Vậy làm sao để tăng chỉ số cảm xúc (chỉ số EQ) cho bé, hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Cảm xúc là gì?
Cảm xúc chính là yếu tố quan trọng để quyết định hành động, sợ hãi, tình yêu, ghét hay tức giận. Đây chính là bản năng vốn có của mỗi người, quyết định rất nhiều đến sự thành công trong giao tiếp học tập hay những vấn đề khác.
Trẻ biết cách quản lí cảm xúc tốt sẽ có phần thuận lợi hơn trong việc học tập hay giao tiếp xã hội.
Chỉ số EQ trí tuệ cảm xúc là gì?
Chỉ số cảm xúc EQ là biểu hiện về khả năng quản lí cảm xúc của mình và những người xung quanh. Từ đó có thể đưa ra hướng giải quyết, tốt hơn, tạo động lực cho chính mình và những người xung quanh. Do vậy, những người có chỉ số EQ cao thường nhận được sự tin tưởng và yêu quý của mọi người.
Tại sao chúng ta cần nâng cao chỉ số EQ cho trẻ?
Nếu bố mẹ trang bị cho trẻ một trí tuệ cảm xúc EQ cao ngay từ sớm, đây sẽ là nền tảng vững chắc để trẻ có thể đối mặt với những va chạm trong cuộc sống sau này. Điển hình như những khó khăn trong việc học tập hay vui chơi với bạn bè.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chỉ số cảm xúc sẽ quyết định rất nhiều cho sự thành công trong tương lai, đôi khi còn hơn cả chỉ số thông minh IQ. Bố mẹ có thể quan sát những người thành công trong sự nghiệp họ thường quản lý cảm xúc của bản thân rất tốt, không dễ nổi nóng tức giận…
Mặc dù thành tích và kiến thức rất quan trọng nhưng để thành công thì cần phải kết hợp thêm khả năng giao tiếp, mối quan hệ trong xã hội… lúc này cảm xúc đóng vai trò quan trọng hơn cả.
Qua những chi tiết nêu trên Mẹ và Con có thể khẳng định rằng nâng cao chỉ số cảm xúc là một trong những kỹ năng mà bố mẹ nên dạy cho trẻ càng sớm càng tốt.
Lời khuyên giúp bố mẹ nâng cao chỉ số EQ cho trẻ
Bố mẹ hoàn toàn có thể nâng cao chỉ số EQ của trẻ bằng những phương pháp đơn giản sau:
Giáo dục trẻ bằng tình yêu thương của chính bố mẹ
Ở từng độ tuổi của con, bố mẹ phải nhận biết được đâu là nhu cầu về mặt cảm xúc con cần. Ví dụ như:
- Đối với trẻ sơ sinh: Lúc này bé cần nhất là được ngủ và bú sữa, bên cạnh đó bé cũng rất muốn bố mẹ bồng bế mỗi ngày để cảm nhận hơi ấm từ bạn đấy.
- Ở giai đoạn trẻ tập đi: Lúc này bé yêu lại mong muốn tự khám phá mọi thứ xung quanh. Vì vậy mà bố mẹ đừng quá “giữ” chặt bé nhé, hãy để bé thoải mái đi trên đôi chân của mình. Bạn đừng vội lo lắng khi thấy trẻ khóc khi ngã, vì đây là sự phát triển mà bất kì bé nào cũng phải trải qua.
- Khi bé tập nói: “Bố mẹ ơi hãy giao tiếp với con nhé”. Mỗi khi bé nói dù là những tiếng bập bẹ ê a, thì bạn cũng phải đáp lời bé bằng những câu hỏi như “Con muốn ăn đúng không nào?”, “Con muốn đi chơi à?” hay đơn giản hơn là nở một nụ cười trìu mến với bé, tuy đơn giản nhưng đây là một phương pháp tăng chỉ số EQ cho bé yêu rất hiệu quả đấy.
- Khi bé nhập học: Giai đoạn này có lẽ bé sẽ không mong muốn gì nhiều ngoài những lời quan tâm như “Hôm nay con học thế nào, có vui không?”, “Các bạn con có tốt không”,… bạn không nên cứ tập trung hỏi về chuyện điểm số, thành tích vì sẽ tạo thêm áp lực cho con.
- Giai đoạn trẻ dậy thì: Đây có lẽ là thời điểm khá nhạy cảm, lúc này trẻ sẽ có nhiều trải nghiệm bỡ ngỡ mà không biết chia sẻ với ai, hay đúng hơn là ngại nói ra. Lúc này để bố mẹ hãy trở thành người bạn để tâm sự cùng con.
Giúp trẻ phát triển cảm xúc bằng những trò chơi… đơn giản
Nắm bắt mọi khoảnh khắc trong cuộc sống để dạy trẻ thể hiện cảm xúc của mình, như nói lời cảm ơn, xin chào với mọi người hay đơn giản hơn là nở nụ cười với bác tài xế xe buýt, taxi.
Giúp trẻ biết quản lí cảm xúc tiêu cực
- Tôn trọng các quyết định và lựa chọn của trẻ để hạn chế sự hình thành những cảm xúc tiêu cực
- Luôn dành lời khen cho các nỗ lực của con cho dù đó là một hành động nhỏ
- Cho trẻ xem các chương trình vui nhộn, nhân văn, triết lí sống… sẽ giúp tăng chỉ số EQ cho trẻ.
Bố mẹ phải luôn là tấm gương của con trẻ
Một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến chỉ số EQ của trẻ chính là bố mẹ phải là tấm gương của con trẻ. Bạn nên nhớ rằng, mỗi hành động của chúng ta đều được các bé ghi nhớ và sao chép một cách chính xác.
Chính vì vậy, bạn hãy học cách kiềm chế cảm xúc tiêu cực và thể hiện các cảm xúc tích cực của mình ra bên ngoài. Một mẹo nhỏ là hãy chỉ cho con bạn những hành động mà chúng nên làm, cách hít thở như thế nào để kiểm soát cảm xúc tiêu cực của bản thân.
Kèm cặp cảm xúc của trẻ
Nhiều bạn nghĩ rằng việc kèm cặp cảm xúc của trẻ là một chuyện cực kỳ khó khăn, nhưng đây là chuyện hoàn toàn làm được đấy. Ví dụ như gặp một người đang có hoàn cảnh khó khăn hay gặp một chuyện buồn như đám hiếu chẳng hạn các bạn cần dạy trẻ rằng nên bày tỏ sự thông cảm, không nên cười cợt đùa giỡn quá vô tư.
Nếu độ tuổi của trẻ còn nhỏ, các bạn có thể chỉ trẻ nên đùa giỡn ở vị trí khác và không được làm phiền với mọi người.
Để kiểm soát cơn tức giận, hãy bảo trẻ đếm từ 1-10 và thở sâu. Cách làm này giúp trẻ vượt qua được cảm xúc nóng giận, không dẫn tới những hành vi nông nổi, thiếu kiềm chế.
Mẹ và Con hy vọng với những thông tin trên, bạn sẽ có thêm một kiến thức bổ ích về chỉ số EQ của trẻ, để cẩm nang chăm con của mình đa dạng và hữu ích hơn. Chúc bé yêu và bạn có thật nhiều kỉ niệm đẹp trong hành trình phát triển của con nhé!