Khi có thai bạn nên:
Ði khám thai định kỳ: Sớm nhất là khi bạn bị trễ kinh khoảng 10 ngày để chắc chắn thai đã làm tổ và có tim thai. Sau đó, nếu có một thai kỳ hoàn toàn khỏe mạnh, bạn nên đi khám thai mỗi tháng một lần trong suốt 7 tháng đầu. Tháng thứ 8, cách hai tuần khám một lần. Tháng thứ 9 – tháng cuối của thai kỳ thì nên đi khám hàng tuần. Có ba mốc quan trọng bạn cần phải siêu âm, đó là tuần thứ 12, tuần thứ 22 và tuần thứ 32. Khám thai và siêu âm, xét nghiệm thai kỳ giúp cho bạn biết thai nhi có phát triển bình thường không, và bạn có bệnh gì hoặc có khó khăn gì cần phải xử trí không? Bạn có thể đẻ thường hay phải sinh mổ?
Chích ngừa đầy đủ: Bạn phải tiêm vac xin phòng uốn ván hai lần. Mũi thứ nhất cần được tiêm càng sớm càng tốt (thường tiêm khi bạn đi khám thai lần thứ nhất). Mũi thứ hai cách mũi thứ nhất ít nhất một tháng và muộn nhất là trước khi sinh một tháng. Bởi vì khi sinh nở, bạn phải đối mặt với dao kéo khi sinh, nên tiêm vắcxin sẽ giúp cho bản thân bạn và cả con bạn tránh được một căn bệnh rất nguy hiểm trong hoặc sau khi sinh là uốn ván. Bạn hãy yên tâm vì vắcxin không có tác hại gì đối với thai nhi cũng như đối với bản thân bạn.
Ăn uống đầy đủ: Tác dụng của khẩu phần đầy đủ chất dinh dưỡng không những tốt cho bản thân bạn mà còn tác động tốt đến sự phát triển của con bạn. Bạn nên uống nhiều nước và ăn đủ thức ăn, đặc biệt là những thức ăn cung cấp năng lượng như: gạo, ngô, khoai, sắn, bánh mì; các thực phẩm phát triển thể chất như: thịt, cá, sữa và trứng; các món bảo vệ cơ thể như: hoa quả, rau xanh, gan, cá, trứng; các món nhiều chất sắt để bổ máu như: thịt nạc, gan, rau xanh… Bạn không nên kiêng ăn những thức ăn mà bạn vẫn thường ăn trước khi có thai, chỉ nên tránh những thức ăn chứa chất kích thích như cafein, quá nhiều đồ nướng – chiên, hoặc quá nhiều đồ ngọt…
Bổ sung vitamin: Bạn cần bổ sung vitamin E, acid folic, sắt, canxi, thuốc bổ tổng hợp… theo chỉ dẫn của bác sĩ tùy từng thời điểm của thai kỳ.
Ngủ đủ giấc: Tốt nhất, mỗi ngày bạn nên ngủ ít nhất là 8 tiếng. Buổi trưa nên tranh thủ chợp mắt để giữ sức khỏe. Nghỉ ngơi sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái, khỏe khoắn, tăng sức đề kháng chống lại các bệnh vặt bởi vì khi có bầu, cơ thể bạn yếu ớt hơn bình thường, rất dễ bị nhiễm bệnh.
Tập luyện nhẹ nhàng: Vì có bầu khiến cơ thể bạn rệu rã, mệt mỏi, nhức buốt… nên tập thể dục đều đặn, nhẹ nhàng, ví dụ như đi bộ nửa giờ mỗi ngày sẽ khiến bạn cảm thấy sảng khoái, đỡ mệt hơn và ngủ cũng ngon giấc hơn. Đừng nên tập luyện quá sức. Cũng đừng cho rằng đi bộ nhiều sẽ giúp bạn dễ sinh, chỉ đơn giản đi bộ là cách vận động nhẹ nhàng phù hợp với bà bầu.
Trang phục gọn gàng: Bạn nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, đi giầy dép thấp. Đừng nên mặc đồ bó sát, gây khó chịu cho thai nhi và khiến cơ thể bạn phù nề khó chịu.
Yêu vừa phải: Quan hệ vợ chồng trong quá trình mang thai không phải là điều kiêng cữ, nhưng bạn nên lượng sức để tránh ảnh hưởng đến em bé. Có thể, hai vợ chồng cùng chọn tư thế nào mà bạn cảm thấy thoải mái nhất, hoặc âu yếm, ve vuốt, “yêu” kiểu nào bạn thấy phù hợp.
Khi có thai bạn không nên:
Mang vác những vật nặng: Bạn nhấc vật nặng lên cao, mang vác, hoặc kiễng chân với đồ trên cao có thể gây sẩy thai. Với những việc này, bạn nên nhờ chồng hoặc người nhà làm giúp để đảm bảo an tàn cho hai mẹ con.
Tự ý dùng thuốc: Cho dù là thuốc tây y, hoặc thuốc đông y nhưng không có ý kiến của bác sĩ vốn hiểu biết về thai nghén thì bạn không thể sử dụng. Bởi vì bất cứ loại thuốc nào cũng có thể gây hại cho thai, đặc biệt là trong ba tháng đầu, tệ nhất là gây ra những dị tật thai. Ví dụ, bạn dùng vitamin A liều cao có thể làm thai phát triển không bình thường; dùng thuốc kháng sinh có thể làm trẻ bị điếc, dùng một số thuốc nội tiết, an thần có thể gây sảy thai, thai chết lưu, rối loạn phát triển của thai hoặc bị bệnh sau khi sinh… Do đó khi cần dùng thuốc, phải theo chỉ định của thầy thuốc.
Quan hệ vợ chồng: Bạn nên kiêng “yêu” nếu như bạn thấy có những dấu hiệu sau: ra máu hoặc chất dịch màu hồng ở cửa mình, khi đã có cơn co dạ con, hoặc khi đã ra nước ối. Bất cứ khi nào bạn thấy khó chịu, không có hứng thú thì không nên quan hệ. Bởi vì bạn có thể “yêu” bù vào lúc khác hợp lý hơn.
Dùng chất kích thích: Hút thuốc hay uống rượu có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho đứa trẻ. Hút thuốc lá hoặc hít thờ không khí có khói thuốc lá có thể gây đẻ thiếu cân, ảnh hưởng đến phổi, hệ hô hấp. Các chất ma túy có thể gây sẩy thai, dị dạng thai nhi hoặc thai chết lưu. Rượu có thể gây ngộ độc thai nhi. Tiếp xúc với những chất hóa học như thuốc nhuộm tóc thuốc trừ sâu hoặc thuốc diệt cỏ sẽ có hại cho thai nhi và chính bản thân bạn.
Xoa bụng hoặc nặn sữa: Xoa bụng kích thích tử cung gò, dễ gây sảy thai. Bạn có thể đặt tay lên bụng và ve vuốt bé một chút, nhưng đừng xoa bụng thường xuyên. Nặn sữa, xoa ngực cũng kích thích cơn gò tử cung, khiến em bé khó chịu đấy mẹ ạ.
Ăn thực phẩm sống/ mặn: Thai phụ cần tuyệt đối không ăn các thực phẩm tái chín, gỏi sống sẽ ẩn chứa nhiều nguy cơ gây bệnh và ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Vì thế cần thực hiện “ăn chín uống sôi” để bảo vệ cho bản thân và cả thai nhi. Bạn cũng nên thường xuyên kiểm soát lượng muối trong khẩu phần vì ăn nhiều muối vì dễ gây tăng huyết áp. Các món chứa nhiều muối là thịt kho, cá kho, xúc xích, lạp xưởng, thịt hun khói…
Tiếp xúc với các tia X-quang: Khi có thai, cần hết sức thận trọng khi chiếu, chụp điện vì rất dễ gây rối loạn phát triển thai. Tia X-quang có thể khiến thai nhi bị dị tật, gây sảy thai…