Bé sơ sinh bị táo bón là là một trong những tình trạng thường gặp. Bệnh có thể ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển. Bởi lẽ, khi em bé bị táo bón cũng dễ cáu gắt, khó chịu và quấy khóc có thể khiến trẻ biếng ăn, chậm lớn, thậm chí là suy dinh dưỡng.
Cách nhận biết bé sơ sinh bị táo bón
- Trẻ đi tiêu khó khăn, không tự đi được hoặc khóc lóc, sợ hãi khi đi tiêu
- Khoảng cách giữa các lần đi tiêu dài, thường là hơn 3 ngày
- Phân rắn, quá nhỏ hoặc quá to so với kích thước thông thường
- Kiểm tra hậu môn bạn sẽ thấy bị sưng đỏ, thậm chí là chảy máu
- Trẻ hay bị đau bụng, ưỡn người khi đi tiêu
- Trẻ có biểu hiện chán ăn, trướng bụng, thỉnh thoảng bị nôn…
Nguyên nhân khiến bé sơ sinh bị táo bón
Bên cạnh các nguyên nhân bệnh lý như đại tràng dài, phình trực tràng bẩm sinh, dị dạng hậu môn, thuốc kháng sinh… phần lớn em bé bị táo bón là do dinh dưỡng chưa hợp lý. Cụ thể là:
– Thiếu chất xơ là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến cho bé yêu của bạn bị táo bón. Chất xơ là các polysaccharides thường có trong các loại rau, củ, quả và không tiêu hóa được khi ăn. Chúng có vai trò hút nước làm ruột trương lên do khối lượng phân tăng lên, làm mềm phân và tăng nhu động ruột để tống đẩy phân ra ngoài.
– Trẻ ăn quá nhiều thức ăn gây táo bón như ngũ cốc, bánh mì… Lý giải cho vấn đề này, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng bột mì khiến cho vi khuẩn trong đại tràng lên men các polymer của phân tử fructose tạo ra hơi, gây kích thích đường ruột, khiến trẻ bị táo bón.
– Trẻ uống thiếu nước cũng rất dễ bị táo bón. Lý do được giải thích là cơ thể nhận nước đưa vào cơ thể qua hai cách, một là lấy từ ruột non, phần còn lại là từ ruột già. Vì thế, khi trẻ không nạp đủ nước, cơ thể sẽ tự động lấy nước từ ruột khiến cho chất thải bị khô, vón cục nên khó đào thải ra bên ngoài.
– Trẻ bú mẹ quá ít cũng có nguy cơ bị táo bón. Bởi lẽ, trong sữa mẹ có hóc môn Motilin làm tăng nhu động ruột, giúp phân di chuyển dễ dàng hơn.
– Với trường hợp trẻ uống sữa công thức, cách pha không đúng chuẩn hoặc thay đổi các loại sữa thường xuyên làm cho ruột không kịp thích ứng cũng gây ra tình trạng táo bón.
Lời khuyên cho bé ăn dặm bị táo bón
Từ những nguyên nhân đã đề cập ở trên, khi cho trẻ ăn dặm, mẹ cần chú ý 3 điều sau:
Tăng cường chất xơ cho bé
Bên cạnh việc cân đối 4 nhóm thực phẩm cơ bản cho một bữa ăn hoàn chỉnh, mẹ cũng cần chú ý đến việc tăng cường chất xơ cho bé. Các loại chất xơ có nhiều trong các rau có màu xanh đậm như mồng tơi, rau đay, cải bắp…
Có thể mẹ quan tâm: Vì sao bé ăn nhiều chất sơ vẫn táo bón
Ngoài ra, bạn có thể thay rau xanh bằng đậu Hà Lan, khoai, bắp ngô… cho bát cháo hay bột của trẻ mỗi tuần từ 2-3 lần. Cách làm này không chỉ giúp thay đổi khẩu bị, tạo cảm giác mới mẻ khi thưởng thức món ăn mà còn giúp ngăn ngừa bé sơ sinh bị táo bón.
Gạo lứt cũng là một trong những thực phẩm giàu chất khoáng và chất xơ, thậm chí là gấp 2 lần gạo trắng. Vì thế, mẹ nên dùng gạo lứt để nấu cho trẻ để hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn.
Một “ứng cử viên sáng giá” trong việc giúp tăng lượng chất xơ cho cơ thể bé chính là các loại trái cây. Đó có thể là bơ, táo, chuối, cam, kiwi… Ở giai đoạn này, bạn có thể ép lấy nước cho bé uống, nhưng tốt hơn vẫn là cho bé ăn cả xác, nếu bé lớn hơn một chút và đã biết nhai.
Bổ sung đủ nước
Với trẻ trong độ tuổi ăn dặm từ 6 – 12 tháng, lượng nước cần nạp vào cơ thể là 50-100ml/ngày, vì giai đoạn lượng chất lỏng còn đến từ sữa. Tuy nhiên, nếu trẻ bị táo bón hoặc ăn thức ăn khô, mẹ nên bổ sung nước cho trẻ để quá trình tiêu hóa được thuận lợi, bé đi tiêu dễ dàng hơn.
Ngoài các loại nước, súp, cháo, mẹ có thể cho bé dùng nước trái cây như: cam, táo, dừa, nho, xoài… Khi mới cho bé tập uống, bạn nên pha loãng nước hoa quả với nước lọc (trừ nước dừa), uống 2-3 thìa/lần. Dần dần bé quen hơn, bạn có thể cho bé uống nhiều hơn, nhưng nhớ với liều lượng không quá 120ml/4 lần mỗi ngày nhé.
Xem thêm: Mỗi ngày trẻ uống bao nhiêu nước cam là đủ
Tăng cường men vi sinh
Khi bước sang giai đoạn ăn dặm, trẻ sẽ phải tập làm quen với việc thay đổi thói quen ăn uống từ loãng sang đặc, từ chỉ có uống sữa chuyển sang dùng nhiều loại thức ăn khác lạ. Đây là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị rối loạn hệ vi sinh đường ruột, gây ra những vấn đề về tiêu hóa, trong đó có bé sơ sinh bị táo bón.
Vì thế, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mẹ nên bổ sung các loại lợi khuẩn cho đường ruột của bé để giúp ức chế các vi khuẩn có hại, hỗ trợ các vi khuẩn có lợi. Món ăn có thể làm được điều này chính là sữa chua.
Sữa chua được lên men từ những vi khuẩn có lợi cho đường ruột, lại chứa axít lactic do đã làm lên men đường lactoza nên có thể giúp cải thiện các vấn đề về tiêu hóa ở trẻ nhỏ.
Lúc bé được 7 tháng tuổi, mẹ có thể bắt đầu cho con dùng sữa chua với liều lượng vừa đủ, khoảng 50 gam/ngày, ăn sau bữa ăn 1-2 giờ. Trước khi bé ăn, mẹ nên mang sữa chua ra ngoài để cho nguội rồi hãy đút cho bé ăn, mẹ nhé.
Thực đơn cho bé sơ sinh bị táo bón
Bột khoai lang, táo
Khoai lang và táo mỗi loại 20 gam đem hấp chín và nghiền nhuyễn. Ngay khi chế biến xong, mẹ nhớ cho bé dùng ngay nhé. Món ăn này thích hợp cho trẻ từ 8 tháng tuổi và giúp đề phòng bé bị táo bón.
Bột sữa, bí đỏ
Dùng 30 gam bí đỏ luộc chín nghiền nhuyễn, 12 gam sữa bột và 100ml nước và khấy đều trên lửa nhỏ. Bột chín, mẹ tắt bếp cho 1 muỗng cà phê dầu ăn vào trộn đều và cho bé dùng ngay.
Bột sữa, chuối
Chuối tiêu chín 1 quả nghiền nhuyễn sau đó cho sữa mẹ hoặc sữa công thức về trộn đều thành hỗn hợp mịn và cho bé sơ sinh bị táo bón thưởng thức.
Massage bụng chữa bé sơ sinh bị táo bón
- Đặt bé nằm ngửa trên mặt phẳng và thoa dầu mát xa vào tay
- Xoa bụng theo chiều kim đồng hồ với hình xoắn ốc
- Thực hiện từ 10-15 giây/lần rồi dừng lại
- Lặp lại việc massagenày 3 lần
Bé sơ sinh bị táo bón khiến cho mẹ lo lắng rất nhiều. Tuy nhiên, với những chia sẻ trên đây của Tạp chí Mẹ và Con, hẳn là mẹ đã cảm thấy an tâm hơn phần nào. Chúc mẹ thực hiện thành công và bé yêu luôn vui khỏe!