Trong các nguyên nhân hiếm muộn nữ, đến một phần ba trường hợp liên quan đến ống dẫn trứng. Vốn dĩ, vòi trứng là ống dẫn noãn từ buồng trứng tới tử cung, có một đầu hở mở vào ổ bụng để đón noãn còn đầu kia thông với buồng tử cung. Noãn và tinh trùng sẽ kết hợp tại vòi trứng tạo thành trứng đã thụ tinh, sau đó mới di chuyển vào buồng tử cung và làm tổ.
Vòi trứng dài 10-12cm, gồm bốn đoạn là đoạn kẽ (nằm trong thành tử cung), đoạn eo, đoạn bóng và đoạn loa. Đoạn loa tỏa ra như hình phễu, có độ 10-12 tua, mỗi tua dài 1-1,5 cm, có tác dụng đón bắt noãn. Vì một nguyên nhân nào đó, biến chứng xảy ra, khiến các ống dẫn này bị cản trở, bịt kín. Việc thụ thai trở nên rất khó khăn, và khiến giấc mơ làm mẹ của bạn cũng trở nên vô cùng chật vật.
Điều này có nghiêm trọng không?
Rất tiếc, nhưng câu trả lời là có đấy. Cơ quan sinh sản của nữ bao gồm tử cung và hai buồng trứng. Trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt trứng sẽ được sản sinh và rụng từ một trong hai buồng trứng của cơ thể. Vì vậy, nếu bạn chỉ bị tắc một bên ống dẫn trứng thì chưa quá mức lo, vì buồng trứng còn lại cũng như ống dẫn trứng còn lại vẫn có thể “chạy tốt” để bù trừ. Nhưng sẽ là nghiêm trọng nếu bạn bị tắc cả hai bên.
Như đã biết, vòi trứng có chức năng rất quan trọng trong quá trình thụ tinh. Vòi trứng cần phải thông, phải mềm mại để đón bắt noãn, di chuyển noãn, tinh trùng và trứng đã thụ tinh vào buồng tử cung. Vòi trứng bị tắc, dính cả hai bên thì việc mang thai của bạn coi như cũng bị “tắc” theo ở đó. Bạn tự hỏi: Tại sao tôi lại bị như thế, có phải là do bẩm sinh không, có thể cứu vãn gì không?
Thực tế, nguyên nhân tắc ống dẫn trứng đa phần là từ việc viêm nhiễm vùng chậu, giữ vệ sinh không đúng. Một nguyên nhân khác là từng có xảy ra tình trạng điều hòa kinh nguyệt, nạo hút thai trước đó rồi. Chính những quá trình này rất dễ khiến xảy ra tình trạng tắc. Để chẩn đoán chính xác mức độ nghiêm trọng, bạn cần đến bệnh viện phụ sản, để được bác sĩ chuyên khoa thực hiện việc chụp tử cung – vòi trứng cản quang.
Các viêm nhiễm sinh dục do một số tác nhân như nấm Chlamydia với mức độ nhiều và kéo dài là nguyên nhân trực tiếp gây viêm dính là tắc nghẽn sự thông thương của ống dẫn trứng.
Điều trị vô sinh do tắc ống dẫn trứng rất phức tạp, tốn kém và ít có hiệu quả. Điều trị nội khoa chỉ có thể giải quyết 8-10% trường hợp, số còn lại cần thiết phải điều trị phẫu thuật. Những phương pháp điều trị phẫu thuật vòi trứng có tỷ lệ thành công chỉ khoảng 30%.
Hi vọng nào cho bạn?
Khi đã xác định được việc tắc ống dẫn trứng, bạn phải chuẩn bị tinh thần cho một quá trình điều trị lâu dài. Thứ nhất, nếu bạn rơi vào mức độ nhẹ, tức là tai vòi dính ít, còn di động thì bác sĩ sẽ nghĩ đến giải pháp tái tạo vòi trứng và kiểm tra lại khả năng thông ống. Để thực hiện việc này, bác sĩ sẽ đề nghị mổ nội soi, vi phẫu nhằm giúp gỡ dính các tổn thương dính sau khi bị viêm nhiễm, mở thông tai vòi và tái tạo loa vòi. Cách làm này thường thành công khi tắc ở đoạn xa và sẽ giúp bạn có khả năng có thai lại sau khi mở thông, tái tạo.
Tuy nhiên, trong trường hợp tổn thương quá nặng, bạn sẽ được khuyến cáo kẹp đốt hay cắt luôn hai tai vòi để giảm nguy cơ thai ngoài tử cung khi thụ tinh ống nghiệm. Sau đó, giải pháp cho bạn chính là thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Trong trường hợp bạn đã quá tuổi sinh sản hay không muốn có con thì không cần thiết phải điều trị bằng phẫu thuật vì việc này không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.
Có một điều quan trọng bạn cần lưu ý là khi đã đi khám và biết chắc bị tắc vòi trứng thì bạn phải hết sức giữ gìn, thực hiện các biện pháp tránh thai như dùng condom (cho chồng) hoặc uống thuốc ngừa thai (cho vợ). Bạn thắc mắc: Tại sao đã bảo tắc ống dẫn trứng thì rất khó có thể có thai, thậm chí không thể có thai mà lại còn phải… phòng tránh thai làm gì? Câu trả lời là, trong thời gian chữa trị chưa xong mà vẫn gần gũi chăn gối không phòng tránh thì sẽ rất dễ xảy ra hiện tượng có thai ngoài dạ con. Bạn hình dung như thế này: Vòi trứng là “cửa” để trứng đã được thụ tinh đi vào dạ con. Khi “cửa” này bị đóng, trứng có thể lang thang tìm một nơi khác để… dừng chân lại. Khi việc thụ thai xảy ra nhưng lại ở vị trí ngoài dạ con thì sẽ gây ảnh hưởng nặng nề cho thai phụ, thậm chí gây tử vong nếu không phát hiện kịp thời để vỡ ra.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thành
(BV Đại học Y Dược)
NGĂN NGỪA “TẮC” TỪ BAN ĐẦU
Giữ vệ sinh sạch sẽ
Những ngày có tháng, cần giữ gìn vệ sinh thật chu đáo, đừng lơ là cho có chuyện. Bình thường cũng vậy, bạn cần rửa sạch vùng kín trước và sau mỗi lần gần gũi vợ chồng, sau khi đi vệ sinh. Không dùng khăn giấy để lau chùi sơ vì giấy không đủ sức để mang đến sự an toàn tối đa cho bạn được.
Tuyệt đối không nạo phá thai
Nếu chưa muốn có con, hãy sử dụng các biện pháp an toàn ngay từ đầu. Chỉ cần một lần nạo phá thai cũng đã có thể là nguyên nhân dẫn đến việc bạn tắc cả hai vòi trứng. Quá trình nạo phá thai có thể gây tổn thương bên trong, cũng có thể khiến nguy cơ nhiễm khuẩn trở nên cao hơn khi đưa các dụng cụ vào bên trong cơ thể.