Bầu biết gì về bệnh thủy đậu?
Thủy đậu dân gian vẫn thường gọi là trái rạ, bệnh lây lan qua đường hô hấp hoặc do trực tiếp nhiễm Varicella zoster virus (VZV), thường gặp ở trẻ em. Thời gian ủ bệnh khoảng 2 tuần.
Ban đầu, bệnh sẽ có những triệu chứng như bầu sẽ bị sốt, cơ thể mệt mỏi, nổi bọng nước toàn thân, kích thước bọng nước từ 2-5mm.
Các nghiên cứu dịch tễ học được thực hiện tại Anh và Mỹ ghi nhận có khoảng 3/1000 mẹ bầu mắc thủy đậu trong thai kỳ. Mỗi năm, ở Mỹ có khoảng 3 triệu thai phụ, như vậy sẽ có khoảng 9000 trường hợp bị thủy đậu mỗi năm.
Theo nhiều nghiên cứu khác, tần suất nhiễm thủy đậu nguyên phát ở phụ nữ mang thai chỉ khoảng 5/10.000 – 7/10000, vì đa phần mẹ bầu đều bị nhiễm thủy đậu từ khi còn nhỏ và đã được chủng ngừa trước đó.
Theo thống kê có khoảng 90% trẻ dưới 10 tuổi bị bệnh thủy đậu, trong đó tỷ lệ tử vong khoảng 1/50.000 trường hợp được ghi nhận tại Mỹ.
Thủy đậu là loại bệnh khá phổ biến mà các mẹ bầu có thể gặp phải trong thai kỳ – Ảnh minh họa
Thủy đậu gây hại gì cho mẹ bầu và thai nhi?
Trên thực tế bệnh thủy đậu khá lành với trẻ nhỏ và cả người lớn. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu bị thủy đậu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tiềm ẩn những mối nguy đối với thai về sau.
Với những mẹ bầu đã chủng ngừa, hay từng bị thủy đậu khi còn nhỏ thì cơ thể đã miễn dịch với bệnh này, hoặc có kháng thể chống lại bệnh. Nên trong thời gian mang thai, nếu bị thủy đậu bầu không nên quá lo lắng về những biến chứng của thủy đậu cho cả mẹ và con.
Theo thống kê thì có khoảng 10-20% mẹ bầu bị thủy đậu có nguy cơ bị viêm phổi do virus varicella, trong đó khoảng 40% người bị tử vong khi bị viêm phổi do virus này gây ra.
Với những mẹ bầu bị bệnh thủy đậu lần đầu tiên, tùy vào từng giai đoạn thai kỳ mà mức độ ảnh hưởng đến thai nhi cũng khác nhau, cụ thể:
Trong tam cá nguyệt đầu tiên, đặc biệt là từ tuần 8-12 của thai kỳ, giai đoạn này nguy cơ thai nhi bị Hội chứng thủy đậu bẩm sinh khoảng 0,4%. Với các biểu hiện ban đầu như sẹo ở da, đầu to, bệnh lý võng mạc, đục thủy tinh thể, nhẹ cân, tay chân ngắn, chậm phát triển về tâm thần.
Nếu bị thủy đậu ở tam cá nguyệt thứ hai, nguy hiểm là từ tuần 13-20 của thai kỳ. Giai đoạn này, nguy cơ thai nhi bị Hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 2%. Tuy nhiên, sau tuần thứ 20 của thai kỳ, mẹ bị thủy đậu sẽ không ảnh hưởng đến thai nhi.
Sau tuần thứ 20, nếu mẹ bị thủy đậu sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thai nhi – Ảnh minh họa
Còn trong trường hợp, người mẹ bị nhiễm bệnh trước sinh 5 ngày hoặc sau sinh 2 ngày, trẻ sinh ra sẽ bị thủy đậu lan tỏa do mẹ không có đủ thời gian để truyền kháng thể cho thai nhi. Trong trường hợp này, nguy cơ tử vong là từ 25-30% sau khi bị nhiễm bệnh. Để tránh nguy cơ lây bệnh cho con, ngay sau sinh bé cần được dùng varicella zoster immune globulin và cách ly với mẹ.
Bầu nhớ nhé:
• Không kiêng tắm gội mà nên tắm với nước ấm và xà phòng diệt khuẩn hàng ngày.
• Không dùng tay đễ gãi, nặn bọng nước vì sẽ tăng nguy cơ bị bội nhiễm.
• Không tự ý mua thuốc uống và bôi nếu không có sự chỉ dẫn của bác.
Bầu nên làm gì khi có dấu hiệu bị thủy đậu?
Khi bị thủy đậu trong thai kỳ, mẹ bầu nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, uống nhiều nước và ăn thức ăn dạng lỏng như cháo, canh, súp… Tăng cường rau xanh và hoa quả, đặc biệt là nhóm rau quả giàu vitamin C, xây dựng chế độ ăn đa dạng để cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cả mẹ và thai nhi.
Nếu bị sốt có thể dùng thuốc hạ sốt paracetamol rất an toàn cho mẹ bầu. Bên cạnh đó, chú ý giữ vệ sinh thân thể và tránh làm vỡ các bọng nước sẽ tăng nguy cơ bị bội nhiễm.
Khi cơ thể mệt mỏi, kém ăn, ăn không ngon miệng bầu có thể làm các món ăn nhẹ giàu dinh dưỡng như súp rau, cà rốt, hoặc cháo bí đỏ, uống thêm sữa dành riêng cho mẹ bầu.
Với những mẹ bầu bị thủy đậu nguyên phát (lần đầu tiên) nguy cơ xảy ra biến chứng là rất cao. Lúc này, nên dùng varicella – zoster immune globulin (VZIG) để phòng tránh biến chứng. Tuy nhiên, việc sử dụng VZIG không phòng ngừa được nhiễm trùng bào thai, Hội chứng thủy đậu bẩm sinh cũng như bệnh thủy đậu sơ sinh. Mà chỉ có tác dụng phòng ngừa biến chứng cho mẹ bầu thôi.
Để phòng tránh biến chứng cho thai nhi và trẻ sơ sinh về sau, khi thủy đậu có dấu hiệu diễn tiến nặng, mẹ bầu có nguy cơ bị viêm phổi nên đi gặp bác sĩ. Các bác sĩ sẽ dùng Acyclovir đường tĩnh mạch để giảm nguy cơ cho cả mẹ và thai nhi. Bởi Acyclovir sẽ ức chế sự phát triển của virus, giúp mẹ mau khỏi bệnh, tránh được biến chứng nguy hiểm.
Đi bác sĩ khám là cách tốt nhất giúp mẹ bầu có cái nhìn đứng đắn về bệnh thủy đậu – Ảnh minh họa
Bầu nên tránh:
• Nên hạn chế ăn thịt gà, thịt chó vì hai thực phẩm này tính ấm, mà thủy đậu phát sinh do nhiệt độc. Ăn nhiều sẽ xung nhiệt, tăng nguy cơ bị bội nhiễm.
• Hạn chế ăn đồ chiên xào, thức ăn nhanh vì những thực phẩm này gây nóng trong, khiến bầu ngứa ngáy, khó chịu.
• Những loại gia vị cay gây nóng rát ở vùng ngực, dễ bị viêm khiến bầu khó chịu.
• Trong đậu phộng, nho khô có chứa một hàm lượng cao arginine có thể thúc đẩy virus phát triển, làm tăng nguy cơ bội nhiễm. Nên bầu cũng hạn chế ăn đậu phộng và nho khô khi bị thủy đậu trong thai kỳ.
• Một số món ăn khác như xôi, bánh chưng… gây nóng trong, dễ làm sưng tấy và tạo mủ cho nốt bọng nước.
Khi nào thì bầu nên đi gặp bác sĩ?
Sau thời gian điều trị tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ, nếu bệnh không thuyên giảm và xuất hiện các triệu chứng:
• Đau da và nốt ban tiết ra dịch màu xanh – đây là dấu hiệu bị nhiễm trùng thứ phát.
• Cứng cổ, buồn ngủ dai dẳng, lơ mơ là bệnh lý liên quan đến viêm màng não, viêm não cần được can thiệp ngay.
• Nôn, co giật, sốt cao hoặc lơ mơ, rối loạn ý thức, nguy cơ tử vong rất cao. Nên đến bác sĩ ngay.
• Bị viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết.
• Thai phụ lần đầu tiên bị thủy đậu, có phơi nhiễm với bệnh, thai nhi sẽ có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh cao.
Mẹ bầu nên làm gì để phòng tránh thủy đậu trong thai kỳ?
Để phòng ngừa thủy đậu trong thời gian mang thai bầu nên:
• Chủng ngừa khi còn nhỏ hoặc ít nhất 3 tháng trước khi mang thai.
• Cách ly hoàn toàn với người bệnh và nguồn gây bệnh.
• Giữ vệ sinh không gian sống thoáng mát, sạch sẽ.
• Chú ý vệ sinh cá nhân mỗi ngày, ăn uống đầy đủ dưỡng chất để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Với những kiến thức mà Mẹ&Con đã chia sẻ, hy vọng sẽ giúp mẹ bầu có thêm nhiều kiến thức bổ ích. Để biết cách bảo vệ bản thân khỏe mạnh và an toàn trong thai kỳ.
Theo sự tư vấn của BS. Huỳnh Thị Trong (Trưởng khoa Sản, Bệnh viện An Sinh).