Kinh nguyệt ra ít có phải mang thai không?
Bình thường, một chu kỳ kinh nguyệt sẽ kéo dài trong vòng 3-7 ngày và lượng máu mất đi trung bình là 40-80ml. Kinh nguyệt ra ít là khi lượng máu mất đi ít hơn 20ml trong cả chu kỳ và chu kỳ chỉ kéo dài trong 3 ngày hoặc ít hơn. Lúc này, máu kinh nguyệt sẽ có màu đỏ thẫm, kèm theo dịch nhầy ở cổ tử cung, một số mảng bong tróc ở niêm mạc và có xuất hiện máu cục.
Trong trường hợp, máu ra ít, có màu nâu hay hồng phớt, chỉ nhỏ vài giọt (hoặc nhiều hơn tùy trường hợp) với lượng đều nhau mỗi ngày, không kèm dịch nhầy hay vón cục thì rất có thể bạn đã mang thai. Đặc biệt, với những phụ nữ vừa quan hệ trước đó vài ngày nhưng không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào thì đây chính là máu báo.
Muốn biết kết quả chính xác hơn, bạn có thể sử dụng que thử thai để kiểm tra hoặc đến các trung tâm y tế để tiến hành xét nghiệm.
Sở dĩ mang thai có xuất hiện máu báo là do trong quá trình làm tổ của phôi thai khiến màng tử cung bong tróc gây ra xuất huyết âm đạo nhẹ. Điều này là hoàn toàn bình thường, bạn không cần phải quá lo lắng.
Kinh nguyệt ra ít có phải mang thai không? (Ảnh minh họa)
Kinh nguyệt ra ít có thể cảnh báo tình trạng sức khỏe
Nếu loại bỏ khả năng mang thai, kinh nguyệt ra ít có thể cảnh báo những tình trạng sức khỏe của bạn như:
Bạn đang mắc phải một số bệnh phụ khoa làm kinh nguyệt ít dần như suy buồng trứng sớm, u xơ cổ tử cung, u xơ tử cung…
Lớp nội mạc tử cung của bạn quá mỏng khiến kinh nguyệt ít dần, chậm kinh, thậm chí vô kinh với một số chị em.
Bạn bị rối loạn kinh nguyệt do chế độ ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi chưa khoa học, có sự thay đổi thất thường; hoặc do bạn đang trong độ tuổi dậy thì có buồng trứng, tử cung hoạt động chưa được ổn định; hay do tâm lý không ổn định, bất an, thậm chí là tiêu cực, thường xuyên nóng giận, buồn bực vô cớ, cơ thể mệt mỏi, thần kinh căng thẳng…
Làm gì để khắc phục hiện tượng kinh nguyệt ra ít?
Trường hợp kinh nguyệt ra ít kèm theo biểu hiện đau bụng kinh, rối loạn kinh nguyệt, khí hư bất thường… bạn cần đến thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Bạn tránh tự ý mua thuốc điều trị tại nhà khi chưa có hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ.
Nếu bạn chỉ bị kinh nguyệt ít và không kèm theo bất cứ một biểu hiện lâm sàng khác thì không cần phải quá lo lắng. Bạn chỉ cần chú ý xây dựng đời sống tinh thần thoải mái, chế độ ăn uống – nghỉ ngơi – sinh hoạt lành mạnh, hợp lý thì cơ thể sẽ tự khắc phục dần tình trạng này.
Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý vệ sinh vùng kín đúng cách để phòng tránh viêm nhiễm đường sinh dục và các bệnh phụ khoa nguy hiểm khác. Trong những ngày hành kinh, bạn cần thay thay băng vệ sinh thường xuyên (4 – 6 giờ thay một lần).
Qua bài viết trên, hy vọng thắc mắc kinh nguyệt ít có phải mang thai không của bạn đã được giải đáp phần nào. Chúc các bạn luôn khỏe!