Mẹ và Con - Tâm lý của trẻ em vốn không đơn giản như những gì chúng ta nghĩ! Ngược lại, trẻ rất nhạy cảm và dễ tác động từ các yếu tố bên ngoài. Chính vì những áp lực gia đình mà chúng ta áp đặt khiến trẻ cảm thấy căng thẳng, khó chịu, đôi khi dẫn đến trầm cảm.

Vậy trầm cảm vì áp lực gia đình là gì, nguyên nhân và cách khắc phục như thế nào? Cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu ngay nhé!

Trầm cảm ở trẻ là gì

Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm thần phổ biến, có thể xuất hiện ở rất nhiều độ tuổi đặc biệt là ở lứa tuổi học đường đang ngày càng gia tăng. Trầm cảm sẽ khiến trẻ luôn có cảm giác buồn bực, mất hứng thú với mọi việc thậm chí là sở thích và kéo dài rất lâu. Người trầm cảm thường cảm thấy mệt mỏi, mất năng lượng… mà không rõ nguyên nhân do đâu, trường hợp nặng có thể dẫn đến tự tổn thương bản thân, thậm chí là tự tử.

Trầm cảm xảy ra do rất nhiều nguyên nhân, bao gồm những yếu tố từ tâm lý, căng thẳng phát sinh trong cuộc sống hàng ngày hay liên quan đến yếu tố di truyền về khả năng xử lý tâm trạng. Nói chung trầm cảm có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi (nhiều nhất là học sinh) do thời điểm này “bức tường” tâm lý của trẻ còn chưa hoàn thiện rất dễ bị tác động từ những yếu tố xung quanh.

trẻ trầm cảm

*Theo số liệu của một vài nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm chiếm tới 26,3%. Trẻ có những suy nghĩ về cái chết là 6,3%; tỷ lệ trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và số trẻ cố gắng tự tử là 5,8%. Trong đó nguyên nhân áp lực gia đình là điều đáng nói đến mà chưa thực sự được bố mẹ quan tâm chú ý và có nguy cơ gây ra những hậu quả đáng buồn.

Vì sao áp lực gia đình lại khiến trẻ dễ trầm cảm?

Như Mẹ và Con đã nói ở trên trầm cảm là vấn đề rất phổ biến trong giai đoạn phát triển của trẻ vị thành niên bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, áp lực từ gia đình chiếm phần rất lớn. Những áp lực gia đình vốn đã có thể làm tổn thương tâm lý của chúng ta – những người trưởng thành. Một số yếu tố từ gia đình khiến trẻ dễ rơi vào trầm cảm như:

Bố mẹ thường cho trẻ cảm nhận cảm xúc tiêu cực

Khi căng thẳng, người lớn thường xuyên sinh ra cảm xúc tiêu cực và khó chịu với mọi thứ đặc biệt là người thân trong gia đình. Vì vậy trẻ cũng bị căng thẳng hay lo sợ vì sự thay đổi tính cách của bố mẹ nên dẫn đến trầm cảm. 

Nhưng bố mẹ thường có nhiều điều cần phải lo hơn như: công việc, chuyện nhà… nên rất ít khi quan tâm trẻ đúng lúc. Từ đó bệnh trầm cảm của trẻ sẽ diễn biến ngày càng nặng nề hơn. Thậm chí đến khi trẻ có những dấu hiệu làm hại bản thân hay ý định tự tử thì bố mẹ mới biết.

Bố mẹ thường xuyên cãi nhau

Khi bạn gặp phải những áp lực về kinh tế, công việc, tiền bạc… bạn thường xảy ra mâu thuẫn với chồng hay vợ của mình dẫn đến cãi nhau. Khi trẻ vô tình thấy cảnh bố mẹ cãi nhau sẽ dẫn đến cảm giác thất vọng và âu lo. Trẻ sẽ liên tục đặt câu hỏi “hôm nay bố mẹ mình có cãi nhau nữa không?”. Điều này khiến trẻ bị rối loạn tâm lý và dễ trầm cảm.

Theo nhiều nghiên cứu về trẻ em đã chỉ ra rằng, trẻ em sinh ra trong một gia đình có nhiều mâu thuẫn sẽ có tỷ lệ rối loạn tâm lý và khả năng trầm cảm cao hơn.

Áp lực từ chuyện học tập

Một áp lực gia đình có thể dẫn đến trầm cảm ở trẻ chính là chuyện học hành và thi cử của trẻ. Bất kỳ cha mẹ nào cũng mong muốn con mình học thật giỏi giang, đạt được nhiều thứ hạng thật cao, nhưng chính điều này là áp lực của trẻ. Bố mẹ thường đặt kỳ vọng vào con quá cao mà không dành thời gian quan sát trẻ để hiểu khả năng của trẻ hay sở thích của trẻ là gì sẽ khiến trẻ thấy luôn căng thẳng với chuyện học hành.

Nhất là sau mỗi kỳ thi cử, nếu trẻ không đạt được kết quả như mong muốn sẽ luôn thấy thất vọng với bản thân, lo lắng bố mẹ sẽ không vui. Lâu dần, những áp lực này ngày càng nhiều không được giải quyết hay nhận được sự động viên kịp thời của bố mẹ sẽ gây ra buồn bực, khó chịu và dẫn đến trầm cảm.

phòng tránh trầm cảm cho trẻ

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị trầm cảm

Những dấu hiệu thường gặp nhất ở trẻ bị trầm cảm như:

  • Thường xuyên tức giận
  • Luôn cảm thấy mình rất vô dụng, lòng tự trọng thấp và tự ti
  • Cảm thấy buồn chán mà không có lý do
  • Thay đổi thói quen khi ngủ
  • Thường xuyên cảm giác mệt mỏi
  • Thích ở một mình
  • Trở nên thèm ăn
  • Bắt đầu cảm thấy mất hứng thú về mọi việc cũng như sở thích
  • Có suy nghĩ và hành vi tự tử

Những dấu hiệu trầm cảm do áp lực gia đình trên đây có thể diễn biến chậm hoặc nhanh phụ thuộc vào mức độ trầm cảm của trẻ.

Cách phòng tránh trầm cảm vì áp lực gia đình ở trẻ?

Khi trẻ vì một nguyên nhân nào đó hay cụ thể là do áp lực từ gia đình mà có dấu hiệu của trầm cảm thì bố mẹ nên đưa trẻ đi khám ở các chuyên khoa tâm lý để được điều trị đúng cách. Bên cạnh đó, bố mẹ nên thực hiện những biện pháp sau để phòng tránh trầm cảm ở trẻ.

Kiểm soát tốt cảm xúc của mình

Trong cuộc sống có vô vàn khó khăn bạn cần trải qua, chính vì vậy bản thân bạn nên học cách kiểm soát cảm xúc mình thật tốt. Không chỉ giúp bạn thấy cuộc sống này nhẹ nhàng hơn mà trẻ cũng sẽ “nhẹ người” hơn khi không phải sống theo cảm xúc của bạn.

Cùng con chia sẻ những khó khăn 

Vốn dĩ ở trường trẻ đã chịu rất nhiều áp lực về khối bài tập và kiến thức “khổng lồ” thì chúng ta, các bậc cha mẹ tại sao lại muốn tạo thêm áp lực từ gia đình lên con trẻ. Bạn hãy dành thời gian tìm hiểu về các sở thích của con, con đang học tốt môn nào và yếu môn nào… để đưa ra lộ trình cải thiện, không nên bắt buộc con phải được các thứ hạng cao trong lớp hay phải giỏi đều tất cả các môn.

Nếu nhận thấy trẻ có biểu hiện tâm lý căng thẳng, stress, trước hết cần tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến những căng thẳng của trẻ cả trong gia đình và ở nhà trường, để giúp trẻ giảm tải áp lực từ việc học tập và giúp trẻ thiết lập mối quan hệ tích cực từ môi trường gia đình, bạn bè.

Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời nhiều hơn

Thêm một cách để phòng tránh trầm cảm vì áp lực gia đình cho trẻ chính là khuyến khích trẻ tham gia nhiều hoạt động vui chơi, thể thao ngoài trời để giảm bớt căng thẳng.

nguyên nhân trầm cảm

Gia đình vốn dĩ là tổ ấm, nơi mà mọi người luôn muốn trở về sau ngày dài làm việc, học tập mệt mỏi, nơi mà khi con trẻ nghĩ đến sẽ thấy hơi ấm bình yên chứ không phải quay cuồng trong vòng tròn áp lực gia đình.

Mẹ và Con hiểu rằng, không có cha mẹ nào muốn con mình chịu áp lực, nhưng trong cuộc sống hàng chúng ta lại vô tình tạo sức ép lên cho trẻ. Vì vậy, bạn cần phải học cách chia sẻ với trẻ đúng lúc, đúng cách… để cả hai hiểu nhau hơn nhé. Chúc bạn và cả nhà luôn vui khỏe, hạnh phúc! 

Bài viết liên quan