Không phải chỉ những đứa nhỏ mới ghiền điện thoại, mới mê mẩn các bộ phim hoạt hình đến bỏ ăn, bỏ học. Chính người lớn chúng ta cũng không thoát khỏi được sự cám dỗ của công nghệ, và chính chúng ta mới là người tiếp tay cho những đứa trẻ nghiện công nghệ.
Khi người lớn cũng nghiện công nghệ
Đã bao giờ bạn nghĩ rằng, những người bố người mẹ như chúng ta mới là những người nghiện công nghệ hơn hết? Vâng, ban đầu tôi cũng chưa bao giờ thừa nhận, mình là một con nghiện đúng nghĩa.
Nhưng trên thực tế, ngẫm nghĩ lại một ngày của mình từ khi thức giấc cho đến khi chìm sâu vào giấc ngủ, tôi cũng chẳng còn đếm được mình đã dùng điện thoại và máy tính bao nhiêu giờ đồng hồ. Không chỉ “phục vụ” cho công việc, công nghệ còn giúp tôi giải trí và vui vẻ hơn. Chưa một ngày, tôi dừng việc sử dụng điện thoại hay máy tính.
37 tuổi, là một bà mẹ của hai đứa con, tôi cảm thấy phát cáu khi mỗi ngày sau giờ đi làm về, phải vất vả nấu cơm rồi năn nỉ từng đứa một bỏ chiếc điều khiển tivi, bỏ chiếc máy tính bảng đang dang dở xuống để ăn cơm. Tôi chán nản khi mỗi tối đều phải nhắc con học bài, vì giờ đây, chiếc điện thoại đang phát bộ phim hoạt hình mới là thứ thu hút sự tập trung của các con tôi hơn cả.
Lâu dần, tôi chuyển sang trạng thái mặc kệ, con muốn làm gì thì làm. Con có thể vừa ăn vừa xem tivi, không sao cả. Miễn sao con chịu ăn là được. Con có thể chơi game đến khi chán rồi mới học bài, cũng chẳng có vấn đề gì. Vì kết quả con có chịu học là được. Con không ra ngoài chơi mà chỉ ở nhà kết bạn cùng điện thoại, cũng tốt thôi, vì ra ngoài bây giờ phải đối diện với hàng tá nguy cơ và rủi ro, nào là dịch bệnh, nào là leo trèo rồi té ngã, ôi thôi, ở nhà cho lành.
Cho đến một hôm…
Tôi có dịp sang nhà một chị bạn học cùng lớp thạc sĩ. Có thể nói, gia đình chị và gia đình tôi có rất nhiều điểm tương đồng. Chị cũng trạc tuổi tôi, gần 40, có học thức, có công việc văn phòng ổn định, chồng yêu thương và chị cũng có hai nhóc tì như tôi. Nhưng lạ thay, các con của chị sao chẳng giống con tôi, chẳng đòi hỏi mẹ phải bật Youtube cho con xem phim, chẳng khóc lóc ầm ĩ chỉ để được mượn máy tính bảng chơi game.
Liệu chị có bí kíp gì mà “thần thánh” đến thế? Vì sao con của chị chẳng nghiện công nghệ như bao đứa trẻ khác, hay nói gần hơn chính là chẳng nghiện công nghệ như con của tôi?
Trò chuyện cùng chị, tôi mới bỗng nhận ra, hóa ra lỗi đâu phải ở những đứa nhỏ… Hóa ra đâu cần phải bỏ túi 1001 bí quyết dạy con, đơn giản chỉ cần thay đổi từ chính mình là được.
Khi đứa con đầu lòng chào đời, một mẹ bỉm mới toanh như tôi chẳng biết phải làm gì mỗi khi con khóc. À, hay là hát ru? Mà tôi thì hát dở tệ. Thế là, đều đặn như cơm bữa, con sẽ được nằm trên giường, với mẹ nằm cạnh và cầm chiếc điện thoại đang bật phim hoạt hình trên tay để cho con xem, dù không biết con có hiểu gì hay không.
Khi con lớn hơn, quá mệt mỏi với việc con không chịu ăn uống, tôi liền cho phép con vừa ăn, vừa xem điện thoại cũng được.
Mỗi chiều sau khi đón con về nhà, tôi liền “tự thưởng” cho mình 20 phút lướt mạng xã hội để cập nhật những tin tức mà mình đã bỏ lỡ trong giờ làm việc rồi mới bắt đầu nấu nướng cho chồng, cho con. Tôi hoàn toàn cảm thấy đây là một điều bình thường, thậm chí là một điều cần thiết.
Trong bữa ăn, vợ chồng tôi thường xuyên trao đổi về các tin tức mình đọc được, về những câu chuyện ở cơ quan. Và để minh họa cho câu chuyện của mình, chúng tôi thường mở điện thoại lên, vào Internet và tìm kiếm thông tin, đưa cho đối phương xem để chứng tỏ “ôi tôi nói có sách, mách có chứng đây này”.
Và mỗi tối, sau một ngày mệt nhoài, tôi không còn đủ sức để trò chuyện cùng con. Thế là, tôi…tìm cách thư giãn qua chiếc điện thoại. Nào là chat chit với bạn bè, đăng một tấm ảnh thật xinh đẹp và háo hức chờ bình luận khen ngợi từ mọi người, vào tường nhà bạn thân xem hôm nay nó có gì mới không để còn đi “bà tám”. Lúc này, con sẽ có “khung trời tự do” để làm điều con thích, thậm chí là xem tivi hay chơi game, vì đơn giản tôi chỉ cần con để yên cho tôi nghỉ ngơi mà thôi.
Hóa ra… tôi đã đầu độc con mình như thế. Chính tôi mới là người khiến cho con tôi lậm công nghệ, phụ thuộc vào công nghệ. Và chính tôi, mới là một con nghiện công nghệ thực thụ, để công nghệ lấn át cuộc sống của mình…
Tôi tin rằng, có rất nhiều chị em đang như tôi, phó thác chuyện chăm con cho tivi, điện thoại, miễn con ngoan ngoãn không khóc lóc là được. Chúng ta không thể thấy hết được những hậu quả mà con và cả gia đình phải chịu nếu bản thân nghiện công nghệ và để con dùng công nghệ một cách vô tội vạ như thế.
Công nghệ có ích, và cũng có hại với sức khỏe, cuộc sống của chúng ta, dù là người lớn hay trẻ em. Vì thế, hãy tỉnh táo và biết điểm dừng để không phải nghiện công nghệ để rồi hối hận khi chứng kiến gia đình phải đối mặt với những tác hại của công nghệ bạn nhé!
Tâm sự bạn đọc