Những ngày gần đây, câu chuyện về nam sinh nhảy lầu ở Hà Nội một lần nữa bóp nghẹt trái tim của các bậc làm cha mẹ bởi những nỗi lo, lo lắng con suy nghĩ bồng bột, băn khoăn vì không hiểu con, thậm chí là cảm thấy hoài nghi không biết liệu mình đã đủ hiểu con hay đã biết làm bạn cùng con…
Nhằm giúp ba mẹ tháo gỡ những trăn trở đó, Tạp chí Mẹ và Con chia sẻ một trong những cách yêu thương và bảo vệ con hiệu quả đó chính là trở thành người bạn của con. Và đây là 6 cách giúp bạn và trẻ kéo gần khoảng cách thế hệ để có thể sẻ chia, động viên, an ủi, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ những khúc mắc tâm lý, giúp con vượt qua những thử thách đầu đời:
Làm bạn cùng con bắt đầu từ một “cam kết trọn đời”
Làm bạn cùng con là một trong những khó khăn hàng đầu của các bậc làm cha mẹ. Đó không đơn giản là khoảng cách tuổi tác, sự thiếu thốn các kỹ năng mềm mà sâu xa hơn điều này còn đến từ văn hóa, nền văn hóa thứ bậc, tạo nên ranh giới nhất định khiến cho nhiều cha mẹ không thể vượt qua.
Chúng ta có thể thay đổi điều đó bắt đầu từ việc làm bạn cùng con và phát triển tình bạn thân thiết với con cái bằng… một lời cam kết vô điều kiện được hình thành và bền vững suốt đời. Đó là lời cam kết rằng: Cho dù có bất cứ điều gì xảy ra, cha mẹ vẫn sẽ không bao giờ ngừng yêu thương và ủng hộ con.
Đây không phải là một lời hứa suông, mà là một sự cam kết chắc chắn được thiết lập giữa bạn và con trẻ. Khi có được lời cam kết này từ bạn, con sẽ cảm thấy mình không đơn độc trên hành trình dài của cuộc đời. Điều đó có ý nghĩa nâng đỡ về tinh thần, là lời khẳng định về sự chở che, giúp trẻ cảm thấy an toàn và không ngại ngần khi chia sẻ về những thách thức mà con phải đối mặt.
Đặt mình vào đúng lứa tuổi của con
Con phải giỏi như bạn A, hoạt bát như bạn B, phải học trường X, đậu bằng Y… đó là những phát ngôn vô cùng nhạy cảm và nguy hiểm. Thay vì cố gắng “nhồi sọ” con cái về thứ mà bạn muốn chúng trở thành, hãy dành thời gian quan sát và đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của trẻ.
Các chuyên gia tâm lý khuyến khích bạn nghiên cứu kỹ tính cách tự nhiên của con. Con là người mạnh mẽ, vui vẻ, nhạy cảm hay rất tỉ mỉ, quyết đoán? Con thích và không thích điều gì? Cách tốt nhất để truyền động lực cho con? Mục tiêu và ước mơ cụ thể của con?…
Khi trả lời được những câu hỏi vừa nêu, bạn có thể “điều chỉnh” tình bạn của mình với con theo tính cách tự nhiên nhất và chính thức có thể làm bạn cùng con.
Dành thời gian “chất lượng” cho con
Có rất nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng mình đã trang bị cho con đầy đủ những thứ con cần từ xe cộ, máy tính, điện thoại… cho đến người đưa đón con đến trường, người chăm lo từng bữa cơm, lời ru của mẹ trong từng giấc ngủ. Những điều đó mãi mãi vẫn là không đủ với một đứa trẻ, nhất là trẻ trong độ tuổi đến trường.
Xem thêm:
Câu chuyện về một luật sư thành đạt kể lại rằng, khi được hỏi về món quà quý giá nhất đã nhận được, anh ấy cho biết đó là món quà vô cùng ý nghĩa từ người cha thân yêu. Một buổi sáng Giáng sinh, giữa rất nhiều phần quà được gói gọn gàng, anh nhận được một chiếc hộp nhỏ bên trong có dòng chữ: “Con trai, năm nay cha mẹ sẽ cho con 365 giờ, một giờ mỗi ngày sau bữa tối.”
Hãy nhớ rằng, tình bạn với trẻ không phát triển một cách ngẫu nhiên hay tình cờ. Thay vào đó, chúng cần được vun đắp hàng ngày. Và cách của người cha trong câu chuyện trên là một gợi ý hay, nếu muốn làm bạn cùng con.
Làm bạn cùng con là ở bên khi con cần
Bên cạnh việc dành thời gian theo lịch để chia sẻ, trò chuyện về những hoạt động diễn ra trong ngày, nếu bạn muốn phát triển một tình bạn có ý nghĩa với con, hãy sẵn sàng làm bạn cùng con và ở bên chúng trong những khoảng thời gian đột xuất.
Đó là những khi con cần bạn nhất như khi điểm kém, khi thi trượt, mất người thân hay gặp khó khăn trong các mối quan hệ bạn bè, con đứng trước một kỳ thi quan trọng… Bạn xuất hiện chỉ vì một lý do đơn giản, con cái của chúng ta quan trọng hơn tất cả mọi thứ trên đời.
Lắng nghe bằng tất cả sự thấu hiểu
Một khía cạnh quan trọng khác của việc phát triển tình bạn với con cái là lắng nghe trẻ một cách thấu hiểu. Nói cách khác, các bậc làm cha mẹ được khuyến khích trở thành một người lắng nghe tích cực khi giao tiếp với con cái. Lắng nghe tích cực bao gồm giao tiếp bằng mắt khi con nói, thể hiện sự chăm chú với vấn đề con chia sẻ.
Có thể mẹ quan tâm: Làm sao để dạy con không đòn roi
Một người biết lắng nghe không bao giờ cho rằng mình biết con đang nói gì. Thay vào đó, họ sẽ đặt câu hỏi để làm rõ những gì trẻ đã nói. Sau đó, lặp lại, sử dụng các từ khác nhau để diễn tả điều trẻ vừa nói để hiểu một cách tường tận và cho trẻ thấy rằng bạn rất quan tâm đến suy nghĩ của con. Khi thấy mình được tôn trọng, trẻ sẽ muốn chia sẻ với bạn nhiều hơn trong tương lai và bạn sẽ ngày một đến gần với con hơn trên hành trình làm bạn cùng con.
Đừng quên ôm con hàng ngày
Có một thực tế rằng, càng ngày càng có rất ít cha mẹ bày tỏ tình cảm với con cái một cách rõ ràng và điển hình ở đây là những cái ôm. Vì thế, cách làm bạn cùng con cuối cùng mà Mẹ và Con muốn chia sẻ đến bạn đó cách xây dựng một sự gắn kết cao hơn – một cái ôm.
Khi bạn ôm con vào lòng một cách dịu dàng và đầy ấm áp hàng triệu đầu dây thần kinh sẽ gửi thông điệp đến não và hàng loạt các chất hóa học được giải phóng để giúp con cảm thấy khỏe khoắn cả về thể chất lẫn tinh thần. Các nhà nghiên cứu nói rằng, cha mẹ ôm con ít nhất 6 lần/ngày có thể kéo dài thêm vài tháng hoặc thậm chí vài năm tuổi thọ của trẻ.
Làm bạn cùng con là một hành trình dài và đầy ắp thử thách. Tuy nhiên, bạn chắc chắn sẽ làm được để con có cơ hội phát triển toàn diện, ngăn ngừa những bi kịch có thể xảy ra cho gia đình. Hãy bắt đầu ngay từ hôm nay để chúng ta không bao giờ phải nói “giá như”, bạn nhé!