết, giận hờn chuyện đâu đâu lúc bình thường giữa phút thăng hoa có thể tạo nên bi kịch ngay lập tức cho vợ chồng.

Mới nghe qua, nhiều đôi vợ chồng (nhất là vợ chồng trẻ) phớt lờ: “Ôi trời, có gì đâu! Lúc nào giận nhau thì cấm vận năm bữa nửa tháng, hay chì chiết chút đỉnh vậy thôi. Hết chuyện lại hòa!”. Thậm chí nhiều cô vợ tự tin rằng chính nhờ chiêu “cấm vận” mà mình… điều khiển được chồng ăn năn biết lỗi như ý muốn. Tuy nhiên, lời cảnh báo của bác sĩ là việc biến chốn phòng the thành chiến trường tuyệt đối không nên, bởi có khi nó sẽ để lại những ảnh hưởng lâu dài mà chính đương sự lúc làm cũng không nghĩ đến.

Ví dụ như chuyện cấm vận của các “nương tử” có thể đẩy đức lang quân của mình đi đến chỗ chán cơm thèm phở rất dễ dàng. Nhu cầu cao và không muốn bị “ngưng” đột ngột, đương nhiên các quý ông sẽ phải tự xử hoặc… tìm đến một người thứ ba nào đó để giải tỏa. Nếu lúc này gặp phải người ngọt ngào mềm mỏng, khéo léo chiều chuộng và ve vuốt nỗi tự ái cá nhân của các quý ông thì có phải là hậu quả khó lường? Về phía các quý ông, chuyện thỉnh thoảng thích đem những chiêu “mạnh bạo” về ép vợ cùng tham gia hoặc cố ý thô bạo để thể hiện “bản lĩnh đàn ông đích thực” có khả năng gây nên hậu quả rất khó lường, khiến vợ trở nên mất hoàn toàn cảm giác mà phải rất vất vả điều trị sau này mới mong khơi gợi lại được.

Chưa kể đến việc khi mất bình tĩnh, mang cái sự “giận mất khôn” lên giường thì khả năng điều khiển tình hình lúc này rất kém, dễ gây nên những tai nạn không ngờ tới. Cụ thể như một bệnh nhân nam có khả năng bị… gãy “kiếm” chỉ vì một lúc nổi điên, trả thù vợ thật “mạnh bạo” cho bõ ghét. Chính sự mất bình tĩnh và thiếu kiểm soát này khiến thủ phạm bị chấn thương phải tìm đến bác sĩ, trong khi nạn nhân vẫn bình an vô sự.

Thế đấy, chốn phòng the muôn đời vẫn nên là… chốn phòng the, tức chốn yên ổn, nhẹ nhàng, ngọt ngào và sâu lắng nhất để tìm về. Đừng lấy chuyện chăn gối làm “đòn thù”. Đừng đem những bực tức đời thường để trút lên… giường. Cũng đừng làm tình làm tội đối tác chỉ với hi vọng thỏa mãn sự tức giận của bản thân. Bởi hậu quả của nó có khi khiến bác sĩ cũng phải thở dài: “Chúng tôi đã cố gắng hết sức!” mà thôi.

Tags:

Bài viết liên quan