Ăn dặm là quá trình bé chuyển từ việc chỉ ăn sữa mẹ hoặc sữa công thức sang ăn các loại thực phẩm rắn và có thể uống nước. Bé thường bắt đầu ăn dặm khi đạt khoảng 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, thời điểm này có thể khác nhau tùy theo sự phát triển của từng bé. Để lên lịch ăn dặm cho bé 6 tháng khoa học thì mẹ có thể tham khảo bài viết sau.
Vì sao cần có lịch ăn dặm cho bé 6 tháng?
Trẻ 6 tháng tuổi phải đạt cân nặng gấp đôi lúc mới sinh thì mới được xem là phát triển bình thường. Lúc này, bé sẽ cần tối thiểu 560ml sữa mẹ hoặc sữa công thức mỗi ngày, bú cách nhau 3-4 tiếng. Ngoài ra bé sẽ cần thêm các chất dinh dưỡng mà khẩu phần sữa không cung cấp đủ.
Lúc này, lịch ăn dặm cho bé 6 tháng rất quan trọng vì bé cần những thức ăn bổ sung để cơ thể phát triển khỏe mạnh. Lịch ăn dặm chi tiết, khoa học sẽ giúp mẹ biết được bé đã ăn đủ các nhóm thực phẩm bổ sung chất béo, chất bột đường, chất đạm, vitamin và khoáng chất hay chưa.
Lịch sinh hoạt đều đặn cũng rất quan trọng. Ở độ tuổi 6 tháng bé đã có thể ngủ xuyên đêm mà không cần dậy bú sữa. Đồng thời, ban ngày có thể cho trẻ ngủ 2 cữ ngắn. Bạn nhớ để trẻ ngủ dậy muộn nhất vào khoảng 16h-16h30 để đảm bảo không ảnh hưởng giấc đêm.
Nguyên tắc ăn dặm đối với trẻ 6 tháng tuổi
Để việc ăn dặm không phải là “cuộc chiến”, bố mẹ hãy nhớ:
- Ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức, đây là thời điểm bé bắt đầu làm quen với các thực phẩm khác nhưng bé vẫn bú sữa là chính. Vậy nên hãy tạo cho trẻ một môi trường vui vẻ và thoải mái khi ăn. Đừng nài nỉ, ép bé ăn hay tự áp lực con phải ăn nhiều mới là mẹ giỏi bạn nhé.
- Bắt đầu từ những thức ăn dễ tiêu hóa và ít gây dị ứng như cháo gạo lứt, bột yến mạch, bột ngô,…
- Thêm vào thực đơn các loại rau củ quả, thịt cá trứng và sữa chua để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ. Vừa giúp bé đa dạng dinh dưỡng vừa kiểm tra xem trẻ có dị ứng hay không.
- Thức ăn dặm cho bé 6 tháng nên pha loãng, nếu quá đặc trẻ có thể bị hóc, sặc, khó tiêu.
- Cho con ăn bằng muỗng và khuyến khích trẻ tự xúc, bốc ăn.
- Tuyệt đối không nêm gia vị vào thức ăn của trẻ.
- Không cho trẻ uống nước hoặc nước ép trái cây trong bữa ăn để không làm giảm cảm giác đói của trẻ.
- Chú ý đến dấu hiệu no và đói để quyết định cho con ăn bao nhiêu là phù hợp.
Ngoài ra bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có lời khuyên cho từng trường hợp cụ thể.
Lịch sinh hoạt và lịch ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi
Có nhiều phương pháp ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi như ăn dặm truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật, ăn dặm kết hợp và ăn dặm tự chỉ huy BLW. Mỗi phương pháp có những đặc điểm và lợi ích riêng. Khi bé 6 tháng tuổi thì việc ăn đúng giờ rất quan trọng. Lịch sinh hoạt đều đặn giúp bé dễ ăn, dễ ngủ, tốt nhất là ăn dặm vào khoảng 10h sáng và thêm một cữ ăn dặm vào buổi xế.
Mẹ có thể tham khảo lịch ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi như sau:
- 7h – 8h: Bé thức dậy, vệ sinh cá nhân và uống 120ml sữa.
- 8h – 9h: Cho bé chơi tự lập hoặc chơi với mẹ.
- 9h30 – 10h: Cho bé ngủ nghỉ giấc ngắn
- 10h30: Ăn dặm bột hoặc cháo loãng
- 11h – 12h: Bé uống khoảng 150ml sữa và ngủ trưa.
- 14h: Bé thức dậy và uống sữa. Sau đó cho trẻ tắm hoặc chơi thoải mái.
- 15h30 – 16h: Bé ăn dặm (đối với các bé đã quen với việc ăn dặm, nếu chưa, thời gian này mẹ vẫn cho bé bú sữa nhé).
- 16h30 – 18h: Cho bé ngủ giấc ngắn và dậy chơi tự lập hoặc chơi với mẹ.
- 18h30: Bú sữa cữ cuối, chơi.
- 19h30 – 20h: Bắt đầu trình tự ngủ đêm, có thể cho bé ăn đêm hoặc không. Mẹ nên cố định thời gian ngủ buổi tối để giúp bé ngủ sâu và tròn giấc.
Thời gian biểu và lượng sữa cụ thể cần được căn chỉnh theo từng bé. Tuy nhiên các mốc thời gian cũng như số lượng cữ bú thì không nên khác biệt quá nhiều. Lịch ăn dặm cho bé 6 tháng khoa học sẽ đảm bảo trẻ nghỉ ngơi và ăn đủ dưỡng chất.
Các món ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi
Có rất nhiều công thức nấu các món ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi. Như chúng tôi đã đề cập bên trên, nguyên tắc quan trọng là cho ăn các món từ quen đến lạ, từ loãng đến đặc. Ngoài những món dễ khiến trẻ bị dị ứng thức ăn như trứng, cá biển, sữa bò và các sản phẩm từ sữa bò, đậu phộng thì bạn có thể nấu các món hấp dẫn và bổ dưỡng như:
- Bột yến mạch sữa
- Cháo trắng hạt sen nghiền
- Cháo lòng đỏ trứng gà và rau cải
- Cháo cá lóc và bí đỏ
- Cháo cua đồng và rau ngót
- Canh bắp cải với thịt gà
- Cháo cà rốt nghiền
- Súp sữa bí đỏ
- Khoai lang nghiền
- Đậu hà lan nghiền
Bạn nên cho bé thử tất cả các món ăn, từ quen đến lạ. Nên chọn nguyên liệu tươi, nấu mỗi ngày để đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng trong món ăn.
Cho bé 6 tháng tuổi ăn dặm là một bước quan trọng trong sự phát triển của bé. Bé sẽ được tiếp xúc với nhiều loại thức ăn mới và học cách nhai và nuốt. Giai đoạn này việc quan trọng nhất vẫn là tạo niềm vui và giúp con bổ sung thêm dinh dưỡng.
Hãy lên lịch ăn dặm cho bé 6 tháng kết hợp lịch sinh hoạt và điều chỉnh cho phù hợp với bé. Bố mẹ hãy thoải mái với quá trình “học ăn” của con, đừng tạo áp lực lên bé vì con vẫn đang cố gắng học hỏi từng ngày đấy thôi.