Mẹ và Con - Áp lực đồng trang lứa là chướng ngại tâm lý của nhiều người. Vậy làm sao mới có thể vượt qua trạng thái tâm lý tiêu cực này? Cùng khám phá ngay với Tạp chí Mẹ và Con nhé!

Áp lực đồng trang lứa là tình trạng có thể ảnh hưởng tới mọi lứa tuổi, tác động đến sức khỏe tinh thần. Đến khi trưởng thành, chúng ta thường cho rằng một số nỗi đau trong tuổi thơ đã ở lại phía sau. Tuy vậy, sự lo lắng về ngoại hình, thành tích và mong muốn được chấp nhận vẫn còn đâu đó trong tiềm thức.

Đôi khi, chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện những việc theo mong đợi từ người lớn chỉ để được như “con nhà người ta” mà chính mình lại không thấy vui.

Áp lực đồng trang lứa là gì?

Áp lực đồng trang lứa là tình trạng một người chịu ảnh hưởng từ những người thuộc cùng một nhóm xã hội như cùng độ tuổi, cùng lớp, chung công ty, lĩnh vực chuyên môn… Điều này khiến họ phải thay đổi thái độ, giá trị hay hành vi để phù hợp với những chuẩn mực của nhóm.

áp lực đồng trang lứa là gì

Thanh thiếu niên là nhóm đối tượng thường được nhắc tới nhiều khi đề cập đến áp lực đồng trang lứa. Vì ở nhóm đối tượng này, họ thường thiếu hụt kinh nghiệm sống. Đồng thời, sự thay đổi nhiều về tâm sinh lý cũng làm họ dễ bị tác động.

Tuy nhiên, người lớn không hẳn đã “miễn nhiễm” với dạng áp lực này. Trong đó, văn hóa ‘nhậu’ là ví dụ điển hình cho tình trạng áp lực đồng trang lứa ở người trưởng thành. Dù biết tác hại từ rượu bia nhưng nhiều người vẫn không thể từ chối, mỗi khi bị “ép uống” để hòa nhập với môi trường làm việc.

Áp lực đồng trang lứa là do đâu?

Một số nguyên nhân gây ra áp lực đồng trang lứa như:

  • Những chuẩn mực xã hội, áp lực gia đình về quan niệm “con nhà người ta”
  • Sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông, khi chỉ chia sẻ thông tin về sự thành công của một cá nhân nào đó
  • Tâm lý luôn so sánh, ghen tị, chưa thấu hiểu bản thân. Tâm lý này thường gặp ở các bạn trẻ thiếu trải nghiệm sống, chưa rõ mình muốn gì, mình yêu và mạnh điểm nào để vạch ra con đường phát triển bản thân.

Trong khi, mỗi người sẽ có hệ quy chiếu và tốc độ phát triển khác nhau. Điều này vô tình làm chính bạn hay những người xung quanh tự đặt ra các kỳ vọng chưa phù hợp, dẫn tới áp lực quá lớn lên bản thân để bằng được người khác.

Áp lực đồng trang lứa ảnh hưởng tâm lý ra sao?

Phương diện tích cực

Đây là dạng áp lực đồng trang lứa mang lợi cho cá nhân khi đồng nghiệp hoặc bạn bè khuyến khích họ làm những điều tích cực hay thúc đẩy phát triển bản thân.

Cạnh tranh lành mạnh sẽ giúp bạn có động lực hơn để hành động và đạt được những thành tích như kỳ vọng:

  • Thúc đẩy chúng ta chăm chỉ học hỏi nhiều, để đạt điểm cao, tiến bộ trong công việc và học tập
  • Bạn đồng trang lứa có thể trở thành hình mẫu để bản thân phấn đấu, tiến bộ
  • Kiếm thêm việc làm sau giờ học hoặc ngoài công việc chính để tăng thu nhập
  • Khuyến khích cùng tiết kiệm tiền để dành cho một khoản mua sắm lớn như xe hơi
  • Không tán thành các câu chuyện tiếu lâm hay tán gẫu không hồi kết
  • Ngăn cản những hành vi bất hợp pháp, các đồ uống không lành mạnh như rượu bia hay hút thuốc lá khi chưa đủ tuổi.

áp lực đồng trang lứa giúp phát triển bản thân

Phương diện tiêu cực

Hậu quả từ áp lực đồng trang lứa cũng ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của cá nhân. Các tác động đó lại mang tính huỷ hoại, tiêu cực, gây tổn hại cho bản thân hoặc những người xung quanh.

Áp lực và ảnh hưởng từ những người đồng trang lứa khiến họ phải làm theo để nhanh chóng hòa nhập với nhóm xã hội như:

  • Bị ép sử dụng rượu bia, ma túy hay quan hệ tình dục
  • Tâm lý so sánh khiến bạn luôn cảm thấy chán nản, dễ thất bại trong cuộc sống
  • Trầm cảm, luôn bị lo lắng và áp lực khi ở gần những cá nhân xuất sắc
  • Vì muốn thể hiện bản thân không thua kém người khác nên cá nhân dễ bị kích động khi bị ai đó khiêu khích
  • Do sự áp đặt mong muốn từ xã hội và những người xung quanh, bạn phải cố gắng mang mặt nạ để che giấu đi bản chất thật. Điều này sẽ khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi, áp lực.
  • Tự ti về bản thân và mất đi lòng tự tôn khi phải chạy đua theo người khác với hệ quy chiếu khác
  • Chất lượng cuộc sống suy giảm khi phải học tập và làm việc gắng sức nhưng thiếu hiệu quả

Bí quyết vượt qua áp lực đồng trang lứa

Trân trọng chính mình

Bạn nên học cách trân trọng chính mình như thay đổi sự tập trung từ bên ngoài vào bản thân, lưu ý những điều làm bạn cảm thấy cơ thể và tinh thần thoải mái và dễ chịu.

Đó có thể là các hoạt động yêu thích, những người luôn ủng hộ bạn, những nhân vật có sự ảnh hưởng tích cực ở trên mạng xã hội. Việc tập trung vào bản thân sẽ giúp bạn kiểm soát tốt hành vi, cảm thấy vui vẻ trong cuộc sống, ít bị phụ thuộc vào đánh giá từ những người không liên quan.

Nắm rõ giới hạn của mình

Đặt ra ranh giới cá nhân và học cách truyền đạt các giới hạn của bản thân với những người xung quanh. Vì khi dễ dãi với các giới hạn của mình, bạn sớm muộn sẽ bị ai đó lợi dụng điều này.

Nếu thuộc típ người cảm thấy “tội lỗi” khi từ chối người khác, bạn hãy tự hỏi: Điều tồi tệ nhất có khả năng xảy ra là gì? Điều này có đáng để bạn đánh đổi sức khỏe, tinh thần, giá trị hay niềm tin của bản thân không?

áp lực đồng trang lứa và cách vượt qua

Biết rằng mình luôn có lựa chọn

Bạn nên có lựa chọn phù hợp đối với bạn bè, người yêu, những người mình theo dõi trên mạng xã hội, giá trị mà bản thân tin tưởng và cách phản ứng trước các vấn đề trong cuộc sống. Sẽ thật đáng tiếc khi bạn không chọn những điều phù hợp với bản thân đấy!

Ai cũng có lựa chọn riêng

Lựa chọn của của những người xung quanh không nhất thiết phải dựa vào tiêu chuẩn của bạn. Tôn trọng lựa chọn của người khác sẽ giúp bạn thêm thấu hiểu và khoan dung hơn với lựa chọn của bản thân.

Ở bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc đời, bạn đều có khả năng gặp tình trạng áp lực đồng trang lứa, nhất là những bạn trẻ đang trong hành trình tìm hiểu bản thân. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu hơn về ảnh hưởng của áp lực đồng trang lứa đến cuộc sống, cũng như các giải pháp giúp bạn vượt qua trạng thái tâm lý tiêu cực này để tìm ra bản ngã nhé. 

Bài viết liên quan