Hôn nhân sắp đặt là gì? Đấy là trường hợp dâu lẫn rể đều không được tự do lựa chọn bạn đời mà phải tuân theo sự sắp xếp sẵn của gia đình.
Hôn nhân sắp đặt có nguồn gốc từ những nền văn hóa trọng truyền thống, đặc biệt là ở châu Á, Trung Đông và châu Phi. Việc chọn đối tượng thường dựa trên những tiêu chí như tôn giáo, dòng họ, tài sản, địa vị xã hội, nghề nghiệp… Trong thời hiện đại, việc có nên chấp nhận hôn nhân sắp đặt hay không cũng khiến nhiều người băn khoăn.
Hôn nhân sắp đặt là tốt hay xấu?
Đối với nhiều người, hôn nhân sắp đặt dường như chỉ là chuyện xa xôi thời xưa. Thực tế, cho đến nay vẫn có không ít gia đình chọn kết hôn theo người lớn trong nhà. Nguyên nhân chính có lẽ là để đảm bảo “môn đăng hộ đối”.
Mặt tốt của hôn nhân sắp đặt
- Giảm bớt áp lực: Đối với nhiều người, việc tìm kiếm bạn đời là áp lực không nhỏ. Nhiều người không có thời gian hẹn hò hoặc không thể tìm được đối tượng nào ưng ý. Lúc này nếu chọn kết hôn theo ý gia đình thì sẽ tiết kiệm thời gian, công sức.
- “Môn đăng hộ đối”: Nếu việc kết hôn là do gia đình sắp đặt thì thường hai bên sẽ có những giá trị, niềm tin, văn hóa, lối sống tương thích với nhau. Điều này có thể giảm bớt xung đột, mâu thuẫn gia đình giữa hai bên.
- Cam kết với hôn nhân: Những người kết hôn theo sự sắp đặt thường rất trọng gia đình. Họ sẽ cố gắng hết sức để giữ gìn hôn nhân của mình, không để cha mẹ thất vọng.
- Được gia đình hỗ trợ: Hai vợ chồng có thể nhận được sự ủng hộ của gia đình hai bên cả về tinh thần lẫn tài chính. Điều này giúp cả hai có tài chính vững vàng, nhanh chóng ổn định sau khi cưới.
Một số nhược điểm của hôn nhân sắp đặt
- Mất tự do và quyền cá nhân: Bạn không được quyền quyết định về cuộc sống riêng của mình. Thậm chí không ít cặp đôi bị ép buộc đến với nhau. Đến khi muốn ly hôn cũng sẽ không dễ dàng.
- Thiếu tình yêu: Với hôn nhân sắp đặt, việc có cơ hội để tìm hiểu, hẹn hò từ trước là khá khó xảy ra. Việc này dẫn tới cả hai không có tình cảm, tôn trọng, tin tưởng, thói quen giao tiếp, v.v. với nhau. Vợ chồng sẽ khó tìm thấy hạnh phúc trong hôn nhân của mình. Trong trường hợp những người đã có đối tượng yêu đương hoặc có ý trung nhân thì hôn nhân sắp đặt chẳng khác gì một cơn ác mộng.
- Áp lực từ gia đình: Đời sống vợ chồng có thể bị can thiệp sâu từ gia đình hai bên. Chẳng hạn như quyết định sinh con, mua nhà, công việc, nơi ở,…
Có nên chấp nhận hôn nhân sắp đặt hay không?
Đây là một câu hỏi khó có câu trả lời đúng sai. Như bạn cũng đã thấy, hôn nhân sắp đặt có tốt cũng có xấu. Mỗi người có mức độ chấp nhận riêng. Khó có thể có một câu trả lời chung cho việc kết hôn như thế nào thì đúng. Sau đây là một số gợi ý giúp bạn suy nghĩ rõ ràng và có quyết định tốt hơn:
- Bạn có ý định kết hôn hay không? Bạn mong đợi điều gì và có kế hoạch gì cho cuộc sống hôn nhân hay chưa? Những kỳ vọng của bạn có giống với gia đình hay không?
- Bạn có khả năng độc lập tài chính, không phụ thuộc vào gia đình để tự do quyết định hay không? Nếu hôn nhân không hạnh phúc, bạn có thể chấp nhận được hậu quả gì?
- Bạn cũng cần lắng nghe để hiểu được ý kiến của gia đình. Tại sao gia đình lại muốn tiến tới cuộc hôn nhân sắp đặt này? Những lý do này có thuyết phục bạn hay không?
- Bạn cần tìm hiểu và gặp gỡ đối tượng được xe duyên với bạn trước khi đồng ý kết hôn. Dù là hôn nhân tự do hay sắp đặt, nếu không tìm thấy sự hòa hợp thì rất khó để đồng hành lâu dài.
- Hãy xin lời khuyên từ bạn bè, những người lớn tuổi hơn đã kết hôn. Có nhiều vấn đề chỉ phát sinh sau khi cưới mà bạn khó có thể lường trước được.
Sau khi cân nhắc, bạn hãy cố gắng trao đổi thẳng thắn với gia đình, đưa ra quyết định và kiên trì giữ chính kiến. Bạn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của cha mẹ nhưng hôn nhân hạnh phúc của bạn là do chính bạn giành lấy.
Nếu cha mẹ ép cưới thì phải làm sao?
Đây là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Bạn hoàn toàn có thể bị hối thúc, thậm chí ép cưới người không có tình cảm. Cách xử lý cũng phụ thuộc vào tình huống cụ thể của mỗi người. Bạn có thể tìm đến các giải pháp sau:
- Bạn cần cố gắng đảm bảo bản thân không phụ thuộc vào gia đình, cha mẹ, đặc biệt là về mặt tài chính. Nếu không bạn sẽ rơi vào thế yếu và rất khó bảo vệ bản thân.
- Giữ sức khỏe tinh thần ổn định.
- Tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè, họ hàng, đặc biệt là những người lớn tuổi hơn.
- Phần lớn các cuộc hôn nhân sắp đặt là vì cha mẹ muốn con cái sớm yên bề gia thất. Nếu đó không phải là sự an toàn, hạnh phúc, lý tưởng mà bạn mong muốn thì hãy thẳng thắn. Bạn cần bày tỏ những cảm xúc cũng như lý do không muốn tiến tới hôn nhân sắp đặt. Điều quan trọng là giữ bình tĩnh, tránh tỏ ra quá tức giận hoặc căng thẳng để tránh xung đột quá lớn.
- Nếu cần thiết, hãy tìm đến chuyên gia tư vấn tâm lý, các tổ chức bảo vệ người yếu thế.
Nếu không đồng ý hôn nhân sắp đặt thì nên tìm sự giúp đỡ của những người có kinh nghiệm
Hôn nhân là chuyện trọng đại cả đời, nếu không đồng ý hôn nhân sắp đặt thì bạn cần tìm cách để tránh trước khi quá muộn. Bạn không thể “nhắm mắt đưa chân” để rồi phí hoài thời gian, sức lực mà lại không được hạnh phúc.