Trong thời điểm chuyển mùa, trẻ có nguy cơ mắc viêm phế quản cấp cao hơn do các loại virus phát triển và gây bệnh. Tuy nhiên, vì bố mẹ chưa có kiến thức nhận biết và xử trí bệnh sao cho đúng cũng như do còn chủ quan, tự cho trẻ điều trị kháng sinh tại nhà đã dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.
Bệnh viêm phế quản cấp là gì?
Viêm phế quản cấp là hội chứng nhiễm trùng đường hô hấp gây viêm cấp khí quản và các phế quản lớn. Bệnh được gây ra bởi các loại virus và là mối đe dọa đối với sức khỏe, đặc biệt là với trẻ trong nhóm từ 6 tháng – 3 tuổi (nhóm đối tượng dễ mắc bệnh). Trong đó, trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi thường rất dễ bị viêm phế quản cấp nhất.
Trong một số trường hợp, trẻ có thể vừa mắc bệnh viêm phế quản cấp vừa gặp thêm các bệnh nhiễm khuẩn khác như sởi, cúm, ho gà,… Do đó, điều quan trọng là phải thực hiện tiêm chủng cho trẻ em đầy đủ để bảo vệ sức khỏe của trẻ, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn.
Dấu hiệu bệnh viêm phế quản ở trẻ em
Khi bị viêm phế quản cấp, trẻ sẽ dễ có những dấu hiệu gần giống với triệu chứng cảm cúm, cảm lạnh thông thường khiến bố mẹ dễ bị nhầm lẫn. Trẻ bị viêm phế quản cấp sẽ có các triệu chứng như:
- Sổ mũi, nghẹt mũi
- Có triệu chứng thở khò khè, khó thở
- Ho khan, ho có đờm, thường ho nhiều hơn vào sáng sớm hoặc về đêm
- Sốt (tùy trường hợp mà trẻ có thể chỉ sốt nhẹ hoặc sốt cao trên 39 độ C)
- Các triệu chứng khác: đau cơ, nôn ói, mệt mỏi, bú kém (đối với trẻ sơ sinh), đau ngực (đối với trẻ lớn)
Khi nào thì nên đưa trẻ đến bệnh viện?
Nếu trẻ đang có những biểu hiện viêm phế quản cấp đi kèm với các triệu chứng dưới đây, bố mẹ không nên chần chờ mà cần phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt:
- Tím tái khó thở
- Thở nhanh, có hiện tượng thở co lõm ngực
- Liên tục sốt cao trên 39 độ C, không thể giảm sốt dù đã sử dụng thuốc hạ sốt
- Trẻ bó bú
- Có biểu hiện nằm li bì, mê man khó đánh thức
Vì sao trẻ thường dễ mắc bệnh viêm phế quản cấp?
Các nguyên nhân thường gặp dẫn đến viêm phế quản cấp ở trẻ em có thể kể đến như:
- Do virus: Trẻ em thường mắc viêm phế quản cấp do hệ miễn dịch còn yếu, chưa hoàn thiện, dễ bị các loại virus tấn công. Các loại virus gây ra bệnh viêm phế quản cấp bao gồm Adenovirus type 1-7, Influenzae A và B, Enterovirus, Parainfluenzae, các loại virus hợp bào hô hấp (RSV), Rhinovirus, Human Bocavirus, Herpes Simplex Virus.
- Do vi trùng: Các loại vi trùng như S Pneumoniae, H Influenzae, M catarrhalis, Chlamydia Pneumoniae, Mycoplasma Species… cũng có khả năng tấn công vào hệ miễn dịch của trẻ và dẫn đến tình trạng viêm phế quản cấp. Khi trẻ vừa mắc các bệnh lý tai – mũi – họng thì nguy cơ các loại virus, vi khuẩn xâm nhập sẽ đặc biệt cao hơn.
- Các nguyên nhân khác: Trẻ có thể bị viêm phế quản cấp tái phát nhiều lần nếu sống trong môi trường nhiều khói bụi, môi trường ô nhiễm, trẻ có cơ địa bị dị ứng, trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản, bệnh xơ nang, suy giảm miễn dịch,…
Cách điều trị viêm phế quản cấp ở trẻ em
Cần làm gì khi trẻ bị viêm phế quản?
Việc điều trị viêm phế quản cấp ở trẻ em đúng cách đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp trẻ cải thiện sức khỏe, hết bệnh dứt điểm. Nếu trẻ bị chẩn đoán viêm phế quản cấp hoặc có các biểu hiện bệnh, cần lưu ý:
- Với các trường hợp bệnh nhẹ, không nên tự ý sử dụng thuốc kháng sinh mà chỉ cần làm long đờm và cho trẻ ăn uống đầy đủ, đa dạng các loại thực phẩm để tăng cường sức đề kháng. Như vậy, trẻ có thể tự khỏi bệnh sau vài ngày.
- Với trẻ sơ sinh còn đang bú mẹ bị viêm phế quản cấp, nên tăng cường cho trẻ bú nhiều hơn. Còn trong trường hợp trẻ đang ăn dặm, nên cho trẻ uống nhiều nước hơn.
- Ngoài ra, bố mẹ cũng nên chú ý sử dụng nước muối sinh lý 0,9% để vệ sinh tai mũi họng của trẻ thường xuyên.
- Giữ ấm cho trẻ nhưng không ủ ấm trẻ quá kỹ, chọn các loại quần áo rộng rãi, thoáng mát.
- Nếu trẻ bị sốt, có thể chườm nhẹ vùng nách, cổ, bẹn cho trẻ.
- Nếu trẻ sốt cao, không nên tự ý cho trẻ uống thuốc hạ sốt mà nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn.
- Trong trường hợp trẻ bị viêm phế quản cấp, sốt cao không giảm và/hoặc kèm theo các biểu hiện bất thường, tốt nhất nên đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra, thăm khám và có hướng điều trị phù hợp với tình trạng bệnh.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị viêm phế quản
Với trẻ bị viêm phế quản cấp, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ, đa dạng hóa các loại thực phẩm là một trong những cách giúp trẻ hồi phục nhanh hơn. Khi trẻ bị viêm phế quản, cơ thể sẽ dễ bị mất nước, trở nên mệt mỏi, uể oải. Do đó, bố mẹ nên xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học:
- Bổ sung thêm rau củ quả và trái cây tươi: Nên ưu tiên các loại rau xanh và thực vật giàu chất chống oxy hóa như cà rốt, dâu tây, rau chân vịt,… Những loại thực phẩm này có khả năng giúp cung cấp vitamin C và các nhóm vitamin khác rất cần thiết cho trẻ bị khó thở, viêm phế quản.
- Bổ sung thêm thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa (trứng gà, bột mì, ngũ cốc, đậu phụ, gạo,…)
- Cho trẻ uống thêm sữa (sữa bò, sữa đậu nành) hoặc sử dụng các chế phẩm từ sữa có hàm lượng chất béo thấp, chẳng hạn như phô mai.
Một số lưu ý khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị viêm phế quản cấp:
- Khi bệnh, trẻ sẽ cảm thấy đau họng, khó thở, mệt mỏi chán ăn. Do đó, không nên ép trẻ ăn quá nhiều cùng một lúc sẽ khiến trẻ dễ nôn ói. Tốt nhất nên chia nhỏ thành nhiều bữa ăn khác nhau cũng như cho trẻ dùng thực phẩm dạng lỏng (cháo, súp, canh) để trẻ dễ nuốt hơn.
- Bên cạnh việc cho trẻ uống nhiều nước lọc, có thể cho trẻ dùng thêm các loại nước trái cây để hạn chế mất nước, bổ sung dưỡng chất cho cơ thể cũng như giúp đào thải độc tố bên trong cơ thể. Ngoài ra, việc uống nhiều nước cũng giúp cải thiện tình trạng sốt cao hoặc khô họng ở trẻ.
- Khi trẻ bị viêm phế quản cấp, không nên cho trẻ dùng đồ ăn hoặc thức uống lạnh, các loại nước có gas, thực phẩm chiên xào có nhiều dầu mỡ hay các loại thức ăn nhanh, thức ăn ngọt chứa nhiều đường, sữa.
Viêm phế quản ở trẻ em có lây không?
Theo nghiên cứu, viêm phế quản cấp có thể lây cả qua đường trực tiếp hoặc gián tiếp.
- Viêm phế quản cấp lây lan trực tiếp: Khi tiếp xúc gần với người bệnh, bạn có thể bị lây virus khi người bệnh hắt hơi, ho,…
- Viêm phế quản cấp lây lan gián tiếp: Sử dụng các đồ dùng, vật dụng cá nhân như cốc, chén, bát đũa hoặc khăn mặt,… cũng có thể làm lây lan virus gây viêm phế quản cấp.
Phòng ngừa viêm phế quản cấp ở trẻ em như thế nào?
- Hướng dẫn bé rửa tay đúng cách, vệ sinh cá nhân thường xuyên, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với bề mặt các vật dụng
- Tạo môi trường sống sạch sẽ, trong lành thoáng mát để hạn chế vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi. Nên chú ý thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh nhà ở, có thể sử dụng thêm máy lọc không khí nếu có điều kiện.
- Không cho trẻ tiếp xúc với người đang nhiễm bệnh hoặc người thường hút thuốc lá
- Tránh đưa trẻ đến các nơi nhiễm khuẩn, khói bụi. Nếu có, cho trẻ đeo khẩu trang đúng cách.
- Ăn uống hợp vệ sinh, tăng cường bổ sung các chất dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm
- Tiêm chủng cho trẻ đầy đủ
Viêm phế quản cấp nếu không được điều trị sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp cấp, hen, giãn phế quản… Do đó, nếu thấy trẻ có những dấu hiệu bệnh, hãy đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra sức khỏe nhé!