Nếu bạn đã từng vô tình ăn nhầm đồ ăn hay thức uống bị phát hiện nhiễm chì, hoặc làm việc trong môi trường có nồng độ chì cao, có nghĩa bạn có nguy cơ cao bị nhiễm độc chì, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu qua bài viết sau đây để hiểu rõ hơn về căn bệnh này nhé!
Nhiễm độc chì là gì ?
Nhiễm độc chì là một tình trạng xảy ra khi chì tích tụ qua một thời gian trong cơ thể, thường là nhiều tháng hoặc nhiều năm. Chỉ cần một lượng chì nhỏ vô tình vào cơ thể cũng có thể gây ra rất nhiều vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe. Đặc biệt, trẻ em dưới 6 tuổi là đối tượng dễ bị nhiễm độc chì, làm ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và cả tinh thần của con. Thậm chí, ở mức độ rất cao bệnh có thể gây tử vong.
Trong sơn có chứa chì cũng như bụi nhiễm chì có trong các tòa nhà cũ, đây được xem là nguồn gây nhiễm độc chì phổ biến nhất. Bên cạnh đó, bệnh còn bắt nguồn từ ô nhiễm không khí, nước và đất. Nhiều hơn có thể là ở những người làm việc trong môi trường nhiều chì, như tiếp xúc với pin, cải tạo nhà, làm việc trong các cửa hàng sửa chữ ô tô cũng có nguy cơ phơi nhiễm chì.
Biểu hiện nhiễm độc chì như thế nào ?
Các triệu chứng sớm của nhiễm độc chì đáng chú ý nhất là thể lực bị suy giảm, mệt mỏi, ngủ ít, thường xuyên bị nhức đầu, xương khớp – các cơ bị đau nhức, rối loạn tiêu hóa, hay bị táo bón, đau dạ dày và không có cảm giác ăn ngon. Các triệu chứng sớm này thường không có đặc hiệu và có thể điều trị khỏi. Tuy nhiên, các dấu hiệu và triệu chứng thường không xuất hiện đến khi lượng chì tích tụ trong cơ thể đã lên đến nguy hiểm.
Người bệnh có thể bị rối loạn tiêu hóa theo kiểu bỏng thực quản, buồn nôn – nôn, đau thượng vị, có thể bị tiêu chảy hoặc không. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bị chuột rút, co giật. Một số người còn có dấu hiệu bị viêm thận hoặc viêm gan thận, đi tiểu ít, protein niệu đạm huyết tăng, vàng da… đây đều là những trường hợp rất nặng, có thể gây tử vong hoặc việc điều trị và hồi phục sẽ kéo dài rất lâu.
Ngoài ra, ở các độ tuổi cũng có nhiều biểu hiện khác nhau như:
Trẻ em nhiễm độc chì có triệu chứng nào ?
Đa số trẻ nhỏ bị nhiễm chì thường sẽ có những biểu hiện kín đáo, khó để phát hiện trừ khi bị ngộ độc ở mức độ nặng. Lúc này, trẻ sẽ có triệu chứng lâm vào hôn mê, co giật, mê man đầu óc, quấy khóc…:
- Trẻ nhiễm chì thường chậm tăng trưởng
- Thường xuyên cáu gắt, tâm trạng không thoải mái
- Gặp nhiều khó khăn trong học tập
- Không có cảm giác ăn ngon, lười ăn
- Cơ thể còi cọc, sụt cân
- Tinh thần lờ đờ, mệt mỏi
- Mất thính lực
- Lên cơn co giật
- Thậm chí có thể mắc hội chứng Pica – thèm ăn và muốn ăn những chất không có dinh dưỡng như đất, đá, kim loại…
Biểu hiện nhiễm độc chì ở trẻ sơ sinh
Nếu vô tình tiếp xúc chì trước khi chào đời, trẻ sơ sinh có thể sẽ bị:
- Sinh non
- Trẻ sơ sinh nhẹ cân
- Tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với các trẻ khác.
Dấu hiệu nhiễm chì ở người lớn
- Cao huyết áp
- Đau cơ nhức khớp, đau mỏi toàn thân
- Khó tập trung, khả năng ghi nhớ kém hiệu quả
- Đau đầu, đau bụng (có thể táo bón hoặc tiêu chảy)
- Rối loạn cảm xúc
- Ở nam có thể đối mặt với số lượng tinh trùng giảm, tỷ lệ tinh trùng bất thường cao.
- Ở nữ sẽ có nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu, sinh con…
Nguyên nhân nhiễm độc chì ?
Chì là một loại kim loại xuất hiện tự nhiêm lâu đời trong lớp vỏ trái đất. Hầu hết các hoạt động như khai thác, đốt nhiêm liệu hóa thạch, sản xuất, ô nhiễm môi trường… đã làm chì trở nên phổ biến hơn. Chì cũng từng được vận dụng vào sơn và xăng dầu. Tuy nhiên, hiện nay chì vẫn được sử dụng nhiều trong pin, làm hàn, gốm, vật liệu lợp hay trong các mỹ phẩm.
Cũng chính vì thế, ai trong chúng ta đều có nguy cơ mắc phải bệnh nhiễm độc chì. Điều này cho thấy chúng ta luôn luôn cần phải bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình, không được chủ quan và cho rằng do là bệnh không phổ biến nên nó “chừa mình ra”. Sau đây là một số nguyên nhân có thể gây nhiễm độc chì cho con người:
- Sử dụng sơn chứa chì: Phần lớn các quy định cấm sử dụng chì trong sản xuất, kinh doanh, hoặc dùng các loại sơn chứa chì để trang trí nhà cửa, trường học, siêu thị… Tuy nhiên do quản lý hóa chất ở các nước đang phát triển còn kém nên vấn đề này thường vẫn còn nhiều bỏ ngỏ. Chì sẽ đi vào không khí, qua đường thở hoặc ăn nhầm mà tích tụ dần dần trong cơ thể.
- Hệ thống đường ống nước: Quá cũ hoặc xuống cấp qua thời gian, đường ống nước có nhiều mối hàn được qua sửa chữa nhiều lần hoặc hệ thống không đường sục rửa vệ sinh, thay mới đều đặn định kỳ sẽ có nguy cơ rỉ sét, ăn mòn. Từ đó phát tán các ion chì cùng các kim loại nặng vào nước. Khi chì hòa tan vào nước, con người sẽ tiêu thụ qua đường nước uống hoặc nước trong nấu ăn. Kể cả việc “ăn chín uống sôi” cũng không có tác dụng trong việc xử lý hay loại bỏ chì có trong chúng.
- Đồ đóng hộp: Những thực phẩn đóng hộp có vỏ hộp hàn chì đã bị cấm ở các nước phát triển nhưng vẫn còn được sản xuất ở rất nhiều nước đang phát triển.
- Đất bị nhiễm chì, đặc biệt là ở những khu vực đường cao tốc, đô thị. Nguyên nhân do các hạt chì từ xăng pha chì hoặc sơn lắng xuống đất và tồn tại nhiều năm.
- Mạt bụi nhà từ vụn sơn chì hoặc đất bị ô nhiễm.
- Nghề nghiệp: Người làm trong môi trường tiếp xúc với chì nhiều như sửa chữa ô tô, xây sơn nhà, khai thác quặng mỏ, lắp đường ống, sản xuất pin…
- Nước men làm đồ gốm sứ có thể chứa chì. Khi dùng các vật dụng làm từ gốm sứ chứa chì chúng ta vẫn có nguy cơ nhiễm chì.
- Nhiều nhà sản xuất do muốn hoàn thiện hình thức đã sản xuất các món đồ chơi cho trẻ nhỏ chứa chì gây nguy hiểm trực tiếp đến con nếu con cho vào miệng nhai hoặc nuốt.
- Mỹ phẩm: Có rất nhiều mỹ phẩm có thể chứa thành phần chì như phấn mắt, son môi…
- Nếu sinh sống trong phạm vi trường bắn lâu năm có thể dẫn đến phơi nhiễm chì từ đạn chì.
- Thảo dược hoặc các phương thuốc dân gian có chứa chì.
Chì mang những độc tính gì ảnh hưởng đến cơ thể?
Ảnh hưởng đến thần kinh
- Với thần kinh trung ương có thể làm tổn thương các tề bào não, kích thích thần kinh trung ương gây chết tế bào thần kinh.
- Hủy hoại, tàn phá dây thần kinh.
Độc tính đến máu
Dẫn đến thiếu máu do ức chế quá trình tổng hợp hồng cầu trong cơ thể. Lâu dần rút ngắn tuổi thọ của hồng cầu do sức bền của màng hồng cầu đã bị suy giảm, dẫn đến gây tan máu.
Liên quan đến thận và tim mạch
Gây tổn thương trầm trọng đến chức năng của thận, giảm thải trừ axit-uric qua nước tiểu, làm tăng axit-uric dẫn đến nguy cơ cao mắc bệnh gút.
Không những thế, bằng các cơ chế khác nhau, nhiễm độc chì còn làm tăng co bóp thành mạch máu dẫn đến huyết áp tăng cao.
Nhiễm độc chì ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và nguy hiểm đến thai nhi
Không chỉ ảnh hưởng đến phụ nữ, nhiễm độc chì có thể gây giảm chức năng sinh sản ở cả nam và nữ. Giảm chức năng nội tiết của tinh hoàn, chất lượng và số lượng tinh trùng cũng suy yếu, làm thay đổi bất thường hình thái cũng như tính di chuyển của tinh trùng. Ở nữ giới cũng bị ảnh hưởng đến trứng và khả năng mang thai, dễ sẩy thai hoặc sinh con sớm.
Ngoài ra, chì có thể qua được nhau thai và tiến đến bào thai. Nếu mẹ bầu bị ngộ độc chì, bào thai cũng sẽ gặp tình trạng tương tự. Nếu chì trong máu của mẹ trên 15mcg/dL có thể làm chậm phát triển thai nhi. Nếu chì máu dưới 25mcg/dL sẽ làm rút ngắn thời gian mang thai, sinh con non, trẻ sơ sinh thiếu cân.
Thậm chí có thể tăng nguy cơ sẩy thai, trẻ sinh ra chậm phát triển, tăng tỷ lệ dị tật thai nhi, suy giảm sớm về tình trạng thần kinh tâm thần sau khi sinh. Chì làm gây dị tật thai nhi phổ biến là u máu, u lympho, tràn dịch màng tinh hoàn, hở hàm ếch…
Ảnh hưởng đến xương và tiêu hóa
- Xương là nơi có nhiều chì nhất trong cơ thể.
- Chì có thể làm giảm hình thành xương mới, đồng thời gây mất cân bằng các tế bào xương. Điều này cũng sẽ làm giảm tăng trưởng xương, hạn chế phát triển chiều cao ở trẻ em bị nhiễm độc chì.
- Dẫn đến các cơn co thắt ruột gây đau bụng.
Ý nghĩa quan trọng của việc xét nghiệm nhiễm độc chì
Xét nghiệm chì có thể sẽ được thực hiện với bệnh phẩm máu tĩnh mạch, lấy máu gót chân ở trẻ nhỏ, hoặc xét nghiệm nước tiểu trong 24 giờ. Giá trị bình thường mà cơ thể có thể cho phép của hàm lượng chì trong máu sẽ nằm ở mức ≤ 40µg/ dL, ở nước tiểu là 0,3 – 1,8µg/ dL. Nếu như hàm lượng chì này tăng cao trong máu có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe.
Bệnh nguy hiểm như thế nào còn phải tùy thuộc vào lượng chì phơi nhiễm, độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, bệnh nền của người bị nhiễm cũng như thời gian phơi nhiễm. Xét nghiệm chì thường được ứng dụng nhằm các mục đích như sau:
Dùng để chẩn đoán nhiễm độc chì
Khi người lớn hoặc trẻ em bộc lộ các biểu hiện nghi ngờ nhiễm độc chì, các bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm nhằm đo được hàm lượng chì trong cơ thể là bao nhiêu. Qua đó chẩn đoán chính xác người bệnh có đang bị nhiễm độc chì hay không, và lượng chì đang ở mức độ như thế nào. Từ đó sẽ có những điều trị chính xác hơn.
Sàn lọc nhiễm độc chì
Trẻ em nếu có tiếp xúc với đồ ăn – thức uống hoặc ngậm – nuốt đồ chơi hoặc sống trong môi trường có nguy cơ cao ngộ độc chì sẽ được các bác sĩ tiến hành sàng lọc và xét nghiệm hàm lượng chì trong cơ thể, đặc biệt là khi trẻ trong độ tuổi 1 – 2 tuổi. Nếu nồng độ chì trong máu của con ở mức > 5 µg/ dL, bác sĩ sẽ dùng kết quả xét nghiệm đo hàm lượng chì để quản lý, theo dõi tình trạng điều trị.
Không những thế, xét nghiệm chì cũng được sử dụng để sàng lọc những đối tượng công nhân làm việc trong môi trường có nguy cơ cao bị nhiễm chì. Theo các chuyên gia và bác sĩ, nồng độ chì ở một công nhân trong máu nếu > 40 µg/ dL sẽ được khuyến cáo thực hiện kiểm tra nồng độ 2 tháng một lần để theo dõi, giám sát chặt chẽ.
Bên cạnh đó, mọi người cũng cần phải đánh giá tình trạng nhiễm chì trong khu vực nhà ở, vật dụng sử dụng hàng ngày, nguồn nước sử dụng, môi trường xung quanh để giảm tối thiểu nguồn chì phơi nhiễm ở từ môi trường sống.
Mỗi cơ địa người sẽ có mức thải trừ hàm lượng chì khác nhau, vì thế ngoài xét nghiệm nồng độ chì, các bạn cũng cần kết hợp làm thêm một vài xét nghiệm khác, yếu tố lâm sàng để chẩn đoán được chính xác hơn mức độ nhiễm chì.
Phòng ngừa nhiễm độc chì như thế nào hiệu quả?
Có nhiều biện pháp đơn giản nhưng vẫn có thể giúp bạn bảo vệ bản thân và gia đình mình khỏi nguy cơ nhiễm độc chì:
- Rửa tay và vệ sinh đồ chơi thường xuyên: Do trẻ nhỏ có thói quen dùng tay hoặc đồ chơi đưa lên miệng. Vì thế việc rửa tay và vệ sinh đồ chơi thường xuyên cho con rất quan trọng, đặc biệt là khi trẻ chơi ngoài trời, trước và sau khi ăn, khi đi ngủ. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên lựa chọn các món đồ chơi có xuất xứ rõ ràng.
- Làm sạch bụi trong nhà: Thường xuyên lau sàn nhà, vệ sinh đồ dùng, lau bụi ở bệ cửa sổ, bậc tam cấp, nhà bếp… bằng khăn ẩm thay vì sử dụng máy hút bụi.
- Tháu giày trước khi vào nhà: Giúp loại trừ tình huống vô tình mang bùn đất có dính chì vào nhà.
- Xả nước lạnh: Nếu bạn đang sống trong nhà có đường ống nước cũ, không chắc chắn có nhiễm chì hay không, hãy xả nước ít nhất 1 phút trước khi xử dụng.
- Không nên sử dụng nước từ máy nóng để pha sữa bột hay nấu ăn.
- Tránh để trẻ chơi trên nền đất: Tốt hơn bạn có thể trồng cỏ hoặc lát nền xi măng, gạch ở vị trí mà con nhỏ hay chơi.
- Ăn uống lành mạnh: Ăn đủ bữa với đa dạng chất dinh dưỡng để cơ thể tăng sức đề kháng, hệ miễn dịch khỏe mạnh, hạn chế hấp thụ chì.
- Hạn chế mài món hoặc phải khắc phục các vết sơn bong tróc sớm, để tránh tạo ra các hạt bụi chứa chì phát tán vào không khí.
Hy vọng qua bài viết trên, Tạp chí Mẹ và Con đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng nhiễm độc chì trong cơ thể cũng như tầm quan trọng của việc giữ gìn sức khỏe, xét nghiệm và phòng ngừa bệnh hiệu quả. Chúc bạn áp dụng thành công nhé!