Bị nghẹn
Mắc nghẹn là việc thường thấy ở trẻ, khi nuốt phải dị vật hoặc cho bé ăn quá nhanh có thể làm trẻ dễ bị nghẹn. Ba mẹ nên trang bị những kỹ năng sơ cứu cần thiết để áp dụng nếu chẳng may con mình bị nghẹn.
Khi bé mắc nghẹn, trước tiên ba mẹ cần phải bình tĩnh xử lý để bé không bị hoảng sợ và thực hiện theo những cách dưới đây.
Bé dưới 1 tuổi:
Bước 1: Nhanh chóng cho bé nằm trên cánh tay hoặc đặt lên đùi, úp mặt xuống đất, phần đầu thấp hơn phần thân.
Bước 2: Dùng bàn tay vỗ vào phần lưng với một lực vừa phải khoảng 5 lần. Không được vỗ quá mạnh để tránh ảnh hưởng đến cơ quan nội tạng của bé. Khi đó, nếu trẻ ho thì nên để trẻ tự tống vật nghẹn ra ngoài.
Sau mỗi động tác, mẹ nên kiểm tra xem bé đã hết nghẹn hay chưa. (Ảnh minh họa)
Bước 3: Nếu trẻ ho nhưng không đẩy được vật nghẹn ra thì cho bé quay người lại, vẫn tiếp tục ấn nhẹ 5 lần vào lồng ngực tới khi dị vật được lấy ra. Nếu vẫn không hiệu quả thì nên đưa bé đến bệnh viện kịp thời.
Bé trên 1 tuổi:
Bước 1: Cho bé đứng gập người về phía trước, phần đầu thấp hơn ngực.
Bước 2: Dùng bàn tay vỗ mạnh vào giữa 2 xương bả vai khoảng 5 lần với động tác dứt khoát.
Bước 3: Nếu bé vẫn chưa lấy được dị vật ra thì lúc này, mẹ dùng bàn tay nắm lại tiếp tục ấn mạnh vào phần giữa rốn và phần cuối xương sườn của bé.
Ngoài ra, phòng tránh bé bị nghẹn các mẹ nên để bé ngồi yên khi ăn, tránh chạy nhảy, trong khi ăn cho trẻ uống một ít nước và cũng không nên ép bé ăn quá nhiều cùng một lúc.
Nếu dùng cả hai cách mà bé vẫn chưa hết nghẹn thì mẹ nên đưa bé đến bác sĩ. (Ảnh minh họa)
Bị đuối nước
Những kỹ năng xử lý sau đây sẽ giúp ích cho ba mẹ ứng cứu kịp thời khi trẻ bị đuối nước.
Khi phát hiện trẻ bị đuối nước, nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước, đặt trẻ nằm ở nơi khô ráo và thoáng khí, bạn nhớ quan sát lồng ngực để kiểm tra xem trẻ có bị bất tỉnh hay không.
Bước 1: Nếu trẻ ngừng thở thì lập tức hô hấp nhân tạo: áp miệng sát vào mũi và miệng trẻ, sau khi lấy hơi thổi 2 cái liên tiếp (1 lần thổi cách nhau 4 giây) bạn cần kiểm tra tim trẻ còn đập hay không bằng cách áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim đập không hoặc có thể bắt mạch.
Thực hiện hô hấp nhân tạo kịp thời cho bé. (Ảnh minh họa)
Bước 2: Nếu tim ngừng đập, bạn dùng 2 bàn tay đan xen giữa các ngón, thực hiện ép tim ngoài lồng ngực kết hợp hô hấp nhân tạo: ép ½ dưới của xương ức bên trái đều đặn theo nhịp tối đa 30 lần và xen kẽ 1 lần thổi ngạt 2 cái liên tiếp. Thực hiện ép tim kèm thổi ngạt cho đến lúc tim trẻ đập trở lại.
Dùng bàn tay ép tim ngoài lồng ngực cho tới khi tim bé đập trở lại. (Ảnh minh họa)
Bước 3: Sau khi thực hiện mà bé tự thở được nên cho trẻ nằm nghiêng một bên, giữ ấm và đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để tránh tình trạng xấu xảy ra.
Lưu ý: Không vác trẻ chạy lòng vòng hoặc xốc nước theo cách của dân gian, cách này chỉ làm chậm thêm cơ hội cứu sống trẻ.
Bị chó cắn
Cách sơ cứu tại nhà khi trẻ bị chó cắn bằng các bước sau:
Bước 1: Tiến hành rửa vết thương bằng xà phòng trong khoảng 5 phút, kể cả vết thương bị trầy xước da. Bạn nhớ rửa tay thật sạch trước và sau khi sơ cứu cho trẻ.
Bước 2: Sau đó dùng dung dịch nước muối đậm đặc hoặc dung dịch sát khuẩn để rửa vết thương.
Bước 3: Sử dụng miếng vải sạch băng hờ vết thương. Nếu vết thương chảy máu quá nhiều thì nên đưa bé đến cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị phù hợp.
Khi trẻ bị chó cắn cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để tiêm phòng ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. (Ảnh minh họa)