Mẹ và Con - Không ít bố mẹ hiện nay đã cho trẻ xem tivi mà không cần quan tâm đến độ tuổi của con. Trên thực tế, điều này cực kỳ có hại cho trẻ mà đôi khi bố mẹ không hề nghĩ ra.

Với sự phát triển của công nghệ ngày nay thì việc trẻ em được xem tivi mỗi ngày là một điều vô cùng bình thường. Thậm chí, nhiều ông bố bà mẹ còn dùng tivi như một… công cụ để dỗ con mỗi khi trẻ quấy khóc, không chịu ăn, ăn chậm. Tuy nhiên, bạn có biết tivi có tác hại như thế nào nếu trẻ xem quá sớm? Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu xem trẻ em bao nhiêu tuổi thì mới có thể “làm quen” với chiếc tivi được bạn nhé!

trẻ xem tivi quá sớm

Trẻ mấy tuổi thì được xem tivi?

Bắt đầu từ khi ăn dặm tức là khoảng 1 tuổi, nhiều bố mẹ dùng cách bật tivi để con ăn ngoan hơn. Tuy nhiên theo Viện Nhi khoa Mỹ, tuyệt đối không nên cho trẻ dưới 2 tuổi tiếp xúc với màn hình điện tử, dù đó là các video chương trình giáo dục. Bởi vì việc tiếp xúc với các thiết bị như tivi, điện thoại, ipad khi còn quá nhỏ này hoàn toàn không có lợi cho sự phát triển của các bé. Do đó, ít nhất cho tới năm 2 tuổi, đừng tạo cơ hội cho bé xem tivi, điện thoại hay ipad mà cố gắng tạo các hoạt động thực tế để phát triển não bộ cũng như hành vi của con sau này. 

Đối với trẻ từ 2-5 tuổi trở đi, bố mẹ có thể cho bé xem tivi nhưng dưới sự kiểm soát của bố mẹ. Xã hội ngày nay là một xã hội phát triển gắn liền mật thiết với công nghệ và thiết bị điện tử. Do đó khó có thể cấm đoán hoàn toàn trẻ con không được xem tivi hay tiếp xúc điện thoại, ipad. Tuy nhiên, bố mẹ cần quan sát, theo dõi sát sao để đảm bảo an toàn cho con bởi vì trẻ ở độ tuổi này bắt chước và học theo rất nhanh những gì xem được dù chỉ mới thấy một lần.

Tác hại khi cho trẻ xem tivi quá nhiều và quá sớm

Nhiều chuyên gia đến từ các hiệp hội, tổ chức y tế, dinh dưỡng khác nhau trên thế giới đã khuyến cáo rằng việc xem tivi khi còn quá nhỏ, đặc biệt khi trẻ đang ăn dặm, có ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới sức khỏe và hành vi của bé. Bố mẹ nghĩ rằng, bé vừa ăn vừa xem tivi sẽ giúp bữa ăn hoàn thành nhanh hơn và tiêu thụ được nhiều hơn. Nhưng thực tế nghiên cứu đã chỉ ra, các bé đang ăn một cách thiếu ý thức, không học được cách ăn dặm và não bộ cũng trì hoãn phát triển kỹ năng phân tích màu sắc, độ cứng, lỏng của món ăn. Việc này rất nguy hiểm vì con không học được cấu trúc thức ăn cũng như mùi vị của chúng. Và các hành vi biếng ăn sau đó cũng là điều tất yếu bởi bé hoàn toàn cảm thấy lạ lẫm với việc ăn dặm, mùi vị của các loại thực phẩm mà bé đang ăn.

Khi bé từ 3 tuổi trở lên sẽ trở nên kén ăn, chỉ ăn một vài món nhất định và hầu như đó đều là những món vặt không hề có chút chất dinh dưỡng nào. Điều này sẽ ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của trẻ khi vào độ tuổi từ 3 – 5. 

trẻ nghiện xem tivi

Một báo cáo của Viện nhi khoa của Mỹ vào năm 2013 về tác hại của việc xem tivi (và các thiết bị điện tử khác) đối với trẻ dưới 2 tuổi đã nhấn mạnh rằng, việc xem tivi ở độ tuổi nhỏ sẽ làm thay đổi hành vi xã hội, trẻ dễ cáu gắt, ương bướng và mất tập trung hơn bình thường. Hơn nữa, khi việc vừa ăn vừa xem trở thành một thói quen thì phản ứng kế đến sẽ là đòi hỏi khi không đạt được điều mong muốn. Mặc dù hiện nay trên thế giới chưa có nghiên cứu nào đề cập tới ảnh hưởng của tình trạng này tới mức độ nào trên hành vi ăn uống của bé, song Bộ Y tế Anh vẫn đưa ra những cảnh báo tới người dân về ảnh hưởng tới sự phát triển não bộ khi cho bé xem tivi quá sớm. 

Cần lưu ý gì khi cho trẻ xem tivi?

Trẻ từ 3-5 tuổi có thể xem tivi hoặc tiếp xúc với các thiết bị điện tử dưới sự kiểm soát của bố mẹ. Do đó, trong giai đoạn này bố mẹ nên đặt ra những quy tắc rõ ràng và cụ thể để có thể dễ dàng hơn trong việc quản lý con cái coi tivi.

Lưu ý về thời gian xem tivi

  • Chỉ xem 1-2 tiếng/ngày, mỗi lần coi khoảng 15 phút và rải đều trong ngày để trẻ có cảm giác xem vậy là đủ. Và cố gắng sắp xếp lịch xem tivi cụ thể mỗi ngày nhằm giúp con biết chờ đợi và tránh tình trạng quấy khóc, đòi hỏi mọi lúc, đặc biệt là khi trẻ đã bắt đầu “nghiện” xem tivi
  • Tuyệt đối không xem tivi trong giờ ăn. Gia đình và những người lớn nên làm gương cho con, không nên xem tivi trong khi dùng bữa mà thay vào đó trò chuyện để gắn kết. Việc làm này sẽ giúp bé học theo và tập trung ăn để hoàn thành “nhiệm vụ” của mình.
  • Tuyệt đối không xem tivi trước khi đi ngủ. Ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử như tivi, điện thoại, ipad…được cảnh báo ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ của người lớn và trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ có thể bị khó ngủ, ngủ mơ nhiều, gặp ác mộng…do trẻ nhỏ có xu hướng hồi tưởng các hoạt động diễn ra trong ngày. Các hình ảnh, hoạt động càng diễn ra sát giờ ngủ thì càng có tác động mạnh hơn.

cả gia đình cùng xem tivi

Lưu ý khoảng cách từ mắt trẻ đến tivi

Trẻ có xu hướng tự giảm khoảng cách với tivi trong lúc xem mà không ý thức do bị cuốn hút vào hình ảnh và âm thanh hấp dẫn, sống động của những chương trình dành cho thiếu nhi. Do đó, các bậc phụ huynh cần lưu ý để giữ trẻ yên tại vị trí cách tivi với chiều dài ít nhất là gấp 4-6 lần đường chéo màn hình. 

Lưu ý về số lượng kênh cho trẻ coi

Trẻ nhỏ cả thèm chóng chán, rất dễ bị thu hút bởi những gì mới lạ hơn nhưng bố mẹ nên hạn chế số lượng kênh dành cho thiếu nhi, khoảng 2-3 kênh là đã quá đủ. Hiện nay nhiều tivi thế hệ mới có tính năng khóa trẻ em nên bạn có thể an tâm dùng chế độ này để khóa bớt các kênh, các ứng dụng mà trẻ không nên coi. 

Không phải phim hoạt hình nào cũng tốt

Phim hoạt hình vẫn có những cảnh đấm đá, giết hại nhau và gây ảnh hưởng xấu tới trẻ. Với trẻ thường xuyên xem những bộ phim hoạt hình có nội dung bạo lực sẽ có một số triệu chứng phổ biến như khó ngủ, thường mơ ác mộng, giấc ngủ không sâu, khó thức giấc và cảm giác mệt mỏi vào buổi sáng. Do đó, tốt nhất bố mẹ vẫn nên kiểm định chất lượng nội dung trước khi cho bé coi, cấm trẻ xem tivi ở những kênh không phù hợp để tránh những hình ảnh không tốt cho bé.

Xem tivi có thể mang đến các lợi ích trước mắt như trẻ ngoan hơn, nghe lời hơn. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ để lại nhiều hậu quả về lâu về dài, ảnh hưởng đến cả sức khỏe và tinh thần của bé. Vì thế, Mẹ và Con khuyên bạn hãy thật sự cân nhắc trước khi cho con xem tivi và hiểu rõ độ tuổi nào thì con mới được phép xem nhé!

Bài viết liên quan