Quả bơ là một loại cây cận nhiệt đới có danh pháp là Persea americana, xuất xứ từ Trung Mỹ và được con người dùng làm thực phẩm từ rất lâu đời. Quả bơ có nhiều hình dáng khác nhau, tùy theo giống, nhưng thường dài khoảng 7-20cm và nặng từ 100-1.000 gam, vỏ mỏng, cứng, màu xanh lục đậm, đôi khi có màu tím sẫm, gần như màu đen. Giá trị dinh dưỡng của quả bơ thật sự rất đáng ngưỡng mộ.
Thịt quả bơ là một kho dinh dưỡng khổng lồ 75% nước, 15% chất béo, 8.5% carbon hydrate, với 25 loại vitamin và khoáng chất tự nhiên rất tốt cho sức khỏe như vitamin A, C, K, E và vitamin nhóm B gồm B2, B5, B6, B9. Ngoài ra, bơ còn chứa nhiều khoáng chất như canxi, mangan, kali, sắt, kẽm, selen, đồng… Do đó, quả bơ mang đến nguồn năng lượng dồi dào, tương đương 160 calo/100 gam.
Công dụng của quả bơ với trẻ nhỏ
Tăng cường hệ miễn dịch
Giá trị dinh dưỡng của quả bơ bao gồm hàm lượng kali dồi dào, chiếm đến 14%, quả bơ có khả năng hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện của hệ miễn dịch. Bên cạnh đó, kali với vai trò là một chất điện giải quan trọng của cơ thể, giúp tăng cường hoạt động của rất nhiều cơ quan như thần kinh, cơ bắp và tim mạch…
Giảm còi xương, suy dinh dưỡng
Chứa chất béo bão hòa đơn, không chứa cholesterol xấu nên quả bơ rất phù hợp để bổ sung vào khẩu phần hàng ngày của trẻ, để cung cấp chất dinh dưỡng, nhất là các khoáng chất, giúp trẻ đạt được tốc độ tăng trưởng ổn định, ngăn ngừa nguy cơ còi xương.
Tăng cường thị lực
Bơ chứa nhiều lutin, zeaxanthin là hai hợp chất có khả năng chống oxy hóa, tăng cường hấp thu catotenoids có trong thực phẩm, giúp ngăn ngừa các vấn đề về mắt. Đồng thời, quả bơ còn chứa nhiều chất béo không bão hòa đơn (MUFA) giúp bảo vệ mô mắt khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời, ngăn ngừa khô mắt…
Hỗ trợ não bộ phát triển
Chứa rất nhiều axit béo không no Omega 3 có trong thành phần của chất béo, đồng thời cũng là một trong trong những chất cấu tạo nên não người, nên khi cho trẻ ăn quả bơ là bạn đã cung cấp rất nhiều dưỡng chất cần thiết cho việc phát triển não bộ, góp phần tăng cường trí thông minh một cách tự nhiên.
>> Xem thêm: Tầm quan trọng của Omega 3 đối với cơ thể
Giảm nguy cơ dị ứng
Hầu hết các tác nhân gây dị ứng đều do virút hoặc tiếp xúc với những chất lạ. Nếu được bổ sung quả bơ thường xuyên, hàng rào miễn dịch của trẻ sẽ hoạt động hiệu quả hơn, ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm. Nhờ đó, nguy cơ dị ứng cũng được giảm thiểu đáng kể.
Tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa
Thịt quả bơ có khả năng giúp tiêu hóa các enzyme, phá vỡ các chất béo, tẩy trừ các chất cặn bã đã bị phân hủy trong đường ruột và hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, bơ còn rất giàu chất xơ có tác dụng nhuận tràng nên có thể ngăn ngừa các rắc rối về tiêu hóa như đầy hơi, táo bón…
>> Xem thêm: 6 cách tăng cường hệ tiêu hóa cho bé
Bảo vệ tim mạch
Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, hàm lượng vitamin E dồi dào trong quả bơ có khả năng làm giảm các nguy cơ mắc bệnh tim mạch lên đến 40%. Do đó, muốn trẻ có một quả tim khỏe mạnh, bạn nên bổ sung nguồn thực phẩm quý giá này vào thực đơn hàng ngày.
Giúp bé ngủ ngon
Hàm lượng magiê dồi dào trong quả bơ giúp kéo dài thời gian và nâng cao chất lượng giấc ngủ của trẻ, tạo tiền đề cho sự phát triển về thể chất. Do đó, thường xuyên dùng bơ vừa giúp điều chỉnh sự trao đổi chất, vừa giảm rối loạn và ngăn ngừa tình trạng khó ngủ ở trẻ nhỏ.
>> Xem thêm: Nguyên nhân trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc
Những lưu ý khi cho trẻ ăn bơ
Nguy cơ dị ứng
Các chuyên gia cho rằng, giá trị dinh dưỡng của quả bơ rất cao. Tuy nhiên, những người có cơ địa mẫn cảm và bị dị ứng với cao su thường cũng sẽ có nguy cơ dị ứng với quả bơ. Triệu chứng dị ứng có thể là phát ban, mẩn ngứa, buồn nôn, ngứa miệng, sưng lưỡi, choáng váng…
Gây quá tải cho gan
Trong bơ có chứa nhiều collagen và các loại dầu như estragole, anethole có thể tích tụ và khiến gan gặp khó khăn trong việc phân giải hết những chất này. Vì thế, đôi khi bơ lại trở nên có hại với những trẻ có tiền sử về gan.
Dễ ảnh hưởng đến việc hấp thu một số thuốc
Với những bệnh nhân đang dùng thuốc chữa các bệnh về máu, bác sĩ sẽ khuyên nên tránh ăn bơ. Vì thế, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ khi muốn ăn bơ trong quá trình cho trẻ dùng các loại thuốc đặc trị.
Gây tăng cân, béo phì
Theo thống kê, có khoảng 77% calo trong quả bơ là từ chất béo. Ngoài ra, khi chế biến thức ăn cho bé từ bơ, bạn có thể thêm đường, sữa… đó là một trong những yếu tố làm tăng năng lượng của loại thực phẩm này. Do đó, ăn nhiều bơ có khả năng gây thừa cân béo phì, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ nhỏ.
Có thể mẹ quan tâm: Thực đơn cho trẻ thừa cân béo phì
Giá trị dinh dưỡng của quả bơ và 5 lời khuyên khi cho trẻ ăn dặm
Liều lượng hợp lý
Như đã đề cập ở trên, ăn nhiều quả bơ có thể khiến trẻ tăng cân nhanh, béo phì vì trung bình một quả bơ sẽ cung cấp 20 gam chất béo và 200-250 đơn vị calo. Do đó, ở trẻ nhỏ, bạn có thể cho trẻ ăn tối đa ½ quả bơ mỗi ngày. Nếu trẻ dư cân, nên giảm bớt đường, sữa để hạn chế nạp thêm năng lượng và khiến trẻ cho tích lũy quá nhiều chất béo.
Theo dõi phản ứng khi cho trẻ ăn dặm với bơ
Dị ứng bơ tuy rất ít xảy ra, nhưng nếu trẻ có cơ địa dị ứng với nhựa hoặc mủ cây thì có thể trẻ mắc hội chứng dị ứng nhựa trái cây. Vì thế, khi cho trẻ ăn bơ, mẹ cần phải chú ý tránh để phần nhựa vỏ dây vào thịt quả bơ.
Ngoài ra, bơ có chứa FODMAPs, carbohydrate chuỗi ngắn có thể gây ra các vấn đề ở những người mắc hội chứng ruột kích thích, nên nếu trẻ có biểu hiện như đầy bụng, đau dạ dày, tiêu chảy hoặc táo bón…. Do đó, trong quá trình trẻ ăn mẹ nên dành thời gian xem phản ứng của trẻ để có biện pháp xử lý kịp thời.
Giá trị dinh dưỡng của quả bơ nằm ở phần thịt xanh đậm sát vỏ
Rất nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh rằng phần thịt xanh đậm sát quả bơ chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Chính vì thế, khi chế biến bơ cho trẻ, mẹ không nên dùng muỗng nạo mà bóc vỏ bằng tay để có được lớp thịt quả xanh bổ dưỡng.
Các món ngon từ quả bơ cho bé
Salad trái cây
Dùng ½ quả bơ, ½ quả chuối, ½ quả táo, 30 gam đu đủ, 30 gam nho tươi… sau khi sơ chế, cắt khối vừa ăn và trộn đều rồi cho trẻ thưởng thức. Nếu trẻ thích dùng nước sốt, mẹ có thể dùng thêm sốt mayonaire, sữa chua, sốt phô mai để gia tăng hương vị.
Sinh tố bơ
Mẹ lấy ½ quả bơ, 30 gam sữa đặc, 100 ml sữa tươi cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn và cho bé dùng ngay sau khi chế biến.
Súp tôm bơ
Cho 150 gam tôm sú, một quả bơ nhỏ, 150 ml nước dùng gà, 50ml sữa tươi vào máy xay nhuyễn. Sau đó cho hỗn hợp này đun nhỏ lửa đến khi sôi trở lại, nêm gia vị vừa ăn và cho trẻ dùng ngay.
Bơ kẹp bánh mì
Chọn ½ quả bơ dẻo thái lát, phô mai và bánh ngũ cốc kẹp thành bữa sáng cho trẻ. Nếu trẻ thích ăn trứng, bạn có thể kèm thêm một quả trứng ốp la và cho trẻ dùng nóng.
Từ giá trị dinh dưỡng của quả bơ, hẳn là mẹ sẽ rất sẵn lòng cho con nếm thử món ngon này rồi, đúng không nào? Chúc bé yêu của mẹ ngon miệng và hay ăn, chóng lớn!