Trong một số tình huống, dù bạn đã dặn lòng phải bình tĩnh nhưng vẫn không kiểm soát được cảm xúc của mình? Đây có phải là một việc hoàn toàn bình thường hay đây là một căn bệnh và phải làm sao để khắc phục được tình trạng này?
Bệnh không kiểm soát được cảm xúc là gì ?
Việc thường xuyên mất bình tĩnh, không kiềm chế được cảm xúc được xem là một căn bệnh tâm lý mà nhiều người thường gặp, đặc biệt là người trẻ. Tình trạng rối loạn cảm xúc này sẽ khiến các trạng thái tâm lý vui, buồn trở nên trầm trọng hơn so với mức bình thường và bạn hoàn toàn không thể kiểm soát được cảm xúc của mình.
Ảnh hưởng của việc không kiểm soát được cảm xúc là gì ?
Khi những cảm xúc trở nên bùng phát nhưng bạn không thể kiểm soát được nó thì sẽ để lại những hậu quả gì? Vì sao hầu hết những người mắc phải chứng không kiểm soát được cảm xúc đều cho rằng đây là một căn bệnh “nguy hiểm”?
Khi bị mất kiểm soát, các cảm xúc tức giận, lo lắng, buồn bã, sợ hãi,… của bạn có thể kéo dài và ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của bạn. Ngoài ra, giữ trạng thái bực tức, khó chịu kéo dài có thể khiến bạn cảm thấy kiệt sức, mất ngủ, sức khỏe suy giảm.
Cả hai yếu tố sức khỏe tinh thần lẫn thể chất đều không được đảm bảo sẽ khiến bạn không có tinh thần để làm bất kỳ việc gì hay giao tiếp với bất kỳ ai. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn, khiến bạn mất đi các mối quan hệ, công việc, tiền bạn,…
Người không kiềm chế được cảm xúc cũng thường có những hành động nông nổi, không lường trước được hậu quả. Chẳng hạn như khi bạn không kiểm soát được cơn nóng giận của mình thì bạn dễ có những lời nói làm tổn thương đối phương hoặc một người chồng đang bực tức và không kiểm soát được sẽ dễ dẫn đến vợ chồng cãi nhau, bạo hành gia đình,…
Khi một người không kiểm soát được cảm xúc, hành vi của họ thì không chỉ bản thân họ chịu ảnh hưởng mà họ còn tổn thương đến cả những mối quan hệ xung quanh mình.
Xem thêm:
Nguyên nhân gây rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc
Việc không kiểm soát được cảm xúc có thể xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau. Việc này đôi khi chỉ xuất phát từ việc bạn cảm thấy một vấn đề nào đó đang vượt ra khỏi sức chịu đựng của mình hoặc do bạn chưa từng trải qua một vấn đề tương tự như những gì mình đang gặp phải.
Đây là một hiện tượng tâm lý bình thường, dễ gặp ở trẻ em, trẻ trong độ tuổi dậy thì, những thanh thiếu niên trẻ tuổi chưa có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống. Hầu hết các trường hợp này sẽ học được cách để kiểm soát cảm xúc khi lớn lên.
Tuy nhiên, không kiểm soát được cảm xúc sẽ được xem như một dạng bệnh và cần có sự hỗ trợ điều trị của chuyên gia nếu việc không kiểm soát này có liên quan đến các bệnh tâm thần khác, chẳng hạn như rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), rối loạn chức năng kiểm soát cảm xúc, rối loạn thách thức đối lập, rối loạn nhân cách chống đối xã hội, hội chứng Asperger, rối loạn lưỡng cực, trầm cảm sau sinh, rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), rối loạn hành vi, rối loạn tâm thần, tâm thần phân liệt….
Một số yếu tố khác cũng dẫn đến tình trạng không kiểm soát được cảm xúc, chẳng hạn như sử dụng rượu quá mức, mất cân bằng nội tiết tố, lạm dụng thuốc, lượng đường trong máu thấp, mắc bệnh tiểu đường, bị sang chấn tâm lý,…
Cách kiểm soát cảm xúc
Có thể thấy, không kiểm soát được cảm xúc sẽ gây nên rất nhiều hệ lụy cho cả bản thân người bệnh và những người xung quanh. Vậy làm sao để có thể kiểm soát khi những cảm xúc đang bộc phát quá mức?
Dừng cuộc trò chuyện
Nếu bạn đang trong một cuộc trò chuyện hay tranh cãi với người khác và nhận thấy mình đang dần mất kiểm soát, hãy dừng cuộc nói chuyện và đi đến một nơi khác, tránh mặt người khiến bạn cảm thấy khó chịu. Khi không còn thấy “tác nhân” khiến bạn không kiểm soát được cảm xúc, bạn sẽ cảm thấy bình tĩnh hơn.
Việc dừng cuộc trò chuyện lúc này cũng khiến bạn hạn chế được việc có những lời nói hay hành động gây tổn thương đến người khác, ảnh hưởng đến mối quan hệ của cả hai.
Học cách hít thở
Đây là một giải pháp cho những người không kiểm soát được cảm xúc của mình. Bạn có thể học cách kiểm soát cảm xúc bằng việc tập yoga hoặc thiền, để cơ thể được thả lỏng, hít thở sâu nhằm đưa máu đến não nhiều hơn, từ đó giảm cảm xúc kích động và trở nên bình tĩnh hơn.
Việc hít thở cũng giúp các hơi thở ra chậm hơn, các tế bào thần kinh sẽ không kịp ruyền tín hiệu đến trung tâm phản ứng của não bộ. Như vậy não bộ không thể tiếp tục các cảm xúc đang “bùng phát” của bạn.
Mỗi khi cảm thấy bản thân không kiểm soát được cảm xúc, hãy cố gắng hít thở thật sâu trong vài phút. Và nếu nhận thấy mình là người hay nóng giận bực bội, bạn có thể duy trì việc tập yoga hoặc thiền 2-3 lần/tuần để khắc phục tình trạng này, giúp bản thân dễ dàng lấy lại sự bình tĩnh trong những tình huống khó.
Học cách đối diện với cảm xúc
Viết nhật ký về cảm xúc mà bạn đang gặp phải là một cách để bạn có thể giải tỏa những cảm xúc của mình. Trong lúc viết, bạn đang “xả” ra những cảm xúc này và sau đó, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, bình tĩnh hơn.
Ngoài cách viết nhật ký, bạn cũng có thể tâm sự, chia sẻ với người thân hay bạn bè của mình. Nhưng đừng quên tìm đến những người thật sự đáng tin cậy bạn nhé!
Gặp chuyên gia tâm lý
Nếu việc không kiểm soát được cảm xúc của bạn diễn ra thường xuyên và đã để lại những hệ luỵ như lời nói làm tổn thương đến người khác, bạn nên tìm đến chuyên gia để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh của mình. Các chuyên gia có thể trò chuyện cùng bạn, tìm ra nguyên nhân và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.
- Điều trị bằng liệu pháp tâm lý: Bạn sẽ có những buổi gặp chuyên gia va thực hiện trò chuyện, điều trị tâm lý cho đến khi khống chế được cảm xúc của mình.
- Điều trị bằng thuốc: Trong một số trường hợp, bạn sẽ được sử dụng thêm thuốc an thần hoặc thuốc ngủ. Ngoài ra, nếu việc không kiểm soát được cảm xúc xuất phát từ những nguyên nhân như hạ đường huyết, bác sĩ sẽ cho bạn sử dụng thêm thuốc để cắt đứt triệt để nguyên nhân gây bệnh.
Không kiểm soát được cảm xúc không còn là một vấn đề tâm lý mà đây là một loại bệnh mà bạn không nên xem thường. Chúng có thể khiến bạn mất việc, mất các mối quan hệ bạn bè hay thậm chí phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có những hành vi tổn thương người khác. Do đó, nếu cảm thấy mình đang rơi vào tình trạng này, đừng âm thầm chịu đựng bạn nhé!