Mẹ&Con – Kiểm tra lại những kiến thức nho nhỏ của mình, để chuẩn bị thật chu đáo cho một hành trình dài chín tháng…

Mẹ biết những việc này chưa

(Ảnh minh hoạ)

1. Vừa biết mình mang thai, đột nhiên bạn thấy ra máu. Đây là dấu hiệu…

a. Bình thường, do những tổn thương nho nhỏ ở cổ tử cung.

b. Cẩn thận vì đó dễ là dấu hiệu dọa sảy thai.

c. Cẩn thận vì đó có thể là dấu hiệu thai ngoài tử cung, nhiễm trùng hay hư tổn ở cổ tử cung mà không biết.

d. Tất cả các trường hợp trên.

>>  Đáp án đúng là: Câu d.

Trong mọi trường hợp vừa biết mình mang thai đã ra máu, bạn đều nên thận trọng hỏi ý kiến bác sĩ. Tuy nhiên, không phải lúc nào dấu hiệu này cũng đáng lo ngại vì có đến khoảng 25% phụ nữ mang thai gặp tình trạng xuất huyết kể trên nhưng đa số hoàn toàn bình thường và không ảnh hưởng đến thai kỳ.

Song, nếu việc ra máu này không dừng lại ở vài giọt mà có dấu hiệu tăng dần lên, cơ thể mệt mỏi bất thường thì nên đến ngay bác sĩ. Đó có thể là dấu hiệu sảy thai, hoặc thai ngoài tử cung (tức phôi thai làm tổ trước khi di chuyển đến được tử cung, thông thường nhất là làm tổ ở một trong hai bên vòi trứng). Các trường hợp khác có thể kể đến là nhiễm trùng, hư tổn ở cổ tử cung, mang thai trứng… Cách “xử lý” tốt nhất khi gặp dấu hiệu trên là đến bác sĩ để được kiểm tra, tăng cường nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng nhọc hay chịu áp lực tinh thần.

2. Theo bạn, phụ nữ mang thai có cần quan tâm đến “chức năng tuyến giáp” không?

a. Không. Tôi thậm chí còn không biết “tuyến giáp” là cái gì.

b. Rất nên quan tâm vì nếu không phát hiện kịp thời sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ lẫn thai nhi.

>> Đáp án đúng là: Câu b.

Phụ nữ Việt Nam rất dễ mắc phải các bệnh về tuyến giáp (do nằm trong vùng thiếu i-ốt). Vì thế, bạn không được chủ quan với điều này mà cần hỏi bác sĩ và theo dõi sát sao tình trạng chức năng tuyến giáp của mình suốt thai kỳ. Nhất là trong các trường hợp mẹ đã được chẩn đoán có bệnh liên quan đến tuyến giáp từ trước như cường giáp, Basedow, suy giáp, bướu cổ đơn thuần, bướu nhân tuyến giáp…; hoặc có tiền sử trong gia đình (người thân) bị bệnh tuyến giáp.

Tại sao phải quan tâm nhiều đến tuyến giáp như vậy? Xin trả lời để bạn rõ là trong vòng 13 tuần đầu tiên của thai kỳ, thai nhi chưa có tuyến giáp nên phải phụ thuộc hoàn toàn vào lượng hormon tuyến giáp của mẹ cung cấp qua nhau thai. Đây cũng là thời kỳ hình thành và phân chia các cơ quan nên nếu bị thiếu hormon trong thời gian này thì biến chứng cho trẻ sẽ là rất nặng nề.

3. Chóng mặt khi mang thai những tháng đầu là hiện tượng…

a. Bình thường. Một trong những biểu hiện nghén khi cơ thể phản ứng lại và làm quen với mầm sống mới đang hình thành.

b. Có thể là triệu chứng của một số bệnh lý như tăng huyết áp, thiếu máu… khi mang thai.

c. Cả hai đáp án trên đều đúng.

>> Đáp án đúng là: Câu c.

Chóng mặt trong những tháng đầu thai kỳ là biểu hiện thường thấy, đi kèm với váng vất, buồn nôn, mệt mỏi… Tuy nhiên, cũng không nên chủ quan vì đây cũng có thể là những “báo động” của cơ thể khi xuất hiện sự suy giảm chức năng tuyến vỏ thượng thận, thiếu vitamin B6, tâm lý sợ hãi, cao huyết áp, thiếu máu… dễ xuất hiện trong thời kỳ đầu mang thai.

Nhất là nếu trước khi có thai bạn có vóc dáng gầy yếu, mảnh mai, thể chất không tốt thì càng phải thận trọng với những cơn chóng mặt. Để đề phòng tình trạng trên, cần đảm bảo ăn nhiều, bồi bổ sức khỏe, ngủ đủ 8 tiếng, giảm thiểu tối đa các công việc nặng nhọc, tránh nơi ồn ào kích động, uống viên sắt mỗi ngày. Trường hợp nếu đột nhiên chóng mặt dữ dội, cần đến ngay bác sĩ để kiểm tra.

4. Muốn thai nhi trong bụng phát triển tốt, ngay từ lúc mang thai, một người bạn của bạn đã đều đặn bổ sung mỗi ngày một viên dầu cá. Việc này theo bạn…

a. Không nên.

b. Rất tốt.

>> Đáp án đúng là: Câu a.

Đừng bao giờ tự ý bổ sung vitamin, khoáng chất hay chất “bổ dưỡng” nào đó mà không hỏi ý kiến bác sĩ trong giai đoạn mang thai. Với dầu cá càng không nên vì dầu cá chứa nhiều vitamin A. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy nếu dùng vitamin A quá liều trong thời kỳ mang thai có thể dẫn đến việc gây dị dạng thai nhi.

Hãy biết rằng vitamin A trong dầu cá nếu bị thừa trong cơ thể, sẽ không thải trừ ra khỏi cơ thể được dễ dàng như các vitamin tan trong nước mà tích lũy trong gan nên dùng thời gian dài có thể gây ngộ độc. Vì thế, thay vì uống dầu cá, phụ nữ chỉ cần đảm bảo ăn các loại rau củ có màu vàng đỏ như cà rốt, đu đủ, gấc, chuối… đều đặn mỗi ngày ở mức độ vừa phải là được.

5. Bạn đang mang thai, đi siêu âm và được thông báo rằng thai nhi có dây rốn quấn quanh cổ. Theo bạn điều này có ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi không?

a. Có

b. Không

>> Đáp án đúng là: Câu b.

Có thể chia sẻ để bạn yên tâm là việc dây rốn quấn quanh cổ không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi như bạn tưởng. Tuy nhiên, bạn cần nhắc bác sĩ trực tiếp khám cho mình trong mỗi lần khám thai để được theo dõi chặt chẽ qua siêu âm tình hình, xem có bị quấn quá chặt vào cổ bé không. Trong một số trường hợp đặc biệt, khi sinh, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn sinh mổ, mổ lấy thai để tránh trường hợp rặn đẻ bình thường thì nhau có thể siết chặt cổ bé trong khi bé đã bắt đầu phải tự hô hấp, gây nguy hiểm.

Tags:

Bài viết liên quan