Ăn dặm là một cột mốc quan trọng trong cuộc đời của trẻ sơ sinh. Một em bé khỏe mạnh, phát triển tốt có thể ăn nhiều loại thức ăn rắn từ các nhóm thực phẩm khác nhau. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là trẻ có thể ăn mọi thứ. Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi có thể cần phải tránh một số loại thực phẩm do có hệ tiêu hóa chưa trưởng thành.
Khi nào trẻ bắt đầu ăn dặm?
Trong 6 tháng đầu đời, trẻ tốt nhất nên uống sữa mẹ để có thể nhận được các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Trong một số trường hợp, trẻ có thể bú thêm sữa công thức nhưng chưa được ăn dặm.
Khi trẻ 6-7 tháng tuổi, đây là lúc bạn có thể bắt đầu tập cho trẻ ăn dặm. Bắt đầu bằng những thực phẩm mềm, loãng trước rồi sau đó dần chuyển qua thực phẩm cứng và to hơn.
Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi không nên ăn gì?
Đường tinh luyện
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyên không nên cho trẻ sơ sinh dưới 24 tháng tuổi ăn thêm đường. Theo các chuyên gia, trẻ sơ sinh không nên ăn đường riêng lẻ hoặc ăn kèm với thức ăn vì đường sẽ bổ sung thêm calo vào chế độ ăn và có thể gây sâu răng.
Ngoài ra, việc cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi tiếp xúc với đường từ sớm có thể khiến trẻ phát triển sở thích đối với đồ ngọt, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và những bệnh lý mãn tính khác.
Mật ong
Mật ong là chất tạo ngọt tự nhiên và có khoáng chất vi lượng và chất chống oxy hóa. Đó là lý do tại sao mật ong được coi là một sự thay thế lành mạnh cho đường. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi không thể dùng mật ong ở bất cứ dạng nào vì nguy cơ ngộ độc cao.
Ngoài ra, mật ong chứa một lượng đường đáng kể, nếu tiêu thụ quá nhiều sẽ gây ra những nguy cơ sức khỏe tương tự như đường tinh luyện.
Muối
Trẻ sơ sinh từ 7 đến 12 tháng tuổi cần 0,37 gam natri mỗi ngày. Theo các chuyên gia, hầu hết trẻ sơ sinh đủ tháng, khỏe mạnh có thể đáp ứng được nhu cầu này từ sữa mẹ hoặc sữa công thức. Do đó, bạn không nên thêm muối vào thức ăn của trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi để tránh thận quá tải do cơ thể đang hấp thu quá nhiều natri.
Sữa bò tươi
Sữa bò nguyên chất có thể cung cấp một số chất dinh dưỡng, nhưng không phù hợp với trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi. Khuyến cáo này dựa trên thực tế là sữa bò thiếu các chất dinh dưỡng thiết yếu, chẳng hạn như vitamin E, sắt và kẽm mà trẻ sơ sinh cần để phát triển và tăng trưởng khỏe mạnh. Trẻ sơ sinh cũng có khả năng bị dị ứng cao hơn khi uống sữa bò.
Ngoài ra, sữa bò có protein và khoáng chất nặng gây căng thẳng không đáng có cho thận vẫn đang phát triển của trẻ. Ngoài ra, các protein này có thể gây kích ứng niêm mạc hệ tiêu hóa của trẻ, gây ra và làm tăng nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt theo thời gian.
Phô mai
Nhiều loại phô mai có thể là một phần của chế độ ăn uống cân bằng cho trẻ sơ sinh, giúp cung cấp canxi, protein và vitamin dồi dào. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi không nên được cho ăn các loại phô mai mềm đã bị mốc.
Các loại phô mai này có nguy cơ mang vi khuẩn listeria cao hơn. Bất kỳ loại phô mai nào làm từ sữa chưa tiệt trùng cũng có nguy cơ mang vi khuẩn listeria cao hơn và trẻ sơ sinh (và trẻ nhỏ) nên tránh ăn để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Thực phẩm chưa tiệt trùng
Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi dùng sữa thô chưa tiệt trùng, sữa chua, giấm táo và nước trái cây có thể tăng nguy cơ tiếp xúc với vi khuẩn E. coli/ E. coli có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng, chẳng hạn như nhiễm trùng huyết và viêm màng não ở trẻ sơ sinh.
Hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh không thể xử lý được những vi khuẩn này. Do đó, tốt nhất không nên cho trẻ dùng thực phẩm chưa qua tiệt trùng.
Nước ép trái cây
Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo không nên cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi uống nước ép trái cây. Nước ép trái cây không cung cấp giá trị dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi mà ngược lại còn khiến trẻ hấp thụ nhiều đường hơn lượng cần thiết.
Thịt hun khói
Trẻ sơ sinh nên tránh bất kỳ loại thịt nào chưa được nấu chín hoàn toàn đến nhiệt độ bên trong ít nhất là 165 độ. Thịt hun khói đôi khi không được nấu ở nhiệt độ cao này nên khó đảm bảo rằng vi khuẩn có hại sẽ bị tiêu diệt. Ngoài ra, thịt hun khói chứa nhiều chất béo và thường được ướp với nhiều muối, không tốt cho sự phát triển của trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi.
Trứng sống hoặc trứng chín một phần
Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi khi ăn dặm có thể ăn trứng nấu chín kỹ nhưng không được ăn trứng sống và trứng nấu chưa chín (chẳng hạn như trứng lòng đào) vì điều này làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn salmonella và các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn khác.
Theo báo cáo của CDC, trẻ em dưới năm tuổi có nguy cơ phải nhập viện cao gấp ba lần nếu bị nhiễm khuẩn salmonella. Ngoài ra, ăn trứng chưa được chế biến kỹ còn còn khiến trẻ có nguy cơ dị ứng thực phẩm cao hơn.
Giá đỗ sống
Giá đỗ có thể cung cấp protein, chất xơ và một số vi chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, không nên cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi ăn giá đỗ sống vì giá đỗ sống có thể chứa vi khuẩn có hại, chẳng hạn như vi khuẩn salmonella và E. coli. Những vi khuẩn này có thể gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.
Các loại hạt và đậu phộng nguyên hạt
Các loại hạt nguyên hạt, chẳng hạn như hạnh nhân, hạt điều, hạt dẻ cười và đậu phộng, có khả năng gây nghẹn cho trẻ sơ sinh dưới 4 tuổi. Vì vậy, nên tránh cho trẻ dùng các loại thực phẩm này. Thay vào đó, có thể nghiền nát, giã nhuyễn,… và tập cho trẻ ăn khi con bắt đầu quen với việc nhai thức ăn.
Đồ uống từ gạo
Gạo là một loại ngũ cốc phổ biến được sử dụng làm thực phẩm bổ sung cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, khi nói đến đồ uống từ gạo, chẳng hạn như sữa gạo, các chuyên gia khuyến cáo trẻ em dưới năm tuổi không nên dùng sữa gạo thay thế cho sữa mẹ hoặc sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh.
Lý do là vì đồ uống từ gạo có thể chứa hàm lượng asen vô cơ cao, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức của trẻ theo thời gian.
Đồ ăn có vị cay
Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi nên cần hạn chế các loại đồ ăn có vị cay nóng vì điều này có thể kích thích hệ tiêu hóa và khiến trẻ cảm thấy khó chịu, dễ bị rối loạn tiêu hóa.
Với trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi, khi ăn dặm cần cân bằng các nhóm chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, hãy lưu ý những loại thực phẩm không nên cho trẻ ăn để giúp bé ăn dặm tốt, phát triển khỏe mạnh bạn nhé.