“Nó không phải con tôi?” Câu thốt lên lạnh lùng của anh Khang trong cuộc tranh cãi khiến cả vợ lẫn cô con riêng 10 tuổi của vợ sừng người. Dù sống chung dưới một mái nhà, dù bao nhiêu nỗ lực được thực hiện nhằm gắn kết các thành viên với nhau, nhưng rõ ràng vấn đề “con anh con em con chúng ta” là một điều hoàn toàn không dễ xóa.
Sẽ thương con riêng như… con của chúng ta
“Nếu ai đó tưởng rằng có thể tin vào những lời hứa hẹn anh (em) sẽ yêu thương con riêng của em (anh) như con của chúng ta thì tôi khẳng định là cần phải… thận trọng khi đặt niềm tin như thế” – Chị Lương thở dài, cố nở nụ cười chua chát.
Lập gia đình muộn, tận năm 33 tuổi mới có chồng. Khám hiếm muộn thì bác sĩ bảo sẽ rất khó có con vì chị bị buồng trứng đa nang. Chị Lương tự an ủi mình rằng: “Thôi, không có con thì thương con riêng của chồng như con mình vậy. Con bé mới 6 tuổi, mình xem nó như con ruột, chẳng lẽ nó không thương mình?”
Nhưng quả là mọi thứ không hề dễ dàng như chị “tin tưởng” lúc ban đầu. Cái ý niệm con riêng là một điều gì đó đã ám ảnh, ăn sâu vào lòng mỗi thành viên trong họ tộc từ rất lâu đời. Cho dù chị M có nỗ lực đến mức nào để xem con riêng của chồng như con riêng của mình thì bà con, họ hàng của chồng vẫn không tin điều đó được.
Mỗi lần bé Thảo (con riêng của chồng) về thăm ông bà nội và các cô, các chú, các bác là mọi người lại xúm vào, xét hỏi con bé. Nào là: “Ở nhà má hai có… cho con ăn đầy đủ không?”, “má hai có đánh con không?”, thậm chí “con đừng sợ, nếu má hai dám làm gì con thì nhớ méc với cô để cô biết, chứ đừng im luôn nghen”.
Chính những câu nói tưởng chừng xuất phát từ động cơ “quan tâm”, “tốt bụng” này càng lúc càng khiến chị M nản lòng hơn. Cả bé Thảo cũng vậy. Thay vì ngoan ngoãn vâng lời, con bé dần… đề phòng, dè chừng và ghi nhớ rất rõ ràng những lần la mắng của chị M dù chỉ là những lời la mắng thông thường để về nhà méc lại với bên nhà nội.
Ngược lại với chị Lương, chị Dư Bách vợ anh Khanh – nhân vật được nhắc đến ở đầu bài, có con riêng lại là con chị Bách. “Tôi vì một lần lầm lỡ thời con gái, mang thai mà không cho cháu được một người cha. Biết thân biết phận, tôi chẳng dám mong gì hơn. Quanh năm suốt tháng chăm chỉ làm việc, tự gây dựng nên cuộc sống tương đối ấm êm cho hai mẹ con.
Nhưng rồi anh xuất hiện. Biết trước có con riêng là một rào cản lớn, sợ con khổ với cha dượng nên tôi cố lảng tránh, che giấu tình cảm của mình. Song, như là có duyên với nhau, nên chỉ sau một năm là chúng tôi lại về chung một mái nhà”.
Những tưởng hạnh phúc đã mỉm cười sau cả chục năm cay cực, nhưng không! Lúc vui vẻ thì không nói làm gì. Những hễ có chuyện, vợ chồng lục đục cãi nhau là cái chuyện “con anh con em con chúng ta” lại được lôi ra làm đề tài trước tiên.
Như chuyên lần này, đơn giản là anh muốn mua chiếc tivi mới nhưng chị lại hết lời cản vì cho rằng chưa cần thiết, phải tiết kiệm dành dụm để còn lo cho con đi học. Nói tới nói lui một hồi, tức khí. Thế là cái câu “Nó đâu phải con tôi?” buột miệng thốt ra làm chết điếng cả mẹ con chị Bách.
Đau đầu chuyện “con anh con em con chúng ta”. (Ảnh minh họa)
Hai chữ “con riêng” như một vết thương mưng mủ, chỉ tạm lành miệng để đấy. Và nếu không thận trọng trong đời sống gia đình, thì nó có thể nứt toác ra, làm tổn thương mọi thành viên bất cứ lúc nào.
Nhưng rõ ràng, cũng có những người rất thương con riêng của vợ/ chồng. Như anh Chiến là một ví dụ. Anh hay đưa con riêng của vợ đi mua đồ chơi, đi ăn kem, đi nhà sách… nhưng thực tế vợ anh thay vì hạnh phúc lại có phần… lo lắng. Chị sợ sau này con gái và bố dượng sẽ xảy ra những trường hợp ấu dâm như hàng ngày báo chí vẫn nhắc đến nhan nhản.
Rõ ràng, cho dù người trong cuộc có thương đứa trẻ đến mức nào thì chuyện con riêng với con ruột vẫn có một khoảng cách khá lớn. Để xóa nhòa chuyện này không phải dễ dàng.
Lời nói không là dao, nhưng nó có thể giết chết trái tim một con người. Dẫu biết vẫn đề “con anh con em con chúng ta” không thể hòa thuận một sớm một chiều… Thế nhưng, những lúc trong đầu chớm xuất hiện suy nghĩ này, bạn hãy nhớ lại ngày xưa khi quyết định gắn kết với người bạn đời. Đã biết họ có con riêng, và vẫn đồng ý chập nhận tiến tới hôn nhân thì khi tiến tới hôn nhân, bạn đừng nên phân biệt “con anh con em con chúng ta”. Nên có cái nhìn thật toàn diện và bao dung.
Đừng đánh giá hoặc ghét bỏ trẻ, chỉ qua một vài hành động nhỏ. Bởi vì dù đây là một việc khó khăn, nhưng bạn đã chọn và bạn phải đi đến cùng. Chồng/ vợ bạn không thể mặc kệ đứa con riêng của họ được. Bạn không muốn gia đình mình tan vỡ chỉ vì bạn không thể hòa hợp cùng con riêng của cô ấy/ anh ấy chứ?