Áp lực khi đi đứng hàng ngày hoặc cọ xát quá mức có thể gây ra các vết chai trên hầu hết các vùng da. Tuy nhiên, các vị trí chai phổ biến nhất là bàn chân, đầu ngón tay và lòng bàn tay.
Chúng ta có thể loại bỏ vết chai tại nhà, nhưng tuyệt đối không sử dụng các vật sắc nhọn để tránh bị thương, chảy máu và thậm chí là nhiễm trùng. Trong bài viết này, Tạp chí Mẹ và Con sẽ đưa ra một số lời khuyên để phòng ngừa cũng như cách chữa chai chân và thời điểm nên đi gặp bác sĩ nhé!
7 cách chữa chai chân hiệu quả
Muối Epsom
Muối Epsom là muối vô cơ magie sulphat. Tên của muối bắt nguồn từ một con suối ở nước Anh. Muối Epsom hoàn toàn khác với muối ăn, nhưng có hình dáng tinh thể lắng đọng tương tự nên gọi là muối.
Bạn có dùng muối Epsom như một cách chữa chai chân. Thêm một ít muối vào bồn tắm hoặc chậu nước ấm. Ngâm vùng da bị ảnh hưởng trong 10 phút, sau đó chà xát nhẹ nhàng.
Đá bọt
Đây là một loại đá nhẹ, xốp được nhiều người sử dụng để tẩy tế bào chết và vết chai.
Hiệu quả của đá bọt được nâng cao sau khi đã làm mềm da. Một cách dễ dàng hơn là ngâm vùng da bị chai trong nước ấm 5–10 phút trước khi sử dụng đá.
Khi da đã được làm mềm, dùng đá bọt xoay nhẹ nhàng theo chuyển động tròn hoặc từ bên này sang bên kia để loại bỏ tế bào chết trên da. Thực hiện trong vài ngày liên tiếp bạn sẽ thấy đây là cách chữa chai chân hiệu quả.
Cách chữa chai chân bằng giũa
Giũa là một công cụ khác dùng để tẩy da chết. Sản phẩm thường có hình dạng một thanh kim loại và/hoặc kèm tay cầm bằng cao su hoặc nhựa. Nhiều người thường sử dụng giũa chân khi ở trong bồn tắm hoặc dưới vòi hoa sen, sau khi nước đã làm mềm da.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể phối hợp giũa với đá bọt để cho hiệu quả rõ rệt hơn. Sau khi loại bỏ vết chai bằng giũa, đừng quên sử dụng kem dưỡng ẩm để giữ cho da luôn mềm mại nhé.
Tham khảo: Cách tự chế kem dưỡng ẩm bằng dầu dừa và nha đam
Kem tẩy tế bào chết
Thay vì tẩy tế bào chết bằng tay và các dụng cụ đã nêu ở trên, bạn có thể chọn tẩy tế bào chết bằng kem. Các sản phẩm có tác dụng đối với vết chai thường chứa các thành phần axit salicylic, urê hoặc amoni lactate.
Bạn nên sử dụng kem hàng ngày để tẩy tế bào da chết. Theo thời gian, da sẽ mềm hơn và các vết chai dần dần biến mất.
Hiện nay có rất nhiều loại kem tẩy tế bào chết được bán trên thị trường với nhiều mức giá khác nhau. Tuy nhiên, bạn nên chú ý kiểm tra nhãn hiệu, đọc kỹ thành phần để đảm bảo mang đến hiệu quả như mong muốn và tránh gây hại cho da.
Bột baking soda
Thay vì chọn các loại kem có sẵn trên thị trường, bạn nên cũng có thể sử dụng baking soda. Thành phần tự nhiên có trong gian bếp mỗi gia đình này mang đến hiệu quả tích cực và rất lành tính.
Để chuẩn bị, hãy trộn 2 thìa nước với lượng muối nở vừa đủ để tạo thành hỗn hợp sền sệt, sau đó thêm vài giọt nước cốt chanh. Bôi hỗn hợp lên các khu vực bị chai, cố định chúng lại bằng tất, găng tay hoặc băng gạc. Tốt nhất bạn nên thực hiện vào bên đêm để tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt.
Thực hiện đều đặn hàng tuần cách chữa chai chân này cho đến khi vết chai biến mất, bạn nhé.
Vaseline
Để xử lý vết chai, bạn cũng có thể thử dùng Vaseline. Thoa Vaseline lên những vùng da bị chai và ủ qua đêm. Để tăng hiệu quả, bạn nên ủ lại bằng tất hoặc găng tay và tháo ra vào sáng hôm sau.
Cách làm này có thể giúp giữ cho Vaseline không bị trôi và làm mềm các vết chai, da khô hiệu quả.
Dùng đệm bảo vệ
Giảm ma sát hoặc áp lực gây ra vết chai cũng được khuyến khích để giúp giảm chai lại một cách tự nhiên. Đây là một dạng băng đệm có thể bảo vệ hoặc ngăn ngừa vết chai. Chúng có nhiều kích cỡ và hình dạng, cho nhiều khu vực khác nhau.
Ngoài ra, băng đệm còn giúp bảo vệ các vùng da trên cơ thể bạn khỏi hình thành vết chai.
Những lưu ý khi áp dụng cách chữa chai chân
Những người mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là những người bị bệnh thần kinh ngoại biên hoặc bệnh động mạch ngoại vi, nên tránh tự điều trị vết chai. Tốt nhất là nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa nội tiết hoặc cơ xương khớp. Bởi lẽ, đây là nhóm đối tượng nguy cơ, dễ bị tổn thương da và thần kinh hơn người khác.
Phòng ngừa các vết chai chân
- Rửa chân hàng ngày, lau khô và thoa kem dưỡng ẩm
- Mang giày vừa vặn, vì giày quá chật hoặc quá cao có thể làm tăng ma sát
- Sử dụng miếng gel hoặc miếng xốp chèn trong giày để tránh áp lực quá mức lên da
- Sử dụng dụng cụ bảo vệ trong sinh hoạt hàng ngày như khi làm vườn, mang vác vật nặng, đi xe đạp…
Vết chai được hình thành do ma sát hoặc áp lực quá mức lên một số vùng da nhất định. Chúng có thể gây khó chịu và bất tiện nhưng hiếm khi nguy hiểm. Tuy nhiên, “phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh”, đúng không nào? Vì thế, hãy thực hiện theo những mẹo Mẹ và Con vừa bày để luôn có đôi bàn chân, đôi tay mềm mại, mịn màng nhé!