Qua câu chuyện học sinh cấp 2 ném dép vào mặt cô giáo, ngoài thực tế đáng buồn về việc trẻ cần được rèn luyện và giáo dục đạo đức thì câu hỏi đặt ra chính là: Đâu sẽ là “liều thuốc” để xoa dịu trẻ nổi loạn? Và liệu từ khi trẻ còn nhỏ, có thể ngăn ngừa tính cách này của trẻ hay không?
Nguyên nhân dẫn đến hành vi nổi loạn của trẻ
Những cơn giận dữ, có phản ứng tức giận mạnh mẽ là những hành vi thường gặp ở trẻ, đặc biệt là trong giai đoạn tuổi dậy thì. Điều này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như:
Muốn khẳng định quyền kiểm soát và tính độc lập
Khi lớn lên, trẻ muốn được kiểm soát đáng kể cuộc sống của mình và tìm kiếm sự độc lập. Trẻ thích tự mình đưa ra quyết định, kiểm soát việc mình mặc gì, đi chơi với ai, muốn làm gì khi rảnh rỗi,…
Vì vậy, trẻ có thể phản ứng gay gắt hoặc nổi loạn khi bố mẹ, thầy cô, người lớn,… đưa ra ý kiến hoặc khi bạn nghi ngờ khả năng ra quyết định của trẻ.
“Thăm dò” phản ứng của người lớn
Đôi khi, trẻ nổi loạn, có những hành động kỳ lạ để xác định xem hành vi đó có được chấp nhận hay không. Trẻ em thích thử nghiệm và do đó, trẻ có thể làm điều gì đó để kiểm tra sự kiên nhẫn của bạn và xem trẻ có thể làm mọi việc đến mức nào trước khi phải đối mặt với hậu quả.
Chịu đựng áp lực từ bạn bè
Không chỉ ở cấp trung học cơ sở mà ngay cả ở cấp mầm non, bạn bè cùng trang lứa cũng ảnh hưởng đến trẻ em. Trẻ sẽ làm bất cứ điều gì để phù hợp và cảm thấy được chấp nhận. Thay vì nghe lời cha mẹ hoặc người nhà, thầy cô, trẻ có thể sẽ làm theo bạn bè của mình và dần trở thành một đứa trẻ nổi loạn.
Rối loạn tâm lý tuổi dậy thì
Để lý giải về hành vi trẻ nổi loạn thì một trong những nguyên nhân thường gặp chính là do hội chứng rối loạn tâm lý tuổi dậy thì. Sự phát triển và thay đổi nhanh chóng mặt của các hormone sinh dục, đi kèm với những thay đổi trên cơ thể, những tò mò về bản thân không được giải đáp,… góp phần tác động đến tâm lý của trẻ.
Rối loạn tâm lý tuổi dậy thì có thể khiến trẻ nổi loạn hoặc trở nên lầm lì, ít chia sẻ với mọi người xung quanh. Trẻ cũng có nguy cơ bị trầm cảm nếu không được quan tâm đúng cách.
Mong muốn khẳng định mình và tìm kiếm sự chú ý
Trẻ em thường mong muốn được chú ý và xác nhận. Nhiều trường hợp bố mẹ không quan tâm đến con khiến con dùng đến các biện pháp cực đoan để thu hút sự chú ý của bố mẹ.
Khát khao được tôn trọng
Trẻ em, đặc biệt là trong giai đoạn dậy thì có khát khao được tôn trọng mãnh liệt hơn bao giờ hết. Khi trẻ cảm thấy lòng tự trọng bị tấn công, trẻ dễ có những hành vi nổi loạn để chống đối.
Cách giáo dục sai cách, chưa phù hợp
Một phần nguyên nhân trẻ nổi loạn đến từ việc trẻ chưa được giáo dục đúng cách hoặc phương pháp giáo dục chưa phù hợp. Kiểm soát quá mức, thường xuyên dạy con bằng đòn roi hay nuông chiều quá mức,… đều có thể khiến trẻ nổi loạn.
Xem thêm: Cách dạy con trai tuổi dậy thì độc lập, cởi mở nhưng vẫn vâng lời
Giáo dục trẻ nổi loạn, bố mẹ cần làm gì?
Hành vi nổi loạn ở trẻ có thể gây khó chịu và thử thách sự kiên nhẫn của bố mẹ, thầy cô và những người xung quanh trẻ. Tuy nhiên, với một số mẹo dưới đây, bạn có thể quản lý hành vi này và kỷ luật con mình một cách khôn ngoan. Và hơn hết, những cách dạy con dưới đây cũng sẽ giúp bạn có thể hạn chế được việc trẻ nổi loạn ngay từ khi trẻ còn nhỏ:
Hãy hành động, đừng phản ứng
Khi chứng kiến trẻ nổi loạn và hành động không tốt, đừng mất bình tĩnh hay nóng nảy. Thay vào đó, hãy lùi lại và nói với trẻ rằng bạn không đồng tình với hành vi đó và trẻ cần phải dừng lại. Nói với trẻ rằng bạn sẽ thảo luận về hành vi không phù hợp vào thời điểm trẻ bình tĩnh hơn. Sau đó, bạn có thể sử dụng thời gian để bình tĩnh lại và để trẻ suy nghĩ về hành động của mình cũng như những hậu quả có thể xảy ra.
Ngay khi trẻ nổi loạn, việc bạn phản ứng gay gắt với trẻ sẽ “châm dầu vào lửa” và có thể khiến trẻ gây nên những hành vi mất kiểm soát. Tốt nhất hãy để trẻ có thời gian và bình tĩnh lại thay vì phản ứng với trẻ bạn nhé.
Cho trẻ không gian
Khi một đứa trẻ có hành vi sai trái, tất cả những gì bạn muốn làm là đi la hét, trách móc và đảm bảo rằng trẻ đang làm lại đúng như ý của mình. Đôi khi, điều này có thể khiến trẻ choáng ngợp, bức bối về mặt tinh thần. Cần cho trẻ không gian để làm những gì trẻ muốn. Điều này sẽ giúp trẻ kiểm soát hành động và cho phép trẻ tự suy nghĩ về những hành vi của mình, hạn chế được tình huống trẻ nổi loạn.
Đặt mình vào vị trí của trẻ
Mọi câu chuyện đều có hai mặt. Tương tự như vậy, mọi xung đột đều có lý do từ hai phía. Khi trẻ nổi loạn, hãy thử nhìn mọi việc từ góc độ của trẻ và giải thích lý do cho những bất bình, những điều không hài lòng từ trẻ để xoa dịu cơn tức giận tức thời của trẻ.
Cố gắng tìm hiểu xem có điều gì khác đang xảy ra với trẻ không
Thông thường, khi một đứa trẻ mới biết đi, trẻ nhỏ hoặc thanh thiếu niên có hành vi nổi loạn, đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề tiềm ẩn. Vì vậy, thay vì tập trung vào cách con bạn hành động, hãy cố gắng đoán nguyên nhân cơ bản. Sự thay đổi hành vi đột ngột có thể do nhiều lý do, chẳng hạn như bị bắt nạt, cảm thấy không được tôn trọng hay một vấn đề tâm lý nào đó,…
Đặt kỳ vọng hợp lý
Việc tuân thủ các nội quy trong nhà, thực hiện các hành vi được cho phép, đi ngủ đúng giờ,… là những điều được mong đợi ở một đứa trẻ. Đây là những kỳ vọng hợp lý cần có vì bạn quan tâm và mong muốn điều tốt nhất cho trẻ.
Đôi khi, trẻ có thể thể hiện không hài lòng với những kỳ vọng của bố mẹ, đặc biệt nếu những kỳ vọng này không hợp lý. Đặt kỳ vọng thực tế dựa trên độ tuổi cũng như điểm mạnh và điểm yếu của con bạn và không bao giờ so sánh chúng với những đứa trẻ khác sẽ giúp trẻ có thể nghe lời hơn.
Đặt ra những quy tắc phù hợp
Đặt ra các quy tắc rõ ràng, yêu cầu trẻ phải tuân thủ nghiêm ngặt và thỉnh thoảng khen thưởng vì hành vi tốt của trẻ sẽ giúp trẻ hiểu được “niềm vui” và thậm chí là “lợi ích” khi mình vâng lời thay vì nổi loạn.
Giải thích logic đằng sau các quy tắc bạn đặt ra
Trẻ em có thể không hiểu đầy đủ lý do đằng sau một số quy tắc. Ví dụ, trẻ có thể thắc mắc tại sao họ nên ngủ lúc 9 giờ, trong khi bố mẹ có thể thức đến nửa đêm.
Thay vì bắt trẻ đi ngủ, nếu bạn có thể giải thích rằng, khi còn nhỏ, cơ thể chúng vẫn đang phát triển và cần ngủ từ 8 đến 9 tiếng, có lẽ trẻ sẽ hiểu rõ hơn và không nổi loạn. Nếu bạn đặt ra một quy tắc và giải thích lý do căn bản đằng sau những quy tắc này, nhiều khả năng trẻ sẽ chấp nhận thay vì nổi loạn.
Tôn trọng
Tôn trọng chính là chìa khóa để xoa dịu trẻ nổi loạn và cũng chính là liều thuốc phòng ngừa trẻ nổi loạn hữu hiệu. Tuy nhiên, sự tôn trọng cần có giới hạn nhất định, để tránh sự tôn trọng của bố mẹ vượt quá xa và trở thành “con dao hai lưỡi” khiến trẻ thiếu tôn trọng bố mẹ và những người xung quanh, trở nên ngông cuồng và thích làm mọi thứ theo ý mình.
Cho trẻ sự lựa chọn và khuyến khích trẻ tự đưa ra quyết định
Đôi khi, khi một đứa trẻ nổi loạn, có lẽ là vì trẻ cảm thấy mình không được lắng nghe hoặc muốn có tiếng nói về cách thức và thời điểm trẻ làm mọi việc. Bạn có thể làm cho con bạn cảm thấy như trẻ có quyền kiểm soát bằng cách cho trẻ lựa chọn. Ví dụ, khi bạn nói với con rằng nên cất đồ chơi đi, thay vì đưa ra thời gian cụ thể, hãy nói với con rằng con phải cất đồ chơi trước bữa tối hoặc trước khi đi ngủ.
Thậm chí khi trẻ lớn hơn, bạn có thể khuyến khích trẻ tự đưa ra quyết định. Trẻ có thể mắc một hoặc hai sai lầm nhưng chỉ can thiệp khi thực sự cần thiết. Lúc này, trẻ sẽ tận hưởng niềm vui của việc tự độc lập đưa ra quyết định. Từ việc chọn trang phục cho bữa tiệc đến tô màu căn phòng theo màu trẻ chọn, hãy để trẻ quyết định. Việc ra quyết định sẽ giúp trẻ cảm thấy mình được tôn trọng và không có lý do gì để trẻ nổi loạn trong những lúc như thế này.
Luôn ở bên cạnh con
Việc đồng hành cùng trẻ trong suốt quá trình con khôn lớn và trưởng thành rất quan trọng. Bố mẹ cần dành nhiều thời gian hơn để tâm sự cùng con, quan sát những hành vi của con và giáo dục con.
Đừng chỉ phó thác chuyện giáo dục cho nhà trường bởi gia đình mới chính là ngôi trường đầu tiên của trẻ và bố mẹ chính là những người thầy, người cô mà trẻ được tiếp xúc từ khi con chào đời.
Đừng phán xét trẻ
Khi con bạn đưa ra lựa chọn hoặc hành động, hãy tránh đưa ra những lời nói mang tính phán xét, chê bai con cái của mình. Những câu nói cụ thể bắt đầu bằng “Con không bao giờ…” hoặc “Con luôn…” sẽ khiến trẻ trở nên tự vệ, hành động hoặc nghĩ mình là một vấn đề, một rắc rối. Điều này có thể làm tăng nguy cơ trẻ nổi loạn.
Cảnh báo trẻ về những mối nguy hiểm tiềm ẩn và hậu quả có thể xảy ra
Trẻ có thể nổi loạn theo nhiều cách khác nhau và bạn không thể biết được đâu là thời điểm trẻ nổi loạn. Do đó, trước khi quá muộn, hãy nói chuyện với trẻ về tác hại của thuốc lá, rượu,…và những mối nguy hiểm tiềm ẩn có thể xảy ra nếu trẻ đi quá xa khỏi những nguyên tắc mà bố mẹ, thầy cô đưa ra.
Ngoài ra, việc giáo dục trẻ luôn cần sự cứng rắn song song với mềm mỏng. Do đó, bạn cũng cần đặt ra những hình phạt nếu trẻ vi phạm các nguyên tắc mà bố mẹ đã đưa ra.
Những hành vi nổi loạn của trẻ biến mất chỉ sau một đêm. Do đó, hy vọng rằng với trẻ nổi loạn, bố mẹ luôn kiên nhẫn và cùng con thay đổi. Ngoài ra, hãy cố gắng để đồng hành cùng con, giáo dục và định hướng cho con ngay từ khi trẻ còn nhỏ để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra bạn nhé.