1. Gấp rút trang bị kiến thức
Sẽ có rất nhiều lời khuyên đa chiều khác nhau, từ mẹ chồng, mẹ ruột, từ các cô dì đi trước, đến cả những bạn bè đồng nghiệp ở cơ quan. Người thì bảo bạn nên làm cách này để tốt cho thai nhi, người khuyên bạn ăn món kia. Thậm chí có cả người… cắt sẵn ít thang thuốc nam, thuốc bắc, bảo bạn uống đi, sẽ tốt lắm. Tất cả những thông tin ấy có thể khiến bạn bị rối.
>> Cách tốt nhất:
Bạn nên tích lũy cho mình những kiến thức khoa học từ các bác sĩ, chuyên viên tư vấn. Chọn mua một số sách báo dành cho bà bầu, người mẹ sinh con lần đầu tiên để đọc. Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm thông tin từ internet, tuy nhiên cần thận trọng nguồn, nếu không bạn cũng sẽ “hoảng” lên với những kiến thức khác nhau trên thế giới ảo này.
Tuyệt đối không nên uống thuốc bừa bãi, kể cả những loại thực phẩm chức năng hay thuốc nam, thuốc bắc được người thân ca tụng rằng thuốc an thai. Thay vào đó, hãy tuân thủ theo những hướng dẫn của bác sĩ, hỏi bác sĩ những điều bạn chưa biết.
Bạn cũng có thể đăng ký tham gia một vài khóa học tiền sản, chuẩn bị làm cha mẹ. Tạo cho mình một cuốn sổ tay riêng, tự ghi chép, tích lũy dần những kiến thức hay. Những kiến thức ấy sẽ giúp bạn vững tin hơn.
2. Đừng “tô hồng” giai đoạn mang thai, làm mẹ!
Vâng, rất nhiều thơ, rất nhiều bài nhạc ca ngợi điều này. Bạn cũng đọc không biết bao nhiêu cảm xúc của người mẹ viết trên blog, về niềm hạnh phúc vô bờ khi có bé yêu, về những tháng ngày mẹ rạng rỡ niềm vui, tưng bừng hạnh phúc khi con chào đời. Tất nhiên những điều ấy đều đúng cả! Song, nếu bạn chỉ chuẩn bị tinh thần để đón nhận toàn niềm vui, niềm sung sướng, tự hào thì coi chừng bạn sẽ… sốc đấy nhé!
Mang thai và có con chưa bao giờ là một việc đơn giản. Đừng ảo tưởng rằng đó sẽ là khoảng thời gian tuyệt vời toàn là ăn và ngủ, thảnh thơi thư thái, chẳng phải làm việc nặng, suốt ngày mơ đến con yêu. Bạn sẽ vất vả và mệt mỏi kinh khủng đấy. Lúc mang thai, không ít vấn đề sức khỏe sẽ hành bạn “đừ đẫn”. Rồi thì nỗi đau đớn vì sinh nở, rồi việc nhiều tháng ròng quanh quẩn với tã lót, với việc cho bé ăn, bé ị, bé ngủ…
>> Cách tốt nhất:
Hãy chuẩn bị tinh thần cho mình và suy nghĩ thật chín chắn về tất cả những khó khăn sẽ xảy ra thay vì chỉ mơ đến màu hồng. Hãy biết rằng đây là một giai đoạn hạnh phúc nhưng cũng nhiều thử thách cho bạn. Nên gấp rút chuẩn bị một khoản tiền lớn để có thể lo chu toàn cho bé.
Kế đó là sắp xếp công việc ổn thỏa, sao cho việc bạn vắng mặt khoảng nửa năm trời không ảnh hưởng nhiều đến bạn bè đồng nghiệp và công ty. Càng cẩn trọng và chuẩn bị tinh thần đón nhận những khó khăn, bạn sẽ càng thấy quá trình mang thai, làm mẹ “dễ thở”, nhanh chóng thích nghi được với nó.
3. Ghi lại cảm xúc
Rồi bạn sẽ bận rộn túi bụi với việc mang thai, sinh nở và nuôi dưỡng bé. Rồi bạn sẽ thấy thời gian trôi qua vèo vèo, mệt không kịp thở. Đến tận ngày thôi nôi con, nhìn lại, bạn mới tặc lưỡi tiếc: “Tiếc quá, không kịp chụp ảnh con những tháng đầu đời, không kịp quay phim con, không kịp viết gì lại những cảm xúc của mình, để sau này lớn lên con đọc…”.
Ừ, thế thì tiếc thật đấy! Đứa con đầu lòng là một kỷ niệm thiêng liêng không bao giờ lặp lại. Vì vậy, đừng quên việc viết ra và lưu giữ lại những cảm xúc, tình cảm, chụp lại những bức hình, ghi lại những đoạn phim… Riêng ở góc độ của các bác sĩ hay các chuyên gia tâm lý, chính việc này sẽ giúp bạn giảm bớt đi nguy cơ trầm cảm, khiến bạn nhẹ nhàng vượt qua được những giây phút mệt mỏi. Ngoài ra, những chuẩn bị này còn là một “tài liệu” riêng vô cùng quý báu để bạn có thêm nhiều kinh nghiệm khi sinh những đứa con sau.
>> Cách tốt nhất:
Tùy sở thích cá nhân mà bạn có thể làm một album ảnh lưu lại một cách có hệ thống quá trình mang thai, sinh nở, nuôi con của mình; quay những đoạn video; hoặc làm một trang facebook, một trang blog… Giản dị hơn nữa là một quyển nhật ký viết tay. Mỗi ngày, hãy dành ra khoảng nửa tiếng đồng hồ để ghi chép, chọn lọc hình ảnh, trang trí blog… Mời những người thân của bạn, nhất là anh xã cùng xem. Trang nhật ký gia đình này sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin hơn và chồng bạn cũng dễ hiểu những tâm lý thất thường của bạn hơn trong quá trình vừa lên hai vạch.
4. Hạn chế “phung phí”!
Vừa biết mình “hai vạch”, bạn đã cảm thấy rất đỗi tự hào. Bạn bày tỏ sự tự hào đó và những tình cảm cho mầm sống trong bụng bằng cách… dốc tiền vào sắm sửa cho con. Mọi thứ phải là đồ tốt nhất, đẹp nhất. Áo của con, giày của con, từng cái muỗng, cái ly, từng bình sữa… Đụng tới cái nào bạn cũng thấy con chưa có, cần phải có. Cách mua sắm này sẽ khiến kinh tế gia đình bạn tháng đó đảo lộn ngay đấy.
Thật ra, không cần thiết phải mua quá nhiều như thế bạn ạ, trừ khi gia đình bạn thuộc dạng cực kì khá giả, bạn chẳng phải bận tâm tí xíu gì đến tất cả tiền bạc, chi tiêu. Chuẩn bị có con là bạn đã chính thức bước sang một cuộc sống mới, với những bộn bề lo toan mới. Không nên “hà tiện” quá mức, song cũng cần sự tính toán sao cho việc chi tiêu thật hợp lý lúc này.
>> Cách tốt nhất:
Để ý xem có anh chị em, họ hàng nào có bé trước bạn để đổi hoặc xin một số vật dụng đã được dùng trước đó. Nếu muốn mua mới, hãy thận trọng cân nhắc để thứ mua mới dùng được cả cho lần sinh sau. Với quần áo, giày vớ, nón mũ của con, lưu ý rằng bé sẽ lớn rất nhanh. Thật không cần thiết để chi đến cả 500-600 ngàn đồng chỉ để mua… một bộ quần áo “hàng hiệu” bé xíu xiu, con mới mặc ít lần thì đã chật! Tính toán lại toàn bộ chi tiêu trong gia đình, lên kế hoạch cùng chồng và bàn tính xem cần làm gì để có khoản tiết kiệm cho con. Bằng cách này, bạn sẽ giảm được một nỗi lo quan trọng.
5. Tìm kiếm những giúp đỡ từ người thân
Đừng khăng khăng “mình có thể tự lo”. Việc sinh nở và nuôi dưỡng bé những năm tháng đầu đời cần sự chung tay góp sức của rất nhiều người. Bà mẹ sinh con đầu lòng khôn ngoan là bà mẹ biết cách “huy động” tất cả mọi người cùng hợp sức với mình. Đừng quên vai trò của người chồng. Ngay từ lúc này, khi lên kế hoạch chuẩn bị để có đứa con đầu lòng, bạn hãy “kéo” anh ấy vào cuộc và cùng tạo nên những suy nghĩ tích cực, có trách nhiệm, hứng thú với con từ anh ấy.
>> Cách tốt nhất:
Hãy đăng ký để chồng cùng tham gia những lớp học tiền sản. Anh ấy sẽ tích cóp được những kiến thức hữu ích để phụ giúp bạn trong quá trình mang thai, sinh nở, nuôi con. Đồng thời, bạn cũng sẽ dễ dàng thống nhất hơn với chồng về việc nuôi dạy con sau này. Ngoài chồng, bạn cũng cần “huy động” sự giúp đỡ từ những người thân khác như ông bà nội ngoại hai bên. Đừng ngần ngại tìm đến họ, vì bằng cách đó, trong quá trình mang thai, sinh nở và nuôi dưỡng bé những tháng đầu đời, bạn sẽ khỏe hơn, có nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi, thư giãn.