Mẹ và Con - Một số phụ nữ sau khi sinh con thường xuyên có những cảm xúc tiêu cực, luôn cảm thấy buồn phiền, chán nản, mệt mỏi hay dễ tức giận, tủi thân. Đó có thể là do bạn đã gặp phải hội chứng trầm cảm sau sinh nhưng đó cũng có thể là tình trạng Baby Blues.

Vậy Baby Blues là gì? Liệu tình trạng này có khác gì so với hội chứng trầm cảm sau sinh? Liệu phụ nữ sau khi sinh rơi vào tình trạng Baby Blues có ảnh hưởng gì về sức khỏe hay không? Hãy theo chân Tạp chí Mẹ và Con tìm lời giải đáp từ các chuyên gia nhé!

hội chứng baby blues

Hội chứng Baby Blues ở phụ nữ sau sinh

Baby Blues là gì?

Theo thống kê, có đến khoảng 80% các bà mẹ sau sinh gặp phải hội chứng này. Đây là hội chứng mẹ có những cảm xúc căng thẳng, lo âu, buồn bã sau khi sinh. Tuy nhiên, những cảm xúc này chỉ có trong một khoảng thời gian ngắn mà thôi. Vì vậy, có thể hiểu đơn giản Baby Blues là hiện tượng giảm tâm trạng ngắn hạn ở phụ nữ khi trải qua kỳ sinh nở.

Không có một mốc thời gian chính xác thời điểm nào sau sinh bạn sẽ mắc phải hội chứng này. Có thể là một vài ngày hoặc một tuần, cũng có thể ngay lập tức nếu bạn gặp phải khó khăn trong quá trình sinh con của mình. Tình trạng này sẽ bắt đầu đỡ hơn và thuyên giảm dần đi khi bé được 1 – 2 tuần tuổi.

Nguyên nhân gây ra hội chứng Baby Blues

Hiện nay, chưa có các thông tin chính xác về nguyên nhân gây ra hội chứng này. Tuy nhiên, theo nghiên cứu và chẩn đoán từ các bác sĩ sản khoa, các chuyên gia tâm lý hàng đầu thì hội chứng này được gây nên do những biến động trong cơ thể người mẹ. Cụ thể, sau khi sinh xong, cơ thể buộc phải có những thay đổi nội tiết tố để phục hồi cơ thể, giúp mẹ thu nhỏ tử cung về kích thước bình thường, kích thích tuyến sữa hoạt động… Những thay đổi này đã vô tình ảnh hưởng đến tâm lý của các mẹ bỉm sau sinh.

Hơn nữa, hậu thai sản là một thời kỳ mà mẹ vô cùng bận rộn khi phải chăm con. Thậm chí, mẹ còn phải thức khuya, tỉnh giấc giữa đêm để cho con bú, ru con ngủ. Trong giai đoạn này, mẹ cũng cần thích nghi với những thói quen sinh hoạt mới để phù hợp hơn với con. Tất cả những yếu tố này đã khiến tâm trạng của mẹ xuống dốc và trở nên tiêu cực hơn.

baby blues

Các triệu chứng

Tùy người mà các triệu chứng của hội chứng Baby Blues có thể khác nhau. Có người sẽ có toàn bộ tất cả các triệu chứng nhưng có người chỉ mắc phải 2-3 dấu hiệu mà thôi. Cụ thể các dấu hiệu của hội chứng này như sau:

  • Thường xuyên muốn khóc hoặc khóc mà không rõ nguyên nhân
  • Bị rối loạn lo âu
  • Tâm trạng bất thường
  • Hay cáu kỉnh, tức giận, khó chịu
  • Thường xuyên trong tình trạng buồn chán
  • Cảm thấy lo lắng, mệt mỏi, bồn chồn
  • Mất ngủ, ngủ không ngon giấc
  • Gặp khó khăn khi đưa ra quyết định

Hội chứng trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh là rối loạn về sức khỏe tâm thần mà mẹ bỉm có thể gặp phải trong suốt 1 năm đầu đời của bé, đặc biệt nhất là 3 tuần đầu tiên sau khi sinh. Trầm cảm sau sinh có thể gặp phải ở những bà mẹ sinh con lần đầu, hoặc cả những bà mẹ đã sinh con lần 2, lần 3. Khi bị trầm cảm sau sinh, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán nản, tâm trạng bất thường giống như khi mắc phải hội chứng Baby Blues. Tuy nhiên, cảm giác lúc này thường tồi tệ hơn vì bạn cảm thấy mình không phải là một người mẹ tốt, không lo được cho con, muốn tự tử, thậm chí là tự tử cùng con.

trầm cảm sau sinh

Hội chứng trầm cảm và Baby Blues khác nhau như thế nào?

Để so sánh, phân biệt giữa hai hội chứng tâm lý mà các mẹ bỉm có thể phải đối mặt sau khi con chào đời, bạn có thể dựa theo 2 yếu tố sau đây: Mốc thời gian và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Mốc thời gian

Trầm cảm sau sinh có thể xuất hiện chậm, sau khi bạn sinh con khoảng 2-3 tháng và kéo dài suốt một khoảng thời gian dài, thậm chí là nhiều năm nếu như không điều trị dứt điểm. Ngược lại, người mắc hội chứng Baby Blues chỉ cảm thấy những cảm xúc tiêu cực này trong khoảng 2 tuần đầu sau sinh. Những cảm xúc này cũng đến rất nhanh, chỉ trong vài ngày đầu tiên sau khi sinh con mà thôi.

Vì vậy, nếu đã qua 2 tuần đầu tiên đón con chào đời nhưng tâm trạng của mẹ vẫn chưa được cải thiện, cần tìm đến các chuyên gia tâm lý để được chẩn đoán vì đây là dấu hiệu của hội chứng trầm cảm sau sinh.

Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng

Để xem xét, đánh giá xem bạn đang mắc phải hội chứng Baby Blues hay trầm cảm, có thể dựa trên mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng mà bạn gặp phải. Cụ thể, người bị trầm cảm sau sinh sẽ có những diễn biến tâm lý phức tạp hơn, cuộc sống tiêu cực hơn rất nhiều.

trầm cảm

Phải làm sao để điều trị hội chứng Baby Blues?

Có thể nói, hội chứng này có thể tự hết sau một khoảng thời gian, khi bạn đã có thể điều chỉnh được các thói quen của mình, thích nghi với cuộc sống của một bà mẹ bỉm sữa. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, người mắc hội chứng giảm tâm trạng ngắn hạn sau khi sinh cũng có thể bỗng dưng chuyển sang người bị trầm cảm sau sinh nếu bạn không thể thích nghi với vai trò mới của mình.

Vì vậy, hai tuần đầu tiên sau khi sinh là một khoảng thời gian vô cùng quan trọng. Để có thể nhanh khỏi hơn và không để mọi thứ trở nên nghiêm trọng hơn, có thể áp dụng một số mẹo sau đây:

  • Nhờ sự giúp đỡ của người thân: Nhiều mẹ bỉm sau khi sinh xong, dù đang rơi vào hội chứng Baby Blues nhưng vẫn cố gắng làm mọi thứ một mình. Việc cố gắng ôm đồm quá nhiều thứ trên thực tế có thể khiến bạn cảm thấy choáng ngợp với cuộc sống của một bà mẹ bỉm sữa. Từ đó bạn sẽ luôn có cảm giác mệt mỏi, áp lực. Bạn có thể nhờ người thân nấu ăn, trông con 1 lúc, giặt giũ… chẳng hạn.
  • Ngủ càng nhiều càng tốt: Ngủ được xem là liều thuốc để giúp bạn tái tạo năng lượng, tránh kiệt sức. Vì thế, nếu cảm thấy mệt, hãy ngủ trước rồi làm việc nhà sau thay vì cố gắng để hoàn thành xong hết tất cả các việc bạn nhé!
  • Ăn uống đầy đủ: Ăn uống đầy đủ không chỉ giúp bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể mà còn giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn vì được ăn các món mình thích.
  • Nói chuyện và chia sẻ: Không nhất thiết bạn phải nói chuyện với các chuyên gia tâm lý. Chỉ cần chia sẻ cảm xúc, tâm trạng với những người mà bạn cảm thấy tin tưởng như chồng, mẹ đẻ, anh chị em trong gia đình hay bạn thân của mình. Việc được nói ra nỗi lòng sẽ giúp bạn giải tỏa căng thẳng, giảm cảm giác buồn chán và áp lực trong hành trình trở thành một người mẹ.
  • Làm những điều mà mình yêu thích: Một bà mẹ bỉm sữa thường bị cấm không làm điều này, nên kiêng cử điều khác. Điều này sẽ ức chế tinh thần của bạn, khiến bạn càng thấy ức chế với việc làm mẹ mà thôi. Vì thế, việc giữ các sở thích cá nhân cũng là một giải pháp hiệu quả để xua đi tâm trạng tồi tệ của bạn.
  • Chuẩn bị thật kỹ trước khi sinh: Bạn có thể mắc hội chứng Baby Blues nếu gặp các khó khăn trong quá trình sinh nở của mình. Vì thế, để mẹ tròn con vuông, mọi thứ diễn ra suôn sẻ hơn, bạn có thể chuẩn bị thật kỹ tâm lý trước khi sinh. Hãy tìm hiểu quá trình sinh nở sẽ ra sao, cần chuẩn bị gì trước khi sinh, cách rặn và thở khi sinh, cách chăm sóc trẻ sơ sinh… Những việc này có thể giúp bạn có tâm lý tự tin hơn khi bước vào phòng sinh, không còn lo lắng mình khó sinh nữa.

mẹ và bé

Phụ nữ trải qua quá trình sinh nở không chỉ đau về mặt thể xác mà còn có nhiều ảnh hưởng về khía cạnh cảm xúc, tinh thần, mà hội chứng Baby Blues là một ví dụ điển hình cho điều này. Tạp chí Mẹ và Con thân chúc bạn có thể vượt qua được giai đoạn tiêu cực này và có một cuộc sống hạnh phúc bên cạnh thiên thần nhỏ! 

Bài viết liên quan