Mẹ&Con - Lấy chồng xa, những lúc uất ức, buồn tủi Vân chỉ còn biết tự gặm nhấm một mình. Cái cảnh ngồi bó gối trong căn phòng tối khóc một mình mới day dứt làm sao... Ứa nước mắt vì lấy chồng xa không được về quê ăn Tết Nếu có kiếp sau con nhất định không lấy chồng xa Tâm lý phụ nữ khi chồng xa nhà

Có con mà gả chồng xa…
Có con mà gả chồng gần
Có bát canh cần nó cũng đem cho
Có con mà gả chồng xa
Trước là mất giỗ sau là mất con

Vậy là đã 4 năm kể từ khi Vân lên xe hoa theo chồng. Ngày ấy, Vân yêu chồng mãnh liệt lắm, mãnh liệt đến nỗi cô từ bỏ cả gia đình để đi theo tiếng gọi con tim mặc cho mẹ khóc lóc, ba đánh mắng, anh chị em hết mực khuyên can…

Chồng Vân tốt, nhưng chỉ có điều nhà anh xa quá. Đi xe tốc hành từ nhà anh xuống nhà Vân cũng mất cả ngày đường. Mỗi lần anh từ Gia Lai xuống thăm Vân, hay mỗi Vân từ Cà Mau trốn lên thăm anh họ cứ phải tính toán sao để mua vé xe từ lúc trời nhá nhem tối. Lên xe, đặt mình xuống ghế mơ một giấc mơ dài. Trải qua bao nhiêu trạm dừng, bao nhiêu cung đường nhấp nhô, khói bụi đến khi ánh nắng chiếu vào mặt gay gắt, bừng tỉnh mở mắt ra mới gặp được người mình thương yêu.

Nếu anh ở gần hơn, chắc có lẽ mối lương duyên của họ đã không bị cả gia đình Vân quyết liệt phản đối như vậy.

Thế nhưng suy nghĩ của những người trẻ tuổi khác với suy nghĩ của những bậc cha chú nhiều lắm. Vân đưa ra hàng loạt lý do, thuyết phục ba mẹ cho cái sự lấy chồng xa của mình. Từ việc cô được lòng ba mẹ chồng, khỏi sợ cảnh mẹ chồng nàng dâu đến việc đường xá, xe cộ giờ đổi thay nhiều lắm, đi xa không sợ say xe, không sợ tốn kém, lại còn được ngủ điều hòa mát lạnh, mở mắt sau đêm dài là tới nhà mình….

Ừ thì lý lẽ của Vân nghe hợp tình hợp lý lắm, nhưng kinh nghiệm mấy chục năm sống trên đời của người lớn tuổi chẳng sai bao giờ. Những phút giây hào hứng ban đầu của hôn nhân dần lụi tắt đi theo năm tháng, để lại cho Vân quãng thời gian dài dằng dặc sống cảnh lấy chồng xa buồn tủi trăm bề…

Lấy chồng xa, đồng nghĩa với việc xác định người yêu thương, kề cận bên mình chỉ có người đàn ông duy nhất được gọi là chồng mà thôi. Nhưng đời sống vợ chồng thì đâu phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Những lúc cãi vã, giận hờn muốn tìm một nơi để trốn cũng khó vì chẳng quen biết ai. Ở nhà toàn là bố mẹ, anh em chồng. Hàng xóm cũng toàn bà con, họ hàng chồng…

Vậy nên vợ chồng có giận nhau, Vân chỉ còn cách cố gắng chịu đựng. Giá mà lúc này có ba mẹ, anh chị em thì hay biết bao. Vân sẽ chạy thật nhanh về nhà “ăn vạ”, “méc tội” người làm tổn thương cô. Đằng này vì lấy chồng xa, những lúc uất ức, buồn tủi Vân chỉ còn biết tự gặm nhấm một mình. Cái cảnh ngồi bó gối trong căn phòng tối khóc một mình mới day dứt làm sao.

Có con mà gả chồng xa... 4

Có con mà gả chồng xa… (Ảnh minh họa)

Rồi Vân mang bầu, sức khỏe yếu nên cô phải nghỉ việc ở nhà tĩnh dưỡng. Vân nghén, cô thèm ăn thịt kho cháy cạnh mẹ vẫn hay làm, thèm uống nước trái cây ba ngâm từ những quả mơ chín… Chỉ thèm những thứ đơn giản thế thôi có mơ cô cũng không có được. Thậm chí có tiền Vân cũng chẳng thể mua được đúng hương vị mà cô đã quen thuộc đến hàng chục năm qua.

Cảnh lấy chồng xa cực khổ nhất là thời gian sinh em bé. Mười giờ đêm đau bụng, mẹ chồng ốm nên dù chuyển dạ, Vân cũng phải tự tay xác nách mang, bắt xe tới bệnh viện một mình. Người khác vào phòng mổ khóc vì sợ đau, Vân khóc vì bao nhiêu cay đắng, tủi thân dâng trào. Cũng may ở bệnh viện có mấy người là bác sĩ bạn chồng, trong lúc anh chưa kịp về bên vợ vì bận say xỉn thì mỗi người một tay giúp cô làm thủ tục, đút từng muỗng cháo cho qua cơn đói cồn cào ruột gan…

Sinh con so, mấy người có kinh nghiệm chăm sóc, Vân cũng không ngoại lệ. Mỗi ngày, Vân chỉ ước giá mình có 48 tiếng đồng hồ để chăm con, dỗ con khóc, ru con ngủ… Chồng thì vụng về, mẹ chồng thì đau ốm… Vân là gái đẻ đấy, nhưng chẳng nề hà, kiêng cữ gì từ cơm nước chợ búa đến giặt giũ, nấu nướng.

Bố mẹ Vân lên thăm con gái, ông bà đều là công nhân viên chức nên chỉ tranh thủ được hai ngày cuối tuần. Cả đi, cả về cũng mất cả ngày đường. Gặp con, nấu cho con bữa cơm, giặt cho con bộ quần áo, ẵm cháu ngoại vừa quen hơi cũng là lúc ông bà phải gạt nước mắt leo lên xe, ra về cho kịp giờ làm buổi sáng đầu tuần hôm sau.

Đấy là lúc con cái khỏe mạnh chứ lúc con cái ốm đau, bệnh tật… Vân chỉ muốn bỏ hết tất cả, xách va li hai mẹ con ôm nhau về với ba mẹ ruột mà thôi.

Lấy chồng xa, việc báo đáp cha mẹ xa vời quá. Có miếng ăn ngon, muốn gắp về cho mẹ cũng lực bất tòng tâm, có chai rượu quý, muốn biếu ba cũng “dở đi mắc núi dở lại mắc sông”. Nhớ mẹ, Vân điện thoại về cho bà. Dù thiết bị công nghệ điện tử hiện đại đến mấy, mạng internet mạnh đến đâu thì việc chỉ nhìn thấy nụ cười của ông bà qua màn ảnh nhỏ cũng khiến cô quặn thắt cõi lòng. Nhất là những lúc ba mẹ già đau yếu, Vân chỉ sợ khi cô về được tới nhà thì bóng người đã khuất sau dãy núi mờ xa.

Cảnh lấy chồng xa, chọn được người tốt bụng, gia đình tử tế như Vân còn thấy tủi thân. Chứ đã lấy chồng xa, rủi phận “vớ” phải ông chồng bội bạc, nhà chồng hạch sách… chỉ nghĩ thôi nước mắt Vân cũng ứa hai hàng dài.

Nhiều lúc Vân tâm sự nửa đùa nửa thật với mẹ. Cô bảo “Hay con bỏ về ở với mẹ nhé?” Bà lại thở dài. “Con gái lấy chồng là con nhà người ta. Có ở gần ba, gần mẹ thì lâu lâu khó khăn ba mẹ chạy qua chạy lại đỡ đần chút ít. Con gái lấy chồng xa, tự mình quyết định thì tự mình chịu khổ. Mẹ cũng buồn lắm, muốn giúp lắm nhưng ngàn dặm xa cách biết mấy hồi được gặp nhau?”

Quả thực nếu nói tình yêu là mù quáng, thì chỉ đến khi lấy nhau về người ta mới… sáng mắt ra – nhất là tình yêu cuồng nhiệt của tuổi trẻ. Tuổi trẻ thông minh, tuổi trẻ nhiệt huyết, tuổi trẻ xinh đẹp… Khi chúng ta trẻ chúng ta có tất cả mọi thứ, chỉ trừ một thứ duy nhất đó là trải nghiệm cuộc sống. Những thứ này khi người ta trẻ, người ta không thể nào có cái nhìn sâu sắc. Chỉ khi chính bản thân họ trải qua họ mới tin, mới thấm thía nhưng “ván đã đóng thuyền”, tất cả đã quá muộn.

Nếu có kiếp sau hẳn nhiều người sẽ tự nhắc mình: Má ơi đừng gả con xa. Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu”!

Tags:

Bài viết liên quan