Theo thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tử vong nhiễm khuẩn hô hấp cấp xếp thứ 5 trong các bệnh lý nguy hiểm ở trẻ. Trong đó, viêm tiểu phế quản là một trong những bệnh hô hấp thường gặp.
Nếu không được điều trị kịp thời, viêm tiểu phế quản có thể gây ra những hậu quả nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Hãy cùng Mẹ và Con tìm hiểu về bệnh viêm tiểu phế quản qua bài viết này nhé!
Viêm tiểu phế quản do virus
Theo các chuyên gia, một trong những tác nhân chính khiến trẻ bị viêm tiểu phế quản là các virus. Đứng đầu trong số đó là virus hợp bào hô hấp (hay còn có tên khoa học là virus Respiratoire Syncytial – VRS). Theo đó, virus chiếm khoảng 30 – 50% các trường hợp mắc bệnh viêm tiểu phế quản.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy, loại virus VRS sở hữu 2 điểm nguy hiểm gồm: Khả năng lây lan rất nhanh và mạnh, do đó có nguy cơ bùng phát trở thành dịch. Virus này có thể gây bệnh cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, biểu hiện của chúng thường khá nhẹ như: cảm, ho thông thường. Nhưng nếu trẻ dưới 2 tuổi bị mắc phải loại virus này, sẽ có thể biểu hiện dưới dạng nặng là viêm tiểu phế quản vô cùng nguy hiểm.
Tiếp đến là virus cúm và á cúm. Đây cũng được xem là một trong những tác nhân gây nên bệnh viêm tiểu phế quản (chiếm 25%). Bên cạnh đó còn có virus Adenovirus với tỷ lệ 10%.
Theo các chuyên gia, nếu trẻ em sinh sống trong khu vực có dịch cúm hay viêm đường hô hấp do virus hợp bào gây ra, thì tỷ lệ bị lây nhiễm là rất cao. Bởi sức đề kháng của trẻ nhỏ vẫn chưa hoàn thiện, còn non yếu.
Ngoài ra, những trẻ từng có tiền sử bị ốm do nhiễm virus viêm mũi họng, viêm amidan, viêm VA…đều thuộc nhóm có nguy cơ cao dẫn tới bệnh viêm tiểu phế quản nếu không được điều trị đúng cách.
Cuối cùng, những trường hợp trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói thuốc lá; trẻ em bị bệnh phổi bẩm sinh; trẻ em bị suy giảm miễn dịch…cũng là những đối tượng tiềm năng cho căn bệnh viêm tiểu phế quản nguy hiểm này.
Trẻ bị viêm tiểu phế quản thường có triệu chứng gì?
Theo các chuyên gia, viêm tiểu phế quản thường gặp ở trẻ trong độ tuổi từ trẻ 3-6 tháng. Khi nhiễm bệnh, các phế quản nhỏ sẽ bị viêm, sưng và đồng thời tiết ra nhiều dịch gây tắc nghẽn đường thở của bé.
Lúc này, bố mẹ phải thật sự chú ý. Nếu thấy trẻ có những dấu hiệu dù đơn giản như: ho, chảy nước mũi trong, sốt (vừa hoặc cao) sau 3 – 5 ngày vẫn không khỏi và còn xuất hiện thêm các triệu chứng như trẻ sơ sinh khó thở, thở rít…thì ngay lập tức đưa bé đến bệnh viện để được kiểm tra.
Bởi nếu không được can thiệp kịp thời, những trường hợp diễn tiến nặng có thể dẫn tới tím tái, hay thậm chí nguy hiểm hơn là ngừng thở do kiệt sức.
Ngoài ra, trường hợp những em bé trong quá trình thăm khám, thấy xuất hiện hiện tượng nhịp thở nhanh, sốt vừa, các cơn co kéo hô hấp, lồng ngực bị rút lõm, thở rên cũng là những dấu hiệu cho thấy bé đang có nguy cơ cao mắc viêm tiểu phế quản.
Thông thường, những tiếng thở của bé lúc này có thể nghe ran rít, thông khí phổi kém. Trẻ bắt đầu ho nhiều và liên tục hơn, kèm theo đó là khó thở. Nếu diễn tiến nặng hơn, bé còn có nguy cơ bỏ bú, cơ thể trở nên tím tái.
Cách chăm sóc trẻ bị viêm tiểu phế quản như thế nào ?
Đối với những trường hợp trẻ bị viêm tiểu phế quản nhẹ, không xuất hiện biến chứng cũng như các yếu tố nguy cơ cao, bố mẹ có thể thực hiện chăm sóc tại nhà theo các cách sau:
- Chú ý dinh dưỡng, cho bé tiếp tục bú và ăn uống đầy đủ.
- Bổ sung đầy đủ lượng nước cần thiết cho trẻ,
- Bố mẹ chú ý làm thông thoáng mũi cho trẻ, giúp trẻ dễ thở và bú tốt hơn.
- Vệ sinh mũi cho bé bằng cách nhỏ mũi với 2-3 giọt nước muối sinh lý.
- Đảm bảo trẻ uống thuốc theo đúng liều lượng và giờ giấc mà bác sĩ đã quy định,
- Hạn chế tối đa việc cho trẻ tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, hút thuốc lá.
- Tái khám đúng hẹn.
Đối với những trường hợp trẻ có dấu hiệu nặng như: Khó thở, bỏ bú, cơ thể tím tái…Bố mẹ cần ngay lập tức cho bé đến bệnh viện để bác sĩ điều trị kịp thời,
- Đối với trường hợp không có suy hô hấp, các bác sĩ có thể sẽ tiến hành hút thông đường thở, nhằm giải phóng các chất xuất tiết, kết hợp với lý liệu pháp hô hấp như vỗ rung, hút đờm…giúp các bé hô hấp dễ dàng hơn.
- Đối với những trẻ nhập viện trong tình trạng sốt cao, khó thở, nôn mửa…bác sĩ có thể sẽ bù đủ dịch và điện giải theo nhu cầu cơ thể từng trẻ.
- Đối với những trường hợp nặng, có dấu hiệu bị suy hô hấp. Các bác sĩ có thể sẽ phải cho bé thở oxy, đồng thời hút thông đường hô hấp trên, và dùng thuốc giãn phế quản đường khí dung ẩm, truyền nước, điện giải theo nhu cầu cơ thể bù lượng thiếu hụt.
Cách đề phòng viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ
Để hạn chế tối đa việc mắc bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ, bố mẹ cần lưu ý cho trẻ bú sữa mẹ đầy đủ đến 2 tuổi để được xây dựng hệ miễn dịch khỏe; luôn giữ cơ thể trẻ ấm, không bị nhiễm lạnh; luôn giữ cho môi trường sinh hoạt của trẻ được sạch sẽ, thoáng mát, không khói bụi, thuốc lá…
Đối với những trẻ mắc các bệnh lý liên quan đến tim, phổi bẩm sinh, bố mẹ cần phải đặc biệt quan tâm. Bởi đây chính là đối tượng dễ mắc bệnh viêm tiểu phế quản và có nguy cơ diễn tiến nặng.
Và trên đây là những thông tin cần thiết về bệnh lý viêm tiểu phế quản. Hy vọng thông qua bài viết này, bố mẹ sẽ hiểu hơn về viêm tiểu phế quản, tử đó có cách chăm sóc, phòng ngừa và điều trị đúng cách cho các thiên thần nhỏ của mình.