Đã bao giờ mẹ nghĩ đến việc cho con ăn dặm với rau gì, cách rửa ra sao, bảo quản thế nào cũng là những điều phải học chưa? Nếu chưa, hãy tìm hiểu những thông tin này qua bài viết dưới đây của Tạp chí Mẹ và Con nhé!
Sai lầm thứ 1 khi ăn dặm với rau: Rửa không đúng cách
Có vẻ như đây là sai lầm “kinh điển” của các mẹ trong chế biến thức ăn cho gia đình và cả bé yêu. Khi rau củ được mua về, mẹ thường tiện tay cắt gọt xong xuôi rồi mới rửa hoặc ngâm nước rồi chế biến.
Thói quen này có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bé yêu. Trước tiên là mặt vệ sinh, hầu hết các loại rau củ đều cần phải được rửa sạch bụi bẩn, thậm chí là các tác nhân hóa học khác như chất bảo quản, thuốc trừ sâu… Nếu mẹ bỏ qua công đoạn này, khi cắt gọt các chất này có thể bám vào thức ăn của bé.
Thứ hai là về mặt dinh dưỡng, các vitamin và khoáng chất có trong rau củ thường bị thất thoát ra bên ngoài qua các đường cắt. Vì thế, nếu mẹ ngâm trong nước, các dưỡng chất quan trọng sẽ tan ra bên ngoài, làm ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng của thức ăn sau khi chế biến xong.
Lời khuyên cho mẹ trong trường hợp này là ngâm rau củ khi mới mua về bằng nước muối pha loãng hoặc dung dịch rửa rau trong khoảng 20-30 phút cho các chất bẩn tan ra trong nước. Sau đó mẹ rửa lại thật nhẹ nhàng dưới vòi nước rồi đem đi cắt, thái, chế biến.
Sai lầm thứ 2 khi ăn dặm với rau: Cho bé ăn dặm ít rau
Rất nhiều bà mẹ cho rằng, trẻ trong độ tuổi ăn dặm không nên ăn nhiều rau. Bởi lẽ, hệ tiêu hóa còn non yếu của trẻ không thể hấp thu được hết các chất dinh dưỡng trong rau sẽ làm bé tiêu chảy hay ăn nhiều rau dễ khiến bé nhanh no nên không ăn đủ khẩu phần…
Xem thêm: 8 thực phẩm lợi khuẩn giúp đánh lui bệnh đường tiêu hóa
Lỗi cơ bản nhất này chính là nguyên nhân khiến bé yêu bị thiếu hụt các dưỡng chất quan trọng có được trong rau. Bởi lẽ, rau xanh là kho chứa chất xơ, các loại đường đơn dễ hấp thu, các vitamin thiết yếu như A, C thường rất ít có mặt trong thức ăn có nguồn gốc động vật.
Bên cạnh đó, rau xanh còn chứa rất nhiều khoáng chất có tính kiềm quan trọng cho cơ thể bé như kali, canxi, ma giê giúp duy trì kiềm toan, trung hòa a xít. Đặc biệt nhất là rau còn có thể cung cấp chất sắt dễ hấp thu, giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu máu, co cơ và giải phóng năng lượng khi oxy hóa các chất dinh dưỡng.
Vì vậy, nếu mẹ cho bé ăn ít rau sẽ làm phát sinh tình trạng mất cân đối giữa các nhóm thực phẩm, làm trẻ ăn không ngon miệng, dễ bị đầy hơi, bé sơ sinh bị táo bón và chậm tăng cân.
Để sửa chữa sai lầm này, mẹ nên chú ý điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hiện tại, cho bé 6 tháng tuổi ăn khoảng 10 gam/bữa bột hoặc cháo. Khi trẻ lớn hơn, mẹ tăng dần lượng rau cho trẻ. Ví dụ như trẻ từ 7-12 tháng tuổi cần khoảng 20 gam rau cho mỗi bữa ăn để đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho trẻ phát triển.
Sai lầm thứ 3 khi ăn dặm với rau: chỉ cho ăn rau ăn củ, quả
Ở nhiều gia đình có con nhỏ, bạn sẽ thấy một số các loại rau củ xuất hiện nhiều nhất chính là cà rốt, khoai tây, khoai lang, bí đỏ… Các mẹ cho rằng rau ăn củ giàu dinh dưỡng, dễ dự trữ, chế biến tốt hơn cho bé.
Có thể mẹ chưa biết: Những sai lầm khi ăn cà rốt biến nó thành chất độc
Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng đã chứng minh rằng, loại rau tốt nhất cho trẻ vẫn là rau có lá màu xanh thẫm. Xét về thành phần dinh dưỡng, rau lá xanh chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn, nhất là vitamin A, C, K, chất chống oxy hóa, chất xơ, folate, các khoáng chất như ma giê, canxi, sắt, kali.
Điều đặc biệt là rau ăn lá có màu xanh thẫm rất ít calo, chỉ khoảng 10-25 calo trên mỗi nửa chén, nhưng lại rất nhiều muối vô cơ có vai trò quan trọng trong điều hòa hoạt động sống.
Do đó, khi cho trẻ ăn rau, mẹ nên bổ sung nhiều rau lá, nhất là các loại có màu xanh thẫm để bé yêu nhận đủ dưỡng chất. Tốt nhất là nên thay đổi rau theo từng bữa ăn, tuyệt đối không lạm dụng các loại rau ăn củ nhé.
Sai lầm thứ 4 khi ăn dặm với rau: Ninh rau lấy nước
Đây là một trong rất nhiều sai lầm thường gặp khi mẹ cho bé ăn rau. Nguồn gốc của việc này xuất phát từ quan niệm “chất bổ tan trong nước”. Vì thế, mẹ rất chăm chỉ ninh nhừ rau củ, thậm chí là nhiều loại rau củ với nhau và cả xương để lấy nước dùng cho bé ăn bột, cháo với hy vọng bé yêu hấp thu hết các dưỡng chất có trong thực phẩm.
Thế nhưng, mẹ không biết rằng, các loại vitamin và khoáng chất có trong rau xanh rất dễ bị phân hủy trong môi trường nhiệt độ cao. Cho nên, sau khi được ninh nhừ, luộc kỹ, phần dưỡng chất có trong rau củ gần như đã mất hết. Tỷ lệ thất thoát chất dinh dưỡng này có thể lên đến 60% với vitamin C.
Phần còn lại là xác rau bị mẹ bỏ đi khiến cho trẻ không nhận đủ chất xơ. Đây là nguyên nhân khiến trẻ vừa thiếu chất, vừa dễ gặp các vấn đề tiêu hóa như táo bón, đầy hơi, trướng bụng… Vì thế, thay vì ninh nhừ hay luộc rau củ lấy nước, bạn nên thực hiện các phương pháp chế biến khác để các chất dinh dưỡng ít bị mất đi như hấp.
Ngay khi chế biến xong là cho bé dùng ngay, tránh làm nóng lại nhiều lần. Cuối cùng, đừng quên nghiền, băm nhuyễn xác rau cho bé ăn để giúp bổ sung đầy đủ chất xơ cần thiết cho hoạt động tiêu hóa.
Sai lầm thứ 5 khi ăn dặm với rau: Bảo quản rau quá lâu
Công việc bận rộn khiến mẹ không có thời gian đi chợ hàng ngày để mua rau củ, thịt cá cho cả gia đình. Vì thế, mẹ thường chọn cách mua thật nhiều rồi trữ trong tủ lạnh để dùng dần. Cách làm này tuy là tiện cho mẹ, nhưng lại có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bé như khiến rau hao hụt chất dinh dưỡng hay biến chất.
Với tình huống này, mẹ nên tính toán sao cho cân đối các loại thực phẩm trong tuần để mua vừa đủ, không để rau dự trữ nhiều quá hai tuần. Khi mua rau về, mẹ nên phân loại cần dùng ngay và loại để lâu rồi chia thành từng gói nhỏ, quấn ít giấy báo bên ngoài để hút đi chất ẩm giúp rau không bị úng.
Tủ lạnh gia đình nên cân chỉnh nhiệt độ ở 1-4 độ C để rau luôn tươi ngon, không bị đóng băng do quá lạnh hay quá nóng gây hư thối. Cuối mỗi tuần, mẹ nên dành thời gian dọn lại ngăn rau củ, bỏ đi những loại rau đã mua quá lâu, lau chùi sạch sẽ để vi khuẩn, bụi bẩn không bám lại vào rau.
Top 3 loại rau lá thẫm nên cho bé ăn dặm:
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào danh sách 19 nước có tình trạng thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở mức độ nặng với tỷ lệ trên 10% ở trẻ dưới 5 tuổi do ăn thiếu rau. Do đó, mẹ đừng quên bổ sung rau vào thực đơn hàng ngày của con nhé. Đặc biệt, chú ý tăng cường các loại rau như sau:
Rau ngót
Dồi dào hàm lượng vitamin nhóm B, C và chất đạm, beta carotene giúp cho rau ngót đứng đầu danh sách các loại rau có lá màu xanh thẫm rất tốt cho bé ăn dặm. Khi chế biến cho bé ăn dặm, mẹ nên chọn các lá non vừa phải, tránh dùng lá gốc, lá quá già sẽ có mùi hăng và cứng, làm bé khó ăn.
Mồng tơi
Khoáng chất nổi bật nhất trong mồng tơi chính là sắt. Ngoài ra, loại rau “vàng” dành cho bé ăn dặm này có chứa nhiều vitamin A (100 gam lá tươi cung cấp 8.000 đơn vị), folate (100 gam lá tươi cung cấp 140 mg) và các sắc tố carotenoid và beta carotene, lutein, zeaxanthin… rất tốt cho tiêu hóa, giúp sáng mắt, phát triển hệ thần kinh.
Rau đay
Ngoài chứa nhiều canxi thực vật đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển hệ xương của trẻ, rau đay còn là thực phẩm giúp thanh nhiệt, làm mềm phân, nhuận tràng và ngăn ngừa táo bón cho trẻ rất hiệu quả.
Cho bé ăn dặm với rau là một hành trình đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn của các mẹ. Tuy nhiên, chỉ cần cố gắng, chắc chắn là mẹ sẽ thực hiện thành công, đúng không nào?