Những ngày gần đây hẳn bạn đã biết đến tình trạng bùng phát của bệnh đau mắt đỏ. Nếu chẳng may các con của bạn bị lây bệnh này thì phải làm sao? Cùng khám phá những lời khuyên của các chuyên gia dưới đây nhé!
Theo thống kê, mỗi năm ở Mỹ có 3 triệu trường hợp được phát hiện. Mặc dù rất dễ lây lan nhưng bệnh này dễ điều trị và hiếm khi ảnh hưởng về lâu dài. Tuy nhiên, đau mắt đỏ có thể tồn tại tới hai tuần, khiến khả năng lây truyền trong gia đình cao hơn, nhất là khi con bạn ở độ tuổi đến trường.
Dấu hiệu trẻ bị đau mắt đỏ
Bên cạnh màu đỏ hoặc hồng đặc trưng khiến cho bệnh viêm kết mạc có tên gọi dân dã là đau mắt đỏ, thì khó chịu ở mắt là một triệu chứng phổ biến. Trẻ nhỏ có thể cho biết chúng có cảm giác như bị cát bay vào mắt. Thông thường, có một ít dịch tiết ra từ mắt, đau và sưng. Một số trẻ bị sưng mí mắt hoặc nhạy cảm với ánh sáng. Bệnh đau mắt đỏ có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai mắt.
Trong trường hợp viêm kết mạc dị ứng, ngứa và chảy nước mắt là những triệu chứng thường gặp nhất ở trẻ bị đau mắt đỏ. Do đó, nếu nghe con miêu tả về việc ngứa, xót mắt, bạn còn có thể thấy con khó mở mắt, nhất là vào buổi sáng do có gỉ ghèn bám chặt.
5 điều cần thực hiện khi trẻ bị đau mắt đỏ
Gặp bác sĩ chuyên khoa mắt
Bác sĩ sẽ xác định xem con bạn có bị đau mắt đỏ hay chỉ là bị dị ứng. Mặc dù các triệu chứng có thể giống nhau nhưng dị ứng thường ảnh hưởng đến cả hai mắt, trong khi đau mắt đỏ bắt đầu ở một mắt và có thể lan sang mắt bên còn lại.
Bệnh đau mắt đỏ do nhiều nguyên nhân gây ra. Vì thế, sẽ có rất nhiều cách điều trị tình trạng này. Nếu bé nhà bạn bị đau mắt đỏ là do vi khuẩn, bác sĩ có thể kê toa thuốc nhỏ mắt kháng sinh hoặc thuốc khác để giảm triệu chứng và tăng tốc độ chữa lành.
Nếu do nguyên nhân virus, bạn cần để nó tự phát triển, giống như cảm lạnh thông thường. Nếu dị ứng là nguyên nhân thì bệnh không lây nhiễm và bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách điều trị phát hiện và biện pháp điều trị tình trạng dị ứng gây đau mắt đỏ.
Cho trẻ nghỉ học ở nhà
Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan, đặc biệt là ở trẻ em. Bên cạnh đó, việc ngăn trẻ nhỏ chạm vào mắt còn khó khăn hơn. Trẻ có thể dùng chung đồ chơi, dụng cụ vẽ và thiết bị trong sân chơi, sau đó dụi mắt khiến cho bệnh dễ lây truyền hơn.
Nếu con bạn có triệu chứng đau mắt đỏ, rất có thể trường học và bác sĩ sẽ đề nghi bạn cho con ở nhà. Sau khi điều trị, các em sẽ có thể trở lại trường học theo chỉ định của bác sĩ.
Thay khăn và ga trải giường mới
Để giúp ngăn ngừa đau mắt đỏ lây từ mắt này sang mắt kia và cũng giúp bảo vệ những người khác trong nhà, hãy thường xuyên giặt khăn, ga trải giường, quần áo và bất cứ thứ gì khác mà con bạn có thể sử dụng thường xuyên.
Đặc biệt, đừng chia sẻ những vật dụng này giữa người bị nhiễm bệnh và những người còn lại trong gia đình. Nếu con thấy khó chịu, hãy cho trẻ biết đây là cách bảo vệ cả nhà hiệu quả và tán dương khi con hợp tác.
Lau kính mắt và tránh sử dụng kính áp tròng
Làm sạch kính đeo và hộp đựng để giúp ngăn tình trạng đau mắt đỏ chuyển từ mắt này sang mắt khác. Đặc biệt, nếu trẻ bị đayu mắt đỏ, hãy nhắc con không sử dụng kính áp tròng cho đến khi mắt khỏe lại. Thực hiện các bước này cũng sẽ giúp tránh tái nhiễm trùng.
Rửa tay và tránh cho trẻ chạm vào mặt ba mẹ
Cách tốt nhất để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh đau mắt đỏ và các mầm bệnh khác là thường xuyên rửa tay và tránh chạm vào mặt.
Hầu hết mọi người không nhận ra tần suất chạm vào mặt hoặc dụi mắt, đặc biệt nếu họ bị ngứa. Do đó, để giữ cho bệnh đau mắt đỏ không lây từ con sang bạn, hãy rửa tay sau khi cho trẻ uống thuốc, nhỏ mắt và tránh để trẻ chạm vào mặt bạn.
Bệnh đau mắt đỏ có thể được ngăn ngừa?
- Viêm kết mạc là bệnh truyền nhiễm nên rất dễ lây lan. Vì vậy hãy dạy trẻ rửa tay kỹ và thường xuyên bằng nước ấm và xà phòng. Trẻ cũng không nên dùng chung thuốc nhỏ mắt, khăn giấy, khăn lau, khăn tắm hoặc vỏ gối…
- Hãy nhớ rửa tay thật sạch sau khi chạm vào mắt trẻ bị nhiễm bệnh và vứt bỏ các vật dụng như gạc hoặc bông gòn sau khi sử dụng. Giặt khăn tắm và các loại khăn trải giường khác mà trẻ đã sử dụng bằng nước nóng trong thau riêng biệt với đồ giặt còn lại của gia đình để tránh nhiễm bệnh.
- Nếu bạn biết trẻ bị đau mắt đỏ do viêm kết mạc dị ứng, hãy đóng cửa sổ và cửa ra vào vào những ngày có nhiều phấn hoa, đồng thời thường xuyên hút bụi để hạn chế các tác nhân gây dị ứng. Viêm kết mạc kích thích chỉ có thể được ngăn ngừa bằng cách tránh các nguyên nhân gây kích ứng.
- Sàng lọc và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở phụ nữ mang thai có thể ngăn ngừa nhiều trường hợp đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh. Phụ nữ mang thai có thể có vi khuẩn trong ống sinh ngay cả khi không có triệu chứng. Đó là lý do tại sao việc sàng lọc trước sinh lại quan trọng.
Khi nào nên đưa trẻ bị đau mắt đỏ đến bênh viện?
Nếu bệnh đau mắt đỏ của trẻ không cải thiện sau 2 – 3 ngày điều trị hoặc sau một tuần khi không có bất kỳ biện pháp trị liệu nào. Ngoài ra, nếu bạn thấy con bị sưng, tấy đỏ và đau ở mí mắt và quanh mắt kèm với sốt, hãy gọi cho bác sĩ. Những triệu chứng đó có thể có nghĩa là nhiễm trùng đã bắt đầu lan ra ngoài kết mạc và cần được điều trị nhiều hơn.
Trẻ bị đau mắt đỏ tuy không đe dọa trực tiếp đến tính mạng nhưng cũng có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng. Vì thế, Tạp chí Mẹ và Con nhắc ba mẹ tuyệt đối đừng lơ là nhé!