Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Việt Nam là một trong số 34 quốc gia trên toàn cầu phải đối mặt với gánh nặng suy dinh dưỡng cao nhất. Vậy làm sao để phát hiện trẻ suy dinh dưỡng, cách điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ như thế nào? Cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu ngay!
Suy dinh dưỡng là gì?
Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể của trẻ bị thiếu hụt năng lượng và các chất dinh dưỡng. Hiểu một cách đơn giản, suy dinh dưỡng là khi dưỡng chất trong cơ thể ít hơn so với nhu cầu phát triển theo tuổi của con. Điều này gây nên những tác động tiêu cực đối với quá trình tăng trưởng bình thường và các hoạt động hằng ngày của trẻ.
Để đánh giá mức độ dinh dưỡng của trẻ suy dinh dưỡng một cách chính xác, các chuyên gia thường sử dụng các chỉ số nhân trắc học gọi là Z-Score bao gồm:
- Cân nặng theo độ tuổi (CN/T)
- Chiều cao theo độ tuổi (CC/T)
- Cân nặng theo chiều cao (CN/CC)
- Chỉ số khối cơ thể (BMI)
Dựa vào các thông số này, có thể chia trẻ suy dinh dưỡng thành 3 nhóm sau đây:
Trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân
Đây là tình trạng trẻ bị thiếu hụt dinh dưỡng khiến trẻ có cân nặng thấp hơn so với tiêu chuẩn theo độ tuổi. Thể suy dinh dưỡng nhẹ cân có thể phản ánh tình trạng thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết ngay tại thời điểm đánh giá. Đồng thời cũng “nhắc khéo” cho mẹ là chế độ ăn hiện tại chưa có phù hợp với độ tuổi của con đấy.
Trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi
Khi rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi, có nghĩa là con thấp hơn bạn bè cùng trang lứa. Khác với suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, suy dinh dưỡng thể thấp còi phản ánh tình trạng trẻ bị thiếu dưỡng chất và chậm phát triển mạn tính, đã diễn ra suốt một thời gian dài nên mới ảnh hưởng lên chiều cao của con.
Thậm chí, trẻ suy dinh dưỡng thấp còi còn có thể là hậu quả của việc mẹ không bổ sung đầy đủ dinh dưỡng trong suốt thai kỳ và làm ảnh hưởng đến sức khỏe bào thai.
Trẻ suy dinh dưỡng thể gầy còm
Thể này thì hơi khó nhận biết một chút, trẻ suy dinh dưỡng gầy còm sẽ có cân nặng và chiều cao bình thường, nhưng tỉ lệ cân nặng so với chiều cao thì lại thấp hơn so với đa số các bạn cùng tuổi. Nếu cả chỉ tiêu về cân nặng và chiều cao của trẻ đều thấp đáng kể so với mức tiêu chuẩn của trẻ cùng tuổi và cùng giới thì đây chính là tình trạng trẻ suy dinh dưỡng thể gầy còm mà bố mẹ cần chú ý.
Lúc này, cân nặng của trẻ thường chỉ còn dưới 60% trọng lượng của trẻ bình thường, cơ thể ốm yếu, thân nhiệt giảm bất thường, thấp bé, thường xuyên biếng ăn, khó thở,…
Bên cạnh cách chia trên, có thể chia nhóm trẻ suy dinh dưỡng thành 3 loại dựa trên hình thái của trẻ:
Trẻ suy dinh dưỡng thể phù (Kwashiorkor)
Đây là tình trạng trẻ suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Lúc này, cơ thể trẻ nhìn vẫn có vẻ bình thường hoặc với gương mặt đầy đặn, nhiều bố mẹ sẽ dễ lầm nghĩ rằng trẻ mập mạp. Tuy nhiên, đây là tình trạng mập giả tạo, nguyên do của rối loạn dinh dưỡng này là do sự mất cân đối trong các nhóm chất của con. Cụ thể là quá nhiều tinh bột so với chất béo và đặc biệt là trẻ bị thiếu chất đạm nghiêm trọng.
Ở trẻ suy dinh dưỡng thể phù có thể xuất hiện một số triệu chứng như xuất hiện những đốm màu đỏ sẫm hoặc đen trên da nhất là các vùng có nếp gấp (cổ, nách, khuỷu tay, khuỷu chân,…), do rối loạn sắc tố da. Thêm vào đó là phù mặt và tay chân, tóc thưa dễ rụng, hay nôn trớ, thường xuyên quấy khóc,…
Tình trạng trẻ suy dinh dưỡng thể phù thường rất khó điều trị và có tỷ lệ tử vong cao nên rất nguy hiểm, đòi hỏi bố mẹ phải quan sát, theo dõi con thường xuyên để kịp thời nhận biết và đưa con đến bệnh viện chẩn đoán, điều trị ngay khi có những dấu hiệu bất thường.
Trẻ suy dinh dưỡng thể teo đét (Marasmus)
Đây là tình trạng trẻ suy dinh dưỡng nặng do không được cung cấp đủ năng lượng. Con bị thiếu tất cả các nhóm chất dinh dưỡng. Lúc này, trẻ sẽ thường xuyên chán ăn, gầy gò, mất toàn bộ lớp mỡ dưới da, gặp phải tình trạng rối loạn tiêu hóa.
So với trẻ suy dinh dưỡng thể phù thì suy dinh dưỡng thể teo đét thường được tiên lượng tốt hơn vì các cơ quan của cơ thể ít bị tổn thương hơn.
Trẻ suy dinh dưỡng thể hỗn hợp
Đây là tình trạng kết hợp giữa 2 thể suy dưỡng thể teo đét và thể phù với nguyên nhân chính là do trẻ thiếu chất đạm và năng lượng. Với những thể bệnh này, việc can thiệp y khoa về dinh dưỡng cho trẻ là điều rất quan trọng.
Nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở trẻ?
Trẻ suy dinh dưỡng thường do hai nguyên nhân chính là tình trạng cơ thể không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết hoặc cơ thể đang tiêu hao quá nhiều năng lượng, dưỡng chất. Trong một số trường hợp, trẻ suy dinh dưỡng có thể do cả hai nguyên nhân trên xảy ra cùng lúc. Cụ thể:
Trẻ suy dinh dưỡng do thiếu dưỡng chất
- Trẻ không được cung cấp đầy đủ lương thực cần thiết cho mỗi bữa ăn
- Trẻ biếng ăn, ăn ít
- Chế độ ăn nghèo nàn, chỉ tập trung vào một vài nhóm chất nhất định
- Cách chế biến món ăn chưa phù hợp làm mất đi lượng dưỡng chất trong thức ăn
- Chế độ ăn không phù hợp với độ tuổi của trẻ: Trẻ sơ sinh dưới 6 tuổi không được bú sữa mẹ, cho trẻ ăn dặm quá sớm, cho trẻ bú sữa công thức để thay thế sữa mẹ,…
Trẻ suy dinh dưỡng do tiêu hao quá nhiều chất dinh dưỡng
- Trẻ bị bệnh, đặc biệt là các căn bệnh kéo dài, thời gian điều trị và hồi phục sau bệnh lâu
- Trẻ bị rối loạn tiêu hóa – hấp thu
- Trẻ nhiễm ký sinh trùng đường ruột
- Các vấn đề bệnh lý gây thất thoát chất dinh dưỡng (nôn ói, tiêu chảy kéo dài,…)
Suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến trẻ ra sao?
Nếu không kịp thời phát hiện và được chẩn đoán, điều trị, tình trạng suy dinh dưỡng có thể gây nên những hậu quả, tác động nặng nề đối với trẻ, bao gồm:
Chậm phát triển thể chất
Trẻ suy dinh dưỡng sẽ bị chậm phát triển về mặt thể chất. Không chỉ riêng hệ xương mà toàn bộ các cơ quan trên cơ thể đều không thể hoạt động ổn định. Đặc biệt, nếu trẻ suy dinh dưỡng ngay ở giai đoạn 1000 ngày đầu đời – giai đoạn quan trọng nhất đối với sức khỏe của trẻ thì trẻ sẽ dễ bị thấp bé, nhẹ cân, có tầm vóc thấp sau khi trưởng thành, nguy cơ béo phì cao.
Rối loạn các chức năng cơ thể
Một hậu quả nghiêm trọng của tình trạng trẻ suy dinh dưỡng chính là các chức năng của cơ thể bị rối loạn. Trong đó, các cơ quan bị ảnh hưởng nặng nề nhất là tim, gan và thận. Trẻ suy dinh dưỡng có nguy cơ gặp các vấn đề như gan thoái hóa mỡ, suy tim, suy thận,….
Ngoài ra, tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu hụt vi chất ở trẻ em cũng gây ra nhiều vấn đề khác như thiếu máu (do thiếu sắt), khô giác mạc và quáng gà (do thiếu vitamin A),…
Hệ miễn dịch suy yếu, dễ nhiễm bệnh
Việc trẻ suy dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng hệ miễn dịch của trẻ suy yếu. Trẻ sẽ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng nếu không được tăng cường sức đề kháng và bổ sung dưỡng chất kịp thời.
Lúc này, trẻ sẽ cần điều trị bằng thuốc kháng sinh dẫn đến tình trạng biếng ăn, tiêu hóa kém, cơ thể khó hấp thụ chất dinh dưỡng. Như vậy, tình trạng trẻ suy dinh dưỡng sẽ càng nghiêm trọng hơn và khó khắc phục hơn.
Chậm phát triển tâm thần
Thiếu hụt dưỡng chất còn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, từ đó dẫn đến tình trạng trẻ chậm phát triển trí tuệ, dễ gặp các vấn đề về trí nhớ và giao tiếp xã hội, chậm nói, khả năng tập trung và chú ý thấp,…
Trẻ suy dinh dưỡng được điều trị như thế nào?
Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu suy dinh dưỡng, bố mẹ có thể đưa con đến các cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất với thể trạng của trẻ.
Tùy theo tình trạng hiện tại của trẻ mà bác sĩ có thể yêu cầu trẻ sử dụng các loại viên uống bổ sung vitamin, xây dựng thực đơn dinh dưỡng, nâng khẩu phần dinh dưỡng lên mức tối đa, cho trẻ dùng thêm các sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt,…
Cần lưu ý gì khi chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng?
Việc phối hợp giữa phác đồ điều trị của bác sĩ và sự chăm sóc từ gia đình đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều trị tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ. Khi chăm sóc con, cần lưu ý:
- Nên tăng thức ăn giàu năng lượng. Bố mẹ có thể cho trẻ sử dụng các loại thực phẩm có năng lượng cao, thêm dầu mỡ vào trong thực phẩm.
- Để cân đối nguồn dưỡng chất mà trẻ nạp vào ở mỗi bữa ăn, nên chủ động xây dựng thực đơn cho trẻ suy dinh dưỡng từ trước để đảm bảo các món ăn đầy đủ các nhóm dưỡng chất và vitamin.
- Với trẻ biếng ăn, có thể chế biến nhiều món ăn trong cùng một bữa ăn để trẻ có nhiều lựa chọn hơn. Bố mẹ cũng có thể trang trí món ăn đẹp mắt, nhiều màu sắc để kích thích vị giác của con, giúp trẻ có cảm giác thèm ăn và ăn ngon miệng hơn
- Nếu trẻ không thể ăn quá nhiều trong một lần, hãy chia nhỏ các bữa ăn và cho tăng số bữa ăn trong ngày của trẻ nhằm đảm bảo con luôn được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.
- Trẻ suy dinh dưỡng trong giai đoạn sơ sinh (dưới 12 tháng tuổi), cố gắng cho trẻ bú sữa mẹ thay cho sữa công thức. Nếu mẹ không có sữa, có thể xin nguồn sữa mẹ tại ngân hàng sữa mẹ trước khi cân nhắc đến việc cho trẻ dùng sữa công thức.
- Ngoài ra, cần theo dõi định kỳ về tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của trẻ, thường xuyên đưa trẻ đến thăm khám để xác định mức độ phục hồi.
- Đặc biệt, nên chú ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh các bệnh nhiễm trùng đường ruột, giun sán,… khiến trẻ suy dinh dưỡng kéo dài, khó điều trị.
- Việc sổ giun định kỳ 6 tháng/lần cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa, điều trị khi trẻ bị suy dinh dưỡng.
Suy dinh dưỡng không chỉ khiến trẻ thấp bé, nhẹ cân mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, khiến trẻ phát triển chậm và thậm chí còn gây nên những biến chứng xấu đối với sức khỏe. Do đó, bố mẹ cần theo dõi biểu đồ tăng trưởng cho trẻ hàng tháng để có thể phát hiện sớm tình trạng trẻ suy dinh dưỡng hoặc có nguy cơ bị suy dinh dưỡng để sớm can thiệp, điều trị.