Thông thường, nhiều cặp vợ chồng phải đối mặt với những xáo trộn trong hôn nhân do sống chung với nhà chồng. Các vấn đề với bố mẹ chồng và đại gia đình thường được coi là lý do dẫn đến ly hôn khiến nhiều người chuẩn bị làm dâu trở nên lo lắng.
Nhưng có thật sự việc sống chung cùng gia đình chồng sẽ ảnh hưởng đến hôn nhân của các cặp đôi và nếu thật sự như vậy, nên làm gì để duy trì một cuộc hôn nhân bền vững?
Sống chung với nhà chồng ảnh hưởng thế nào đến hôn nhân của bạn?
Theo một nghiên cứu, các cặp đôi đã kết hôn đều rất coi trọng mối quan hệ của con dâu với bố mẹ chồng và coi đó là một khía cạnh quan trọng trong cuộc sống hôn nhân của hai người.
Và các nàng dâu cũng rất e dè trong việc sống chung với mẹ chồng hay gia đình chồng. Trên thực tế, việc sống chung với nhà chồng có thể tác động đáng kể đến hôn nhân, cả tích cực lẫn tiêu cực.
Hỗ trợ tinh thần cho cuộc sống hôn nhân
Việc sống chung với nhà chồng có ảnh hưởng đến hôn nhân và hạnh phúc tình cảm của hai bạn không? Câu trả lời chắc chắn là có.
Có bố mẹ chồng ủng hộ có thể mang lại sự hỗ trợ về mặt tinh thần cho cặp đôi trong những thời điểm khó khăn. Bố mẹ chồng có thể chính là “tòa án” để phân xử khi bạn và chồng cãi nhau. Điều này có thể giúp củng cố mối quan hệ giữa hai bạn cũng như giúp bạn được tiếp thêm động lực trong cuộc sống hôn nhân.
Hỗ trợ tài chính
Trong một số trường hợp, bố mẹ chồng có thể hỗ trợ tài chính cho các cặp vợ chồng. Mặc dù điều này có thể có lợi nhưng điều quan trọng là phải đảm bảo rằng mọi thỏa thuận tài chính đều không gây căng thẳng cho cuộc hôn nhân của bạn.
Hỗ trợ việc nhà
Với những cặp đôi trẻ, thật khó để cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình. Đặc biệt khi bạn mang thai và sinh con, cuộc sống của hai vợ chồng sẽ càng khó khăn hơn. Bố mẹ chồng hay các thành viên trong gia đình chồng sẽ chính là “chìa khóa” để bạn giải quyết vấn đề đầy căng thẳng này. Chẳng hạn như bố mẹ chồng có thể giúp bạn trông con hoặc đón con về, hay giúp bạn nấu cơm và chuẩn bị bữa tối để bạn không phải quá tải sau một ngày làm việc tại cơ quan.
Bị can thiệp vào việc đưa ra quyết định
Nếu bạn đang thắc mắc ”Sống chung với nhà chồng có ảnh hưởng đến hôn nhân không” thì câu trả lời là có vì có thể liên tục có sự can thiệp vào cuộc sống của bạn.
Bố mẹ chồng hay để ý, xét nét, có ý kiến về các quyết định của một cặp vợ chồng, đặc biệt khi liên quan đến các sự kiện lớn trong đời như sinh con hoặc mua nhà sẽ khiến bạn cảm thấy vô cùng mệt mỏi.
Sự can thiệp có thể diễn ra theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như cản trở quyết định của bạn, không cho phép bạn làm điều gì đó hoặc thường xuyên đưa ra lời khuyên, góp ý,… Bạn có thể cảm thấy mất tự do khi không được tự đưa ra những quyết định theo mong muốn của mình.
Bị chỉ trích
Khi bạn đang trải qua những vấn đề trong cuộc hôn nhân, đặc biệt là khi vợ chồng cãi nhau hay phát sinh mâu thuẫn và bố mẹ chồng bắt đầu quan tâm đến chúng, mọi chuyện có thể trở nên khó khăn hơn với cả hai bạn.
Bố mẹ chồng có thể chỉ trích vợ chồng bạn, tạo ra cảm giác căng thẳng và tổn thương. Đặc biệt nếu bố mẹ chồng đứng về phía con trai của mình thì nàng dâu sẽ càng dễ có cảm giác tổn thương và bất mãn, khiến khoảng cách giữa bố mẹ chồng và nàng dâu ngày càng lớn hơn.
Vợ chồng cãi nhau với các thành viên trong nhà chồng
Khi sống chung với nhà chồng, bạn cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng rằng vợ chồng bạn có thể có những căng thẳng, mâu thuẫn với các thành viên trong nhà chồng. Có thể là bố mẹ chồng, hoặc anh em của chồng hay bất kỳ thành viên nào trong nhà.
Mâu thuẫn có thể đến từ những việc nhỏ nhất như không phù hợp trong chuyện ăn uống, nếp sinh hoạt, việc sử dụng các không gian chung, đóng góp kinh tế cho gia đình,…
Các vấn đề thường dễ gây mâu thuẫn khi các cặp đôi sống chung với nhà chồng bao gồm
- Truyền thống gia đình: Tư tưởng của bạn và người bạn đời của bạn có thể hiện đại và không phù hợp với những truyền thống gia đình từ xưa. Chẳng hạn như bố mẹ có truyền thống sum vầy, đón Tết nguyên đán tại nhà trong khi vợ chồng bạn lại muốn tận dụng những ngày nghỉ ít ỏi này để đi du lịch nước ngoài. Điều này có thể khiến bố mẹ chồng cảm thấy “phật ý”.
- Tôn giáo và văn hóa: Vợ chồng có thể có niềm tin tôn giáo hoặc văn hóa khác với bố mẹ và gia đình chồng, điều này có thể tạo ra căng thẳng khi sống chung với nhà chồng. Đặc biệt nếu bố mẹ chồng cổ hủ hay các trường hợp mẹ chồng mê tín,… sẽ khiến mâu thuẫn càng trở nên nghiêm trọng.
- Cách nuôi dạy con cái: Một trong những vấn đề dễ gây cãi nhau nhất khi sống chung với nhà chồng chính là cách nuôi dạy con cái. Bố mẹ chồng có thể muốn nuôi con theo phương pháp truyền thống trong khi bạn muốn áp dụng những cách nuôi con mới. Chẳng hạn như bạn muốn rèn con ngủ riêng nhưng ông bà lại muốn để cháu ngủ cùng mình. Khi bạn không đồng ý với cách chăm sóc con của bố mẹ chồng mình, điều này sẽ dễ khiến bạn và bố mẹ chồng cãi nhau.
Nên làm gì để tránh các mâu thuẫn khi sống chung với nhà chồng?
Việc thiết lập những ranh giới với bố mẹ chồng là điều quan trọng để duy trì một cuộc hôn nhân lành mạnh khi sống chung với nhà chồng. Dưới đây là năm mẹo để bạn có thể chung sống hòa hợp với gia đình nhà chồng:
Giao tiếp cởi mở
Khi đối xử với bố mẹ chồng và các thành viên trong gia đình chồng, hãy cố gắng giữ cách giao tiếp trung thực. Xung đột với bố mẹ chồng là điều bình thường nhưng điều quan trọng là cách bạn giải quyết vấn đề.
Giao tiếp cởi mở với bố mẹ chồng là chìa khóa để hai bên hiểu nhau hơn. Hãy trung thực về nhu cầu và mong đợi của bạn, đồng thời lắng nghe những mối quan tâm của họ.
Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý cởi mở và trung thực không có nghĩa là nói tất cả mọi thứ mình muốn. Nên chọn cách giao tiếp nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương đối phương.
Quyết đoán
Để có thể chung sống hòa hợp đòi hỏi bạn phải có sự quyết đoán. Đừng ngại nói không hoặc lên tiếng khi bố mẹ chồng bạn vượt quá giới hạn.
Đặt kỳ vọng rõ ràng
Bạn cảm thấy buồn khi bố mẹ chồng không giống như những gì bạn tưởng tượng? Gia đình nhà chồng không có sự giúp đỡ cho cuộc sống hôn nhân của bạn, ở cả khía cạnh tài chính hay tinh thần?
Có thể, bạn đang đặt kỳ vọng quá lớn và mong đợi quá nhiều. Hãy đưa ra những kỳ vọng rõ ràng và thực tế, tránh hy vọng quá nhiều dẫn đến thất vọng.
Thỏa hiệp
Thỏa hiệp với bố mẹ chồng có thể giúp xây dựng một mối quan hệ lành mạnh và bền chặt khi bạn sống chung với nhà chồng. Mỗi bên cùng lùi một bước, tìm cách đáp ứng nhu cầu và sở thích của nhau sẽ giúp bạn hạn chế được kha khá các cuộc tranh cãi có nguy cơ diễn ra.
Tôn trọng ranh giới của nhau
Giống như bạn có ranh giới của chính mình, bố mẹ chồng và các thành viên trong gia đình chồng của bạn cũng có ranh giới của riêng họ. Tôn trọng ranh giới của họ và hãy nói cho mọi người biết bạn cũng muốn được tôn trọng tương tự như vậy.
Sống chung với nhà chồng có thể mang đến sự hỗ trợ tích cực cho cuộc sống hôn nhân của bạn, nhưng cũng có thể khiến cuộc sống của bạn căng thẳng hơn. Do đó, hãy cân nhắc và thảo luận thật kỹ với chồng trước khi đưa ra quyết định có nên sống cùng với nhà chồng hay không bạn nhé!
Và bạn cần nhớ rằng, việc duy trì mối quan hệ lành mạnh với bố mẹ chồng và các thành viên trong gia đình chồng có thể là một thách thức nhưng đó là điều cần thiết để có một cuộc sống gia đình hòa thuận, đặc biệt là khi bạn sống chung với nhà chồng.